(GLO)- Cuộc thi “Thực hiện ước mơ” lần V do Thành Đoàn, Sở Giáo dục-Đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ Học sinh-Sinh viên TP. Hồ Chí Minh, Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cùng Báo Tuổi trẻ và HTV3 phối hợp tổ chức, dành cho các em học sinh khối THPT của các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Thời gian diễn ra cuộc thi từ tháng 10-2016 đến tháng 4-2017.
Từ trái qua: Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Thị Thu Thúy và Ksor TLonh. Ảnh: H.Y |
Chia sẻ ước mơ về nghề nghiệp trong tương lai bằng sự tự tin, lòng đam mê và tinh thần nhiệt huyết, năng động của tuổi trẻ, 3 trong 10 học sinh của tỉnh Gia Lai tham gia cuộc thi “Thực hiện ước mơ” lần V đã xuất sắc lọt vào top 40 (bán kết 2). Đó là các em: Nguyễn Thị Thu Thúy (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Pah), Nguyễn Phúc Hải (Trường THPT Pleiku, TP. Pleiku), Ksor T'Lonh (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa).
Em Nguyễn Thị Thu Thúy (học sinh lớp 11, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) cho biết: Nhận thấy cuộc thi thực sự ý nghĩa và thú vị nên dù không nằm trong danh sách nhà trường chọn nhưng em quyết tâm tham gia bằng cách đăng ký thi trực tuyến và thực sự bất ngờ khi biết mình lọt vào vòng bán kết 1. Thúy là học sinh giỏi toàn diện của trường, trong đó em đặc biệt yêu thích và học tốt môn Vật lý. Bởi sự đam mê với môn học này mà Thúy đã tự tin xác định ước mơ nghề nghiệp tương lai của mình là trở thành giáo viên dạy môn Vật lý, một nghề khác xa với ước muốn của bố mẹ là bác sĩ. Đến với cuộc thi, Thúy đã thuyết phục Ban giám khảo với lý lẽ rằng đó là một nghề sẽ giúp em phát huy hết khả năng sáng tạo, khơi dậy tinh thần học tập môn Vật lý với tâm thế tích cực, hào hứng và lý thú hơn trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc học môn này ở trường còn thiếu thốn, đồng thời có những nghiên cứu, dự án có thể giúp ích cho cộng đồng Jrai trong sản xuất nông nghiệp. Để chuẩn bị cho vòng thi bán kết 2 hiệu quả, Thúy cho biết đã tích cực trau dồi thêm kỹ năng tin học, tiếng Anh và các kiến thức khác với hy vọng sẽ tiếp tục thuyết phục Ban giám khảo để lọt vào top 10 cuộc thi.
Khác với Thúy, em Ksor T'Lonh (học sinh lớp 12, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) lại ước mơ trở thành nhạc công, cụ thể là nhạc công chơi cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc. Theo em, hiện nay có rất ít trường, đặc biệt là các trường thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số có chương trình dạy chơi nhạc cụ dân tộc. Với ước mơ này, T'Lonh hy vọng mình sẽ là nhân tố tích cực góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có văn hóa cồng chiêng. Với chỗ dựa tinh thần là người cha cũng có nhiều đam mê với cồng chiêng, T'Long càng tự tin khẳng định ước mơ của mình sẽ sớm trở thành hiện thực và có thể “truyền lửa” đam mê cho các bạn người Jrai tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Đối với em Nguyễn Phúc Hải (học sinh lớp 12, Trường THPT Pleiku), ngay sau khi nhà trường thông báo và chọn cử thi, Hải đã xác định đầu tư cho bài viết thật chỉnh chu về nội dung và chân thành về cảm xúc để nói lên ước mơ nghề nghiệp tương lai của mình. Và mục tiêu duy nhất của Hải là trở thành vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp. Với thành tích 11 năm liền đạt học sinh giỏi toàn diện, đặc biệt nổi trội ở môn Toán và Ngữ văn, ít ai nghĩ em lại có ước mơ như vậy. Chia sẻ về ước mơ này, Hải cho biết đã kiên trì xác định mục tiêu theo đuổi từ lúc 8 tuổi và nhận được sự đồng tình ủng hộ của bố mẹ. Điều đó đã thôi thúc Hải luôn nỗ lực học tập tốt, đồng thời tích cực tham gia các giải đấu do trường tổ chức cũng như thường xuyên sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thể thao của trường để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, thể lực. Nói về hành trang theo đuổi ước mơ, Hải khẳng định mỗi người chỉ cần luôn kiên trì với niềm đam mê thực sự của mình thì mọi ước mơ, hoài bão đều trở thành hiện thực trong tương lai.
Ksor HYuên