Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy - Kỳ 4: Suýt chết ở làng kinh tế mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa năm 1976, gia đình tôi từ Sài Gòn lên đường đi kinh tế mới ở vùng quê như nhiều nhà khác. Nơi chúng tôi đến là mảnh đất hoang vu, nghèo khó Đồng Ban, tỉnh Tây Ninh.
Tác giả Trần Kim Xuân (giữa, hàng đầu) họp mặt cựu thanh niên xung phong - Ảnh: GIA TIẾN
Tác giả Trần Kim Xuân (giữa, hàng đầu) họp mặt cựu thanh niên xung phong - Ảnh: GIA TIẾN
Nhận được thông báo của chính quyền, mọi người chuẩn bị lên đường. Cha mẹ bàn bạc chọn cách ra đi. Mẹ và bốn anh em tôi (ba trai, một gái) sẽ lên vùng kinh tế mới, còn cha và hai anh chị của chúng tôi ở lại Sài Gòn để xoay xở tiếp tế lương thực cho mẹ con tôi.
Thủ "hàng đen" về quê nghèo
Ngày khởi hành, gia đình tôi và các nhà khác được xe chính quyền đến đón đi. Đến nơi, mẹ con tôi được bố trí vào một căn nhà lá đã dựng sẵn từ trước. Tôi nhìn thấy rất nhiều căn nhà theo hàng lối và các gia đình khác cũng đang nhận quà hỗ trợ ban đầu.
Không khí sinh động, ồn ào giữa khu vực rừng núi vừa được khai phá. Thân cây rừng bị ủi đổ ngổn ngang trên mặt đất như vừa bị bom đạn. Mọi người sau một ngày di chuyển mệt mỏi nằm, ngồi lặng thinh.
Lần chích cặn bã thuốc phiện nấu trong rượu ngâm, tôi đã suýt chết vì sốc. Giá như ngày đó tôi chết, có lẽ cha mẹ đã sớm hết đau khổ vì tôi.
TRẦN KIM XUÂN
Tại vùng đất kinh tế mới này, tôi là anh trai lớn nhất với ba đứa em nhỏ cùng mẹ xây dựng cuộc sống. Hồi chuẩn bị đi, tôi không hình dung được cuộc sống mới sẽ thế nào. Nhưng tôi không bận tâm sắp xếp đồ đạc, mà chỉ loay hoay tìm cách có ma túy để thủ mang theo.
Tôi tìm tòi, dò hỏi đám bạn "ken". Để "chia sẻ" hoàn cảnh của tôi, gã chủ động "độp" (chích) thẩy cho tôi một mớ đầu gòn (bông gòn quấn đầu ống chích để lọc thuốc phiện khi nấu hàng), một mớ "tả bô" (giẻ lau các vật dụng dùng để nấu và dùng hàng).
Cuối cùng, hắn giảm giá cho tôi cục "5 hàng cái" (5 gam thuốc phiện chưa nấu). Còn mấy thằng bạn nghiện, đứa bao một mũi "độp", đứa góp mấy hào cho tôi, gọi là chia sẻ lúc khó khăn và đưa tiễn.
Theo mách nước của chủ động "độp", tôi mua nửa lít rượu đế để bỏ hết số "tả bô" vào ngâm trong cái chai thủy tinh. Số thuốc cặn bã dính trong "tả bô" nhả ra rượu. Khi nào tôi vật vã vì thiếu "hàng đen" thì uống chút rượu này để cầm cự qua cơn.
Mớ bông gòn quấn đầu ống chích tôi cũng đem phơi nắng để không bị ẩm hư, khi lên cơn vật vã thì ngậm đỡ mớ đầu gòn có dính thuốc này. Còn cục "5 hàng cái", tôi lấy nilông gói lại kỹ lưỡng. Khi lên vùng kinh tế mới, tôi sẽ nấu để tự "độp" cho mình.
Tất nhiên, tôi cũng không quên mớ "súng đạn" không thể thiếu của dân "ken" là cái muỗng nhôm để nấu thuốc phiện, mấy ống kim chích, gói bông gòn, hộp quẹt...
Tại vùng kinh tế mới, mẹ con tôi ở trong căn nhà cấp được cất lên bằng cây rừng. Nhà chỉ có mái lợp bằng tranh, còn lại trơ trọi không cửa, không vách gì cả. Người đi kinh tế mới như chúng tôi phải tự tìm vật liệu để che chắn mà ở.
Nhìn các dụng cụ được cấp để làm nông ở góc nền gồm cuốc, rựa, liềm mà mẹ con tôi lo lắng. Chúng tôi là dân thành phố, chưa bao giờ cầm các dụng cụ này. Tôi qua những nhà hàng xóm để học hỏi cách làm, cũng như giúp đỡ "vần công" nhau trong những việc cần đông người mới làm được.
Giữa rừng núi nghèo khó, các gia đình đồng cảnh ly hương đều thương mến, gắn bó, giúp đỡ nhau. Người chỉ cách tra cán rựa, người bày cách cuốc đất, đêm hôm có người bệnh hoạn thì chia sẻ từng viên thuốc, chai dầu quý hiếm giữa núi rừng!
Sẵn sàng chích ngay hè phố khi lên cơn nghiện ma túy - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Sẵn sàng chích ngay hè phố khi lên cơn nghiện ma túy - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Nhìn lại cũng đã 2 tháng đi qua
Lúc này, mẹ tôi gần 60 tuổi rồi, sức khỏe không còn như trước. Có những bữa cơm, tôi nhìn nồi cơm cạn trơ đáy, rau thì tăng lên mấy dĩa, lại có thêm vài khúc khoai mì, khoai lang nhưng các em ăn rất ngon lành...
Lên vùng kinh tế mới, lương thực được cấp phát thời hạn 6 tháng. Mỗi người 5kg gạo, 10kg bột mì và 1kg muối cho cả hộ... Số lương thực nhà tôi mang theo đã hết từ lâu, cuộc sống giờ chỉ trông chờ vào thực phẩm cấp phát hằng tháng.
Trong khốn khó ló cái khôn, các em tôi thay nhau nhồi bột mì, hoặc lột khoai mì để luộc hay cắt lát nhỏ để sẵn đó cho mẹ nấu. Nhờ hàng xóm chỉ dẫn, anh em tôi đã biết được măng tre, măng le, rau tàu bay, cải trời, nấm mèo bám ở thân cây...
Bắt chước lối xóm, anh em tôi trồng mì, trồng khoai lang để có rau có củ mà ăn. Tôi không thể nào quên hình ảnh cá khô có giòi trắng bò đầy ở bụng, phải ngâm vào nước nóng cho nó chui ra hết, rồi phơi nắng khô để dành ăn nhiều lần.
Khoai lang để lâu mới cấp phát nên bị sùng nhưng không dám vứt, mẹ tôi nấu chín rồi tỉ mỉ lột phần sùng bỏ đi mà ăn. Gạo chỉ dám nấu có một lon mà nhặt mãi mới hết cát sạn, mối mọt. Thức ăn chủ yếu là muối hột trộn ớt rừng...
Suýt chết vì chích rượu với cặn bã thuốc phiện
Phần tôi trong thời gian này do phải lao động nhiều nên cơn nghiện ngập cũng khác đi, không phải cữ là "độp" như ở Sài Gòn. Rạng sáng, tôi giấu người nhà, cầm túi đồ nghề chích choác đi ra bìa rừng.
Tôi tìm lùm bụi kín đáo, lấy cái muỗng nhôm nấu thuốc phiện để tự chích vào ven của mình. Cảm giác thuốc phiện chạy từ chân lên đầu khoái cảm một cách ma quái. Xong cữ chích choác, tôi giấu đồ nghề vào túi để bắt tay vào lao động ngày mới.
Dù cố gắng dè sẻn nhưng cục 5 gam "hàng đen" rồi cũng hết. Tôi phải ngậm từng đầu bông gòn có dính thuốc phiện ở đầu ống chích, tối đến tôi uống ly rượu ngâm "tả bô" mới ngủ được.
Một buổi chiều, không còn đầu gòn để ngậm mà rượu ngâm "tả bô" cũng còn không bao nhiêu, nên tôi lả người trong khi cố gắng làm việc để không bị nghi ngờ nghiện xì ke. Tôi về đến nhà thì trời đã tối, phải lấy chút rượu ngâm "tả bô" nấu cô lại để chích qua cơn nghiện.
Trong lúc tôi ngồi ở bếp nấu thì mẹ tôi và ba đứa em nhìn thấy. Nhưng tôi vã quá nên bất chấp tất cả, hối hả chích cho mình ngay trước mặt mẹ và các em. Tôi nghe tiếng khóc của mẹ, còn các em đứng nhìn mà lặng người!
Chích xong, tôi ngồi lên mép giường, nắm lấy tay mẹ và nhìn các em mà đắng họng không nói được gì!
Khoảng 5 phút sau, tôi cảm nhận có gì khác thường trong người, tự dưng nổi da gà hết cơ thể và từ bàn chân một luồng lạnh buốt chạy nhanh lên lưng lên đầu rồi lạnh hết người. Tay tôi run lên, hai hàm răng đánh vào nhau thành tiếng lập cập liên hồi.
Tôi không tự đắp nổi mền mà gọi các em lấy mền đắp giùm. Nằm trong mấy tấm mền mùng mà người tôi vẫn lạnh run bần bật. Chừng lâu sau, cơn lạnh hạ dần thì người tôi mệt lả, không còn chút sức lực nào và đầu nhức như có tảng đá đập vào.
Sau đó, cảm giác nóng cháy lại ập đến, nóng từ đầu xuống chân. Mắt tôi lóa lên, nổ đom đóm, miệng khô rát cả môi. Mồ hôi tươm ra ướt cả người, cả áo quần, hai bên thái dương, mạch máu giật bưng bưng như muốn nổ cả đầu.
Hất tung mền mùng xuống đất, tôi cởi áo quần dài, chỉ mặc quần đùi và gọi các em mang nước đến để uống ừng ực liên hồi, rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng ra, tôi không thể nào tỉnh táo, đầu nặng vô cùng, người thì rã rời xương cốt, miệng đắng chát. Tất cả chỉ do "tả bô" ngâm rượu uống được, còn để chích thì khủng khiếp như vậy. Tôi không còn sức lực làm việc gì được nữa.
Cuối cùng, tôi đành thú thật với mẹ chuyện tôi chơi xì ke đến mức nghiện ngập từ trước khi đi kinh tế mới. Tôi thú tội đến đâu, mẹ khóc nấc đến đó, tôi cũng khóc theo mẹ! Các em sợ hãi nhìn tôi, nhìn mẹ mà không biết chuyện xảy ra...
Rồi cơn vật vã thiếu thuốc phiện lại kéo đến hành hạ từng giây phút khiến tôi lại đầu hàng. Tôi nói với mẹ là tôi phải về thành phố vài hôm để sẵn tiện mang lương thực lên cho mấy em.
Ngay ngày hôm đó, tôi vật vã lội bộ mấy cây số để đón xe về Sài Gòn. Đến tối, tôi đã có mặt ở thành phố mà đầu óc không còn lưu lại lời khuyên can nào của mẹ. Đầu tôi như có lửa thiêu và chỉ nghĩ đến động chích ma túy bằng cách nào nhanh nhất!
Canh người phụ nữ nghèo đuổi bắt con gà sổng dây buộc chân ở bến xe, tôi đã liều lĩnh nhào đến vác trộm bao gạo của chị...
Kỳ tới: Tôi đi ăn cắp
TRẦN KIM XUÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.