Từ TP.HCM lên huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng "xẻ thịt" đất lâm nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Liên quan đến vụ Đại công trường “xẻ thịt” đất lâm nghiệp tại TK473 (thôn 1, xã Lộc Tân, H.Bảo Lâm, Lâm Đồng) mà Báo Thanh Niên phản ánh, ngày 17.11, UBND huyện Bảo Lâm đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý...

Một quả đồi đất lâm nghiệp bị “xẻ thịt” tan hoang tại Tiểu khu 474 (xã Lộc Tân, H.Bảo Lâm)
Một quả đồi đất lâm nghiệp bị “xẻ thịt” tan hoang tại Tiểu khu 474 (xã Lộc Tân, H.Bảo Lâm)
Xác minh của cơ quan chức năng và chính quyền H.Bảo Lâm cho thấy, diện tích đất lâm nghiệp bị “xẻ thịt” chẳng khác nào một đại công trường tại tiểu khu (TK) 473 (thôn 1, xã Lộc Tân, H.Bảo Lộc) được bà Nguyễn Thị Mến (ngụ P.Bình Hưng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM) mua lại của 7 hộ dân địa phương, với diện tích hơn 23 ha.
Vi phạm vượt thẩm quyền của huyện
Liên quan đến vụ việc Đại công trường “xẻ thịt” đất lâm nghiệp xảy ra tại TK473 (thôn 1, xã Lộc Tân, H.Bảo Lâm, Lâm Đồng) mà Báo Thanh Niên đã phản ánh, ngày 17.11, UBND huyện Bảo Lâm đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vụ việc.
Theo báo cáo của UBND H.Bảo Lâm, kết quả xác minh cho thấy, diện tích đất bị đào múc, san gạt, mở đường mà Báo Thanh Niên phản ánh tại TK473 thuộc đất lâm nghiệp. Trước đây, đất lâm nghiệp này được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Hùng Lộc Tiến thực hiện dự án trồng rừng, kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái. Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Hùng Lộc Tiến để xảy ra lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, nên vào năm 2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi toàn bộ dự án, bàn giao lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri (H.Bảo Lâm) quản lý. Thời điểm bàn giao, qua kiểm tra của các ngành chức năng có 91,79 ha đã bị người dân lấn chiếm trồng cây nông nghiệp (cà phê, chè).

Ngang nhiên san gạt trái phép đất lâm nghiệp ẢNH: T.D
Ngang nhiên san gạt trái phép đất lâm nghiệp ẢNH: T.D

Một quả đồi đã bị san phẳng tại TK473 thì cơ quan chứ năng mới hay ? Ảnh: T.D
Một quả đồi đã bị san phẳng tại TK473 thì cơ quan chứ năng mới hay ? Ảnh: T.D

Tuy nhiên, thời gian qua, Ban Quản rừng phòng hộ Đam B’ri và UBND xã Lộc Tân đã để xảy ra tình trạng đào múc san gạt, mở đường trái phép trên diện tích đất lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ. Ghi nhận tại hiện trường thời điểm chúng tôi có mặt cho thấy, có ít nhất 2 quả đồi rộng lớn và nhiều đường nhánh bề rộng hơn 10 mét và có tổng chiều dài hàng trăm mét tại Khoảnh 7, TK473 bị đào múc, san gạt “xẻ thịt” tan hoang, với tổng diện tích được cơ quan chức năng đo vẽ lên đến 9.800 m2.

Theo xác minh của cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm, diện tích đất lâm nghiệp bị đào múc, san gạt trái phép nằm trong tổng diện tích hơn 23 ha được bà Nguyễn Thị Mến (ngụ tại phường Bình Hưng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM) sang nhượng bằng giấy tay của 7 hộ dân. Hiện trạng đất đang trồng các loại cây nông nghiệp như cà phê, chè và mít trên 10 năm.
Ông Nguyễn Ngọc Nhi – Chủ tịch UBND H.Bảo Lâm, cho biết: “Qua xác minh cho thấy, các sai phạm xảy ra tại TK473 vượt quá thẩm quyền xử lý của UBND H.Bảo Lâm. Hiện tại, UBND huyện đã củng cố đầy đủ hồ sơ để trình UBND tỉnh Lâm Đồng xử lý theo quy định”.

San đồi, làm đường đi rộng lớn trái phép trên đất lâm nghiệp tại TK473 Ảnh: T.D
San đồi, làm đường đi rộng lớn trái phép trên đất lâm nghiệp tại TK473 Ảnh: T.D
Làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan

“Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị như Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri, Hạt Kiểm lâm huyện và UBND xã Lộc Tân. Sau khi có kết quả xác minh, UBND huyện sẽ có hình thức kiểm điểm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên liên quan” – ông Nguyễn Ngọc Nhi – Chủ tịch UBND H.Bảo Lâm cho biết thêm.

Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý sai phạm tại hiện trường thi công san gạt đất trái phép Ảnh: T.D
Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý sai phạm tại hiện trường thi công san gạt đất trái phép Ảnh: T.D

UBND H.Bảo Lâm chỉ đạo, hiện tại và trong thời gian tới, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri phân công cán bộ phối hợp cùng UBND xã Lộc Tân thường xuyên tuần tra, kiểm soát để yêu cầu người dân và các đối tượng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi san ủi, tác động vào các diện tích đất lâm nghiệp nói trên; đồng thời, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp và quản lý đất đai. Tuyên truyền, vận động nhân dân canh tác trên đất lâm nghiệp đã bị lấn chiếm trước đây, tiến hành trồng cây lâm nghiệp đảm bảo mật độ theo quy định. Đặc biệt, các ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để khôi phục, phát triển rừng trên địa bàn.

Cơ quan chức năng kiểm tra tại khu đất lâm nghiệp bị san gạt trái phép ẢNH: T.D
Cơ quan chức năng kiểm tra tại khu đất lâm nghiệp bị san gạt trái phép ẢNH: T.D

Thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, có 2 xe ben chở đất
Thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, có 2 xe ben chở đất "núp bóng" gần bìa rừng nguyên sinh Ảnh: T.D

Tuy nhiên, từ thực tế tìm hiểu của chúng tôi và báo cáo kết quả xác minh vụ việc của UBND H.Bảo Lâm cho thấy, trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích đất lâm nghiệp nói trên được UBND tỉnh Lâm Đồng bàn giao theo quy định. Tuy nhiên, điều đáng nói, đơn vị có trách nhiệm đã để diện tích đất lâm nghiệp bị người dân địa phương lấn chiếm từ lâu; để xảy ra tình trạng sang nhượng, mua bán đất lâm nghiệp trái phép, nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không biết (?).

Việc này cho thấy công tác quản lý, bảo vệ đất lâm nghiệp tại TK473 của các cơ quan có trách nhiệm liên quan là "có vấn đề", mà cơ quan cấp trên cần làm rõ, để chấn chỉnh kịp thời, để thực trạng ngang nhiên chiếm đất lâm nghiệp trái phép không tiếp tục xảy ra, nếu không sẽ phá nát quy hoạch, môi trường và gây thiệt hại cho Nhà nước...
Theo Trùng Dương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.