Từ Bhutan nghĩ về Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khoảng một thập niên trở lại đây, cái tên Bhutan được thế giới nhắc đến nhiều bởi quốc gia nhỏ bé bên triền dãy Himalaya này dường như có một lối đi tới tương lai khác với phần còn lại của thế giới.

Với họ, sự phát triển của đất nước không phải là con số GDP khổng lồ mà điều quan trọng là người dân có hạnh phúc hay không? Và một trong những điều khiến quốc gia này quyết liệt sinh tử để bảo vệ chính là Rừng!

Trân trọng và lễ độ với rừng

Còn nhớ trên đường từ cố đô Punakha về khách sạn nằm ở thị trấn Wangdue, tôi bất ngờ nhìn thấy một cành thông khá lớn bổ ngang qua đường, điều đáng nói là cành cây ấy lại uốn cong hình chữ V mà đáy của nó nằm ngay giữa tim đường, nếu không cẩn trọng, khi ô tô chạy qua sẽ đâm vào đáy của đoạn cây uốn cong hình chữ V ấy.

Và theo như logic thông thường, ở bất cứ xứ nào, nhân viên giao thông công chánh sẽ cưa ngay nhánh cây để đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng người Bhutan đã không ứng xử như vậy, ngay giữa tim đường, phía dưới đáy nhánh cây sà xuống ấy, họ xây một cái trụ tháp nho nhỏ vươn lên, vừa đỡ lấy nhánh cây không bị đổ, vừa chia con đường ra hai luồng cho xe cộ lưu thông hai bên. Cành cây không bị cưa cắt mà giao thông vẫn an toàn.

Cái hình ảnh đối xử “lễ độ” với cành cây ấy cứ ám ảnh tôi rất lâu trên những dặm đường khám phá đất nước Bhutan xinh đẹp. Hình ảnh chiếc trụ nhỏ đỡ nhánh cây trên đường đủ nói lên nhiều điều về ứng xử với thiên nhiên và môi trường mà không cần phải kẻ vẽ hay hô hào quá nhiều bằng pa nô và khẩu hiệu.


 

Vẻ đẹp yên bình và trong xanh ở Bhutan.
Vẻ đẹp yên bình và trong xanh ở Bhutan.


Ở Bhutan, cái xứ địa đàng bên triền Himalaya tôi đã may mắn đến được, nhà vua Bhutan đã từng ra sắc lệnh rằng khi một cây rừng bị chặt đi người dân phải trồng lại ba cây khác thay vào. Ở Bhutan, rừng chiếm 72% diện tích nhưng người Bhutan không bằng lòng với con số ấy, họ vẫn luôn tìm mọi cách để tăng độ che phủ của rừng và từ lâu, nhà vua luôn là người tìm cách để đưa diện tích rừng tăng lên mỗi năm. Hằng năm, dịp kỷ niệm lễ đăng quang của mình hay lễ sinh nhật, thay vì những cuộc diễu hành huy hoàng và tráng lệ, nhà vua đã tuyên bố đó sẽ là ngày “lâm nghiệp xã hội”, những trường học cũng như cộng đồng dân cư được nghỉ lễ để đi… trồng cây!

Và thiên nhiên đã đền đáp lại cho đất nước Bhutan những ân tình bằng chính những gì người dân đã đối xử với cây cỏ. Trên những con đường quanh co nguy hiểm mà chúng tôi đi qua, tuy  đường sá dốc đèo hiểm trở nhưng hầu như chúng tôi không gặp một điểm sạt lở nào trên đường, điều ấy có được chính là nhờ những cánh rừng cổ thụ điệp điệp trùng trùng hai bên đường kiên trung giữ đất. Con đường tuy hẹp nhưng có lẽ người Bhutan không muốn mở rộng hơn bởi sợ rằng sẽ phải phá đi cây cối bên lề đường. Và con đường dẫu hẹp, thời gian đi lại có lâu hơn nhưng bù lại sẽ gìn giữ được cây rừng và thiên nhiên, đó cũng là một triết lý “sống chậm” nữa của Bhutan mà chúng tôi đọc được trong những ngày rong ruổi.  Bài học gìn giữ những cánh rừng trên đất nước Bhutan cũng đã được nhà vua Jigme Singye Wangchuck rút ra từ kinh nghiệm đau thương của đất nước Nepal “hàng xóm”. Những cánh rừng ở Nepal bị đốn trụi đã mang đến tai ương với lũ lụt và hạn hán triền miên, bởi thế, để không “dẫm lên” vết chân Nepal, người Bhutan đã làm cho xứ sở của mình trở thành quốc gia có độ che phủ của rừng cao nhất thế giới!  

Trông người lại ngẫm đến ta

Nhưng giữ rừng không chỉ là chuyện trồng rừng, đó còn là cách bảo vệ rừng trong từng nếp nhà, từng bếp lửa. Hôm từ sân bay Paro về thủ đô Thimphu, chúng tôi cũng bất ngờ gặp ven đường một hình ảnh quen thuộc, gợi nhớ những ngôi nhà chúng tôi đã gặp trên rẻo cao Tây Bắc, Việt Bắc ở nước ta. Đấy là người Bhutan cũng dựng những ngôi nhà của mình theo phương pháp “trình tường”. Hóa ra một đất nước giàu rừng nhiều gỗ như Bhutan nhưng gỗ lại được dùng rất hạn chế trong xây dựng. Sau khi dựng móng bằng đá, tường sẽ được “trình” bằng các khuôn gỗ, đất được lèn chặt vào khuôn và nén kỹ, chỉ có khung cửa sổ làm bằng gỗ được đặt gọn vào tường. Và thật kỳ diệu, cho dù chỉ trình tường bằng đất nhưng những ngôi nhà chúng tôi gặp ở Bhutan đều có độ cao từ 2 đến 4 tầng lầu. Theo anh Tashi, một người bạn Bhutan cho biết, ở các đô thị đang phát triển nhanh chóng như Thimphu, Paro, Punakha…, chính phủ khuyến khích dân xây dựng nhà cửa bằng những vật liệu khác thay vì gỗ như gạch đá, xi măng nhập từ Ấn Độ.


 

 Những cánh rừng nguyên sinh ngay cạnh đường đi ở Bhutan.
Những cánh rừng nguyên sinh ngay cạnh đường đi ở Bhutan.


Nhìn những ngôi nhà ấy lại liên tưởng đến những biệt phủ ở nước ta được dựng lên bởi hàng trăm mét khối gỗ mà mấy năm qua báo chí phản ánh rất nhiều mà không thể không ngậm ngùi xót xa...

Nhưng cũng có tín hiệu vui khi câu chuyện của Bhutan về lấy chỉ số hạnh phúc của nhân dân thay cho chỉ số GDP đã được quan tâm trong định hướng phát triển ở Việt Nam. Mới đây, tỉnh Yên Bái đã đưa vấn đề này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh mà theo lời của lãnh đạo tỉnh là: “Yên Bái không phải cố tạo ra sự khác biệt, mà mục tiêu rõ ràng là cần có triết lý phát triển cho riêng mình”. Ba tiêu chí để định lượng chỉ số hạnh phúc của Yên Bái là: Sự hài lòng về cuộc sống/Về tuổi thọ trung bình hiện nay trên địa bàn tỉnh/Sự hài lòng về môi trường. Mỗi tiêu chí được phân tích cụ thể trên nhiều phương diện và công thức tính sẽ là: “Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống” nhân (x) với “Tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình” và sau đó chia cho “Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống”.

Dẫn ra những tiêu chí và công thức trên chỉ nhằm nói rằng “chỉ số hạnh phúc” ở Yên Bái  là những căn cứ khoa học và hoàn toàn định lượng được chứ không phải là một khái niệm mơ hồ.

Mấy năm nay chương trình trồng lại rừng với các loài cây bản địa đặc hữu đang được nhiều cơ quan, tổ chức môi trường phát động trồng ở nhiều nơi tại Tây Nguyên. Một khi đã khai thác rừng cạn kiệt thì giờ đây phải kiên trì trồng lại, có khi mất hàng thế kỷ vẫn phải trồng, và đó sẽ là những cánh rừng bản địa. Hơn bất cứ loại cây nào khác, những cây rừng bản địa mới làm phục hồi trở lại hệ sinh thái rừng. Những cánh rừng trồng cây ngoại lai cho kinh tế nhất thời nhưng không thể bền vững.

Tây Nguyên với nền tảng văn hóa rừng của mình sẽ không khó để “tìm lại thiên đường đã mất”. Và cứ hy vọng ngày mà những cánh rừng nơi đây xanh sắc cây bản địa, tiếng cồng chiêng vang lên gọi cả đại ngàn tiền sử quay về. Đó là giấc mơ, nhưng nếu quyết tâm nó sẽ là sự thật!

 

https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202109/tu-bhutan-nghi-ve-tay-nguyen-2cb6ee8/

Theo Lê Đức Dục (baodakalak)

Có thể bạn quan tâm