Truyện ngắn: Chiếc ống bơm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Anh điện thoại báo sắp lên Sài Gòn, sẽ ở chơi với tôi vài hôm rồi về Quảng Ngãi, giỗ ông già. "Sẵn tiện - anh nói - đi dạo dạo lùng mấy cái đồ xe đạp".

Anh là con bà dì ruột của tôi. Mẹ mất sớm, cha anh ở với người vợ mới, anh ở với gia đình tôi. Anh cùng tuổi, cùng học, cùng lớn lên với anh Hai tôi.

Mười tám tuổi, anh vào Sài Gòn lập nghiệp. Rồi có vợ có con, cả nhà anh trôi dạt về Sóc Trăng. Anh mở được tiệm may. Cuộc sống ổn định. Đến khi luống tuổi, anh chỉ coi ngó cửa tiệm, thời gian còn lại dành cà phê cà pháo, trồng cây, nuôi cá và "chơi" xe đạp.

 



Anh mê xe đạp cổ. Lần nào cũng vậy, lên Sài Gòn anh cũng dành mấy buổi đi lùng phụ tùng. Có khi mua được cái đèn cũ ra cũ rích như cục sắt mới đào ở đâu lên, anh mang về hí hửng khoe: "Đèn cammy đó chú mày, không phải chơi đâu nghe"; có khi anh tròng hai miếng nhôm ố vàng móp méo trên vai hớn hở về, cười toe toét:

"May quá, anh vớ được cái gácđờbu Cờrôcô của Pháp, đã quá em ơi"; có khi đi cả buổi về, mồ hôi mồ kê, không cần thay quần áo, anh ngồi mở gói giấy báo lấy ra cái gì như cái gọng cùm có hai nhánh săm soi, lật qua lật lại, thậm chí còn vuốt vuốt, búng búng. Thì ra là cái chân chống. "Chân chống chữ A bằng nhôm - đầy hứng khởi anh giải thích - chính hiệu Pờrô nghe, dễ ai có".

Nghe anh lên Sài Gòn, tôi rất vui vì lâu quá anh em không gặp, nhưng thật ra tôi vui vì nghĩ đến món quà bất ngờ tôi sẽ dành cho anh: chiếc ống bơm xe đạp bằng nhôm cũ kỹ mà tình cờ tôi mua được ở cái "núi" đồ lạc xoong trên đường Nguyễn Kiệm, gần ngã ba Chú Ía.

 Chiếc bơm được người bán hàng giới thiệu quả quyết là "đồ cổ chính cống, từ thời Pháp thuộc mà vẫn còn bơm ngon à nghe. Bơm nhẹ, nhiều hơi...".

 Nhớ lại hôm anh xách cái chân chống chữ A về, tôi hình dung anh cũng sẽ hào hứng cầm cái ống bơm săm soi, lật qua lật lại, vuốt vuốt, búng búng và rối ra rối rít cảm ơn "cái thằng em tâm lý quá, cho tiền cho bạc cũng không bằng". Nghĩ vậy, bất giác tôi mỉm cười và mong anh sớm đến.

Trưa, anh đến.

Cơm nước xong, tôi chế bình trà, anh em ngồi chuyện trò. Đột ngột tôi nhìn anh cười cười, nói: "Em có cái quà đặc biệt tặng anh". Anh chỉ kịp nói: "Ủa quà gì vậy?" thì tôi đã đứng lên vào lấy chiếc ống bơm gói trong mấy lớp báo. "Gì mà bí mật ghê vậy ta", anh nói và mở từng lớp báo. Chiếc ống nhôm bạc thếch lộ ra, anh nhận ra ngay: "Ồ, chiếc ống bơm".

Tôi tưởng anh sẽ cười toe thốt lên "Quý quá!" và sẽ hỏi dồn hỏi dập nào là sao em có được, tìm đâu ra, mua nhiều tiền không; nhưng không, khi anh kéo cái tay bơm để bơm thử thì cái cần bơm bên trong - một thanh sắt tròn nhỏ đen ngòm, ướt ướt dầu nhớt - lộ ra, anh bỗng khựng lại, lặng im.

Anh nhìn chăm chăm vào cái thanh sắt nhỏ đen ngòm ấy và từ từ mặt anh dường như tái lại. Hai tay anh run run vội đẩy tay bơm vào và quơ lấy mấy tờ giấy báo lóng cóng quấn chiếc bơm lại.

Tôi hơi ngạc nhiên, chưa kịp hỏi vì sao thì anh đã đẩy chiếc bơm qua tôi, lạnh lùng nói: "Cất đi, cất đi em". Từ đó mặt anh cứ đăm chiêu, không nói không rằng gì, làm tôi rơi vào sự hụt hẫng, ngỡ ngàng.

Trưa Sài Gòn nắng nóng, ngột ngạt. Nhưng tôi nghe ngột ngạt hơn nhiều lần khi thấy anh bỏ áo vào quần, vớ đôi giày mang vào và kéo chiếc vali nhỏ. Anh nhỏ nhẹ nói: "Chắc anh về lại Sóc Trăng em à".

Không chịu nổi nữa, tôi bực mình: "Nhưng vì sao anh lại như vậy? Ít ra có điều gì anh cũng nói em biết chớ?". Anh vẫn nhỏ nhẹ: "Không có gì đâu em. Tự nhiên anh thấy người mệt mệt thôi". "Nhưng anh còn về Quảng giỗ dượng mà?". "Thôi, cũng không cần đâu em".

Dưới cơn nắng nóng, anh kéo chiếc vali lầm lũi đi ra con hẻm, để lại cho tôi nhiều thứ: thắc mắc, hoang mang, lo lắng, có cả sự bực bội, tức tức, giận giận trộn lẫn.

Buổi tối, không còn chịu đựng được, tôi gọi cho anh Hai kể hết sự tình... Nghe, anh Hai không hề ngạc nhiên mà chỉ hỏi tôi: "Ủa, em không biết chuyện chiếc ống bơm của dượng hồi ấy sao?".

... Hồi ấy, dì bị bệnh nặng. Dượng đưa dì và hai con về tá túc nhà ngoại rồi đi biền biệt. Đâu cũng nửa năm sau dượng mới về. Dượng đi xe đạp, không mang thuốc thang, quà cáp gì, tay chỉ cầm một tờ giấy: tờ giấy ly hôn. Dượng đến bên giường dì, ngồi xuống.

Dì mừng mừng, tủi tủi không nói nên lời. Hai con cũng chưa kịp mừng cha thì dượng nói với dì: "Bà à, xin bà thuận tình ký cho cái giấy này". Khi biết đó là tờ giấy ly hôn, dì run lên, lắp bắp: "Chắc tui không còn sống bao lâu nữa, ông muốn gì muốn, ký chú gì, tay chân vầy...".

Dượng không nói không rằng, lẳng lặng đứng lên ra chỗ chiếc xe đạp lấy chiếc ống bơm. Vào đứng sát bên giường dì, dượng kéo tay bơm. Cái thanh sắt đen ngòm trong ống bơm hiện ra.

Dượng lạnh lùng nắm ngón trỏ của dì ịn vào thanh sắt và gí vào tờ giấy ly hôn lăn qua lăn lại, rồi đổi ngón... Dượng cuốn tờ giấy, cầm chiếc ống bơm bước ra gắn vào xe và đi. Hai đứa con kêu vọng theo: "Ba!, Ba!...". Dì nấc nghẹn, mắt nhắm nghiền mà mặt ướt đẫm nước mắt.

Mấy ngày sau, dì từ giã cõi đời. Đứa con gái, vốn ốm yếu, ngã bệnh và mấy tháng sau cũng đi theo dì... Mẹ mất, chị mất, cha đi biền biệt, anh trở thành đơn độc giữa đời.

"Sau này anh có gặp lại dượng không?", tôi hỏi anh Hai. "Có, khi nghe tin dượng bị bệnh nặng, từ Sóc Trăng anh đã tìm về. Rồi dượng mất, anh cũng về cùng lo đám tang. Từ đó giỗ dượng năm nào anh cũng về. Anh luôn nói nghĩa tử là nghĩa tận".

Nghe chuyện, cả đêm tôi không ngủ được. Sáng sớm tôi liền gọi cho anh: "Anh ơi, em xin lỗi, do em không biết chuyện nên...". "Không sao đâu em, chuyện qua rồi. Anh đổi ý rồi. Anh đã lấy vé về Quảng. Sáng mốt anh đến, kịp giỗ em à".

 

Theo HÀNG CHỨC NGUYÊN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.