Tục đốt lửa đêm Giao thừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhiều gia đình tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đốt một đống lửa lớn trước nhà để xua đuổi tà ma, cầu mong năm mới may mắn, bình an.
Cùng với việc dọn dẹp, mua sắm, trang trí nhà cửa, chiều ngày 29 Tết, nhiều gia đình tại thị xã Ayun Pa đã dựng sẵn những đống củi trước cổng nhà để chuẩn bị cho tục đốt lửa đêm Giao thừa. Củi đốt có thể tận dụng những loại gỗ tạp có sẵn hoặc cành cây khô trong vườn nhà như xoài, điều… Thời khắc Giao thừa, ngọn lửa được nhóm lên, cả gia đình ngồi xung quanh, trò chuyện vui vẻ, kể về một năm cũ đã qua và chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Tại nhiều tuyến đường, những ngọn lửa bập bùng thành hàng thẳng tắp, sáng bừng cả một vùng, tạo thành nét văn hóa độc đáo trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới.
Ông Ngô Trung Nghĩa (phường Cheo Reo) kể: Sau khi dọn nhà xong, con cháu lượm một vài cây củi có sẵn trong vườn xếp thành đống chuẩn bị sẵn. Khi đồng hồ điểm đúng 0 giờ ngày mùng 1, trong khi ông thắp nén nhang cúng tổ tiên, ông bà, con trai sẽ nhóm lửa đốt củi. Ông cũng không biết phong tục này có từ khi nào, chỉ biết từ thời cha mẹ ông ngày xưa lên đây lập nghiệp đã có và lưu giữ đến bây giờ. Theo ông bà truyền lại, lửa là ngọn nguồn của sự sống. Vì vậy, thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới, ngọn lửa phải được thắp lên ở mọi nhà. Thần lửa sẽ giúp xua đuổi tà khí, mang đến sự ấm cúng cho căn nhà cùng những điều may mắn cho các thành viên trong gia đình. 
Với gia đình anh Lê Văn Tâm (phường Đoàn Kết), tục đốt lửa bắt đầu từ khi Nhà nước cấm đốt pháo dịp Tết. Theo anh, trước đây, vào dịp Tết, nhà nào cũng có mấy cuộn pháo dây để trong nhà. Giao thừa nhà nhà đốt pháo, tiếng pháo nổ giòn vang, sáng rực cả vùng quê. Khi việc đốt pháo bị cấm, anh cùng nhiều gia đình thấy thiếu vắng một chút gì đó trong thời khắc Giao thừa. Ý tưởng đốt lửa thay đốt pháo bắt đầu từ đó. Trong ánh lửa bập bùng, những tàn lửa bắn tí tách nghe rất vui tai. Trẻ con háo hức chờ, hò reo, nhảy múa, hát hò xung quanh. Không khí Tết sôi động, đầm ấm, vui vẻ hơn rất nhiều. “Năm mới, mỗi người có một mong ước riêng, với tôi, niềm mong mỏi lớn nhất là cả gia đình có sức khỏe, công việc thuận buồm xuôi gió, các cháu ngoan ngoãn, học hành giỏi giang”-anh Tâm bộc bạch.
Việc đốt lửa đầu năm tuy mỗi gia đình thực hiện khác nhau nhưng thông thường đều do người đàn ông-trụ cột trong gia đình châm lửa. Để ngọn lửa cháy đượm, mọi người chọn một số cây gỗ to xếp cùng những cây củi nhỏ. Gỗ, củi phải được phơi khô từ trước khi đốt để cháy được hết. Người đốt lửa rất kỵ việc củi còn tươi, lửa cháy dang dở rồi tắt, coi đó như điềm báo không may mắn. Việc đốt lửa được thực hiện tại nơi đất trống trước cửa nhà để đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy. 
Tục đốt lửa đêm giao thừa đã tạo nên nét đẹp trong đời sống văn hóa người dân vùng Cheo Reo cũ. Ảnh: Vũ Chi
Tục đốt lửa đêm Giao thừa đã tạo nên nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân ở thị xã Ayun Pa. Ảnh: Vũ Chi
Là người con xa quê đi lập nghiệp đã lâu, anh Nguyễn Khánh Hòa (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) thấy vô cùng ấm cúng khi được về quê đón Tết cùng gia đình, đặc biệt là được sống lại cảm giác đầm ấm khi ngồi bên đống lửa cháy rực cùng người thân vào thời khắc Giao thừa. Anh chia sẻ: Từ nhỏ, anh đã quen với phong tục đốt lửa đêm Giao thừa cùng cha mẹ. Vì vậy, mỗi lần về quê đón Tết, anh đều mong chờ thời khắc này. Ngọn lửa được thắp lên mang theo hy vọng của cả gia đình vào một năm mới tốt đẹp hơn. “Các con mình tuy chưa hiểu nhiều về tập quán của cha ông nhưng chúng rất hào hứng tham gia và chắc chắn sẽ có những kỷ niệm đẹp để khi trở về thành phố kể lại cho bạn bè cùng nghe”-anh Hòa tâm sự.
Mỗi địa phương có một phong tục, tập quán khác nhau mang tín ngưỡng của từng vùng, miền. Với người dân thị xã Ayun Pa, tục đốt lửa được thực hiện ngay thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới nên không chỉ mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh mà còn thể hiện tình cảm gia đình đầm ấm, gắn bó.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.