(GLO)- Không gian văn hóa cồng chiêng Bahnar, Jrai là giá trị văn hóa dân gian tổng hợp nhiều loại hình, gắn với nghi lễ, lễ hội, trong đó cồng chiêng trước hết là linh khí để con người giao tiếp với thần linh trước khi giao tiếp với nhau. Vì lẽ đó, văn hóa cồng chiêng không đơn thuần chỉ là âm nhạc cồng chiêng, là nghệ thuật đánh cồng chiêng mà bao gồm cả không gian lễ hội, nghi thức đánh chiêng và điều kiện cụ thể cho việc sử dụng từng bài chiêng…
Nếu tách ra khỏi không gian lễ hội, âm nhạc cồng chiêng sẽ mất đi giá trị đích thực. Bởi vậy, việc dạy và học cồng chiêng được xác định không chỉ bó hẹp trong việc dạy và học âm nhạc cồng chiêng, kỹ năng đánh chiêng, các điệu xoang (múa) mà phải bao gồm cả việc dạy và học toàn bộ những nội dung liên quan đến “Không gian văn hóa cồng chiêng” của từng dân tộc.
Truyền dạy không gian văn hóa cồng chiêng tại cộng đồng
Ảnh: Kim Vân |
Là văn hóa dân gian, nên từ bao đời nay, những giá trị của văn hóa cồng chiêng vẫn được trao truyền trực tiếp trong các cộng đồng từ thế hệ trước cho thế hệ sau theo các phương thức: truyền khẩu, thị phạm (quan sát trực tiếp rồi làm theo…). Đây là phương pháp truyền dạy truyền thống và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau, việc truyền dạy cồng chiêng trong cộng đồng đã có những thay đổi.
Trước kia, trong môi trường buôn làng khép kín thì sinh hoạt cộng đồng (bao gồm lễ nghi, lễ hội, ngủ đêm tại nhà rông...) là những hoạt động văn hóa tinh thần quan trọng nhất của người Bahnar, Jrai. Trong hoàn cảnh ấy, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng như văn học dân gian, mỹ thuật dân gian, lễ hội dân gian, nghệ thuật dân gian… trong đó có giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng có điều kiện để được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Năm 2003, Sở Văn hóa-Thông tin tiến hành điều tra di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực người Jrai và đã thống kê được 421 nghệ nhân thuộc lĩnh vực âm nhạc dân gian. Năm 2005, Sở tiếp tục điều tra trong khu vực người Bahnar và phát hiện 1.748 nghệ nhân âm nhạc dân gian, trong số này chủ yếu là nghệ nhân biết sử dụng cồng chiêng. Khi được hỏi, 100% số người này cho biết, họ đã học sử dụng cồng chiêng và có hiểu biết về không gian văn hóa cồng chiêng từ những người trong cộng đồng.
Trong việc trao truyền văn hóa cồng chiêng tại cộng đồng thì lễ hội là môi trường quan trọng nhất. Đây là dịp tất cả những giàn cồng chiêng hay nhất của cộng đồng chủ thể và các cộng đồng lân cận được mang ra đánh. Chếnh choáng trong men rượu cần cùng không khí nhộn nhịp vui tươi của lễ hội, âm vang của cồng chiêng kích thích các chàng trai, cô gái Bahnar, Jrai học đánh cồng chiêng và xoang (nhảy múa) theo tiếng cồng chiêng. Ý thức rõ vấn đề này, nhiều năm qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai đã chỉ đạo các huyện tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức các lễ hội truyền thống có cồng chiêng như: lễ pơthi ở các huyện vùng Tây Trường Sơn; lễ mừng chiến thắng của người Bahnar các huyện Đông Trường Sơn…
Bên cạnh đó là việc tăng cường nghiên cứu phục dựng các lễ hội điển hình của đồng bào có sử dụng cồng chiêng để lưu trữ và phổ biến như: lễ trưởng thành của người Bahnar, lễ hội Sơmah Kơ Cham (của người Bahnar); lễ mừng lúa mới của người Jrai; lễ cầu mưa của Pơtao Apui… Chúng tôi cho rằng, việc truyền dạy cồng chiêng trong cộng đồng là đặc biệt quan trọng. Bằng con đường này, bản sắc văn hóa của các cộng đồng nói chung, của cồng chiêng nói riêng luôn đảm bảo được giữ gìn, phát huy, ít mang yếu tố ngoại lai.
Truyền dạy thông qua liên hoan, giao lưu văn hóa
Từ sau khi tỉnh Gia Lai-Kon Tum chia tách, ngành Văn hóa-Thông tin Gia Lai đã chỉ đạo các cấp tổ chức các cuộc liên hoan cồng chiêng theo chu kỳ: 2 năm 1 lần ở cấp xã và huyện, 4 năm 1 lần ở cấp tỉnh. Những huyện duy trì tốt liên hoan cồng chiêng theo định kỳ là: Chư Pah, Kbang, Krông Pa, Mang Yang, Kông Chro, Đak Đoa... Năm 2012, huyện Kbang đã tổ chức Liên hoan nghệ thuật cồng chiêng thanh-thiếu niên lần thứ I tại làng Stơr, xã Tơ Tung, thu hút hơn 350 nghệ nhân. Để có thể tham gia các liên hoan, các đội cồng chiêng đều phải được tập luyện một thời gian tại cộng đồng làm cho giá trị lan tỏa của cồng chiêng đã được bắt đầu từ chính nơi đây.
Ngày 28-3-2006, 4 tháng sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO tôn vinh, tại Sân vận động TP. Pleiku, cuộc hội ngộ đầu tiên của 11 dân tộc là chủ nhân của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã diễn ra tưng bừng, hứng khởi trong lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức. Một năm sau đó, năm 2007, tại TP. Pleiku, Viện Văn hóa-Nghệ thuật cùng các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tổ chức thành công “Gặp gỡ các nghệ nhân chỉnh chiêng”.
Đây là cuộc “kiểm kê” bước đầu về lực lượng quan trọng nhất trong các nghệ nhân của loại hình văn hóa cồng chiêng. Cuộc “gặp gỡ” này đã giúp các nhà quản lý nắm được số lượng, kỹ năng của những nghệ nhân cồng chiêng tài giỏi nhất, nhằm hoạch định một chương trình hành động quan trọng và thiết thực trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đến Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai, sự hiện diện của hơn 60 đoàn cồng chiêng (thuộc 22 dân tộc có cồng chiêng trong nước, 5 quốc gia có cồng chiêng trong khu vực) với nhiều hoạt động trình diễn, lễ hội… thật sự là một cuộc biểu dương lực lượng văn hóa cồng chiêng, âm nhạc cồng chiêng chưa từng có, đáp ứng nhu cầu được giao lưu, được giới thiệu cái hay, cái đẹp trong văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình với những dân tộc khác...
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng thường xuyên tổ chức cho các đoàn cồng chiêng từ chính các buôn làng tham gia các sinh hoạt giao lưu ngoài tỉnh để quảng bá về cồng chiêng Bahnar, Jrai và học hỏi thêm.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Đến nay, cồng chiêng vẫn “sống” trong các buôn làng. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và tác động của cơ chế thị trường, nhiều di sản văn hóa cổ truyền của cư dân bản địa Tây Nguyên trong đó có cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ thu hẹp dần phạm vi ảnh hưởng. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã từng bước triển khai một số dự án truyền dạy cồng chiêng như: dự án lớp chỉnh chiêng-tạc tượng do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì (năm 2010 tại Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai); dự án truyền dạy chỉnh chiêng-tạc tượng do Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch chủ trì thực hiện (năm 2011); dự án chuyển giao kỹ thuật dạy đánh cồng chiêng cho lớp học Bahnar-Jrai huyện Đak Đoa do Phòng Văn hóa-Thông tin huyện chủ trì (2012).
Với quyết tâm đưa âm nhạc cồng chiêng đến với thế hệ trẻ, những năm gần đây, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai đã từng bước đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong chương trình đào tạo dành cho các lớp nghệ thuật như: âm nhạc, múa, nhạc cụ và là môn tự chọn đối với các lớp nghiệp vụ quản lý văn hóa, văn hóa du lịch. Để chuẩn bị cho việc này, Khoa Nhạc cụ Dân tộc của trường đã bổ sung thêm chuyên ngành cồng chiêng vào chương trình giảng dạy, kế hoạch hàng năm sẽ tuyển sinh từ 30 đến 45 học sinh là người Bahnar, Jrai để đào tạo và cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng giao cho trường một nhiệm vụ trọng tâm nữa là tổ chức các lớp bồi dưỡng về chỉnh chiêng, đánh cồng chiêng cho 17 đơn vị hành chính cấp huyện hàng năm với khoảng 500 chỉ tiêu. Lớp học đầu tiên trong năm học 2012 đã có hơn 30 người tham dự, bao gồm một số giáo viên Khoa Nhạc và học sinh lớp Quản lý Văn hóa và Văn hóa Du lịch của trường.
Có thể nói, nỗ lực của tỉnh Gia Lai nhằm truyền dạy, phổ biến giá trị của văn hóa cồng chiêng trong những năm qua đã từng bước làm cho văn hóa cồng chiêng hồi sinh, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Bahnar, Jrai. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn chưa được hoạch định thành những kế hoạch, chính sách cụ thể, bền vững. Bên cạnh đó, mối lo về việc di sản bị biến dạng, lai tạp trong quá trình tổ chức truyền dạy, giao lưu vẫn là một trong những nội dung cần đặc biệt lưu tâm.
Nguyễn Thị Kim Vân