Trung úy Lê Huy Cương: Góp phần giữ bình yên cho buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngồi với chúng tôi trong một buổi sáng mùa đông buốt lạnh ở vùng đất “cổng trời”, Trung úy Lê Huy Cương-cán bộ tổ công tác của Công an huyện Mang Yang tham gia giải quyết xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”, rất kiệm lời khi nói về công việc. Nhưng trong sự khiêm tốn của anh, chúng tôi vẫn hiểu rằng, có những nhiệm vụ rất thầm lặng, những công việc không tên nhưng góp phần quan trọng giữ bình yên cho nhân dân ở nơi từng được xem là “điểm nóng” tà đạo “Hà Mòn”.

Nhắc tới xã Hà Ra, người ta chưa quên những biến động lớn xảy ra với đồng bào Bahnar khi bị các phần tử xấu lôi kéo, tin theo tà đạo “Hà Mòn”. Sau một thời gian đấu tranh, cuối năm 2014, huyện Mang Yang tuyên bố xóa bỏ tà đạo này tại “điểm nóng” Hà Ra. Nhưng ở một số làng của xã vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn do kẻ xấu lợi dụng sự thật thà, thiếu hiểu biết của người dân hòng lôi kéo chống phá chính quyền.

 

Trung úy Lê Huy Cương (ở giữa) được người dân tin yêu như một đứa con của làng. Ảnh: N.B
Trung úy Lê Huy Cương (ở giữa) được người dân tin yêu như một đứa con của làng. Ảnh: N.B

Cũng thời gian này, anh Lê Huy Cương tốt nghiệp Đại học An ninh và được phân công về công tác tại Công an huyện Mang Yang. Là một trinh sát trẻ vừa ra trường, được phân công ngay xuống bám địa bàn trọng điểm, với anh là một thử thách không nhỏ. Thế nhưng, “Trung úy Lê Huy Cương nhanh chóng tiếp cận công việc, tích cực bám sát địa bàn, vận dụng linh hoạt kiến thức được đào tạo trong nhà trường, cộng với tinh thần chịu khó học hỏi nên nhanh chóng nhận được sự tin yêu của nhân dân, được người già, người có uy tín ở cơ sở tin tưởng. Nhờ đó, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong 3 năm về công tác tại đơn vị, anh nhiều lần được các cấp tặng bằng khen, giấy khen, 2 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”-Trung tá Trần Quang Thống-Phó Trưởng Công an huyện Mang Yang, nhận xét.

Bài học đầu tiên của anh Cương khi mới chân ướt chân ráo về cơ sở công tác, đó chính là sự gần gũi với người dân. Hiểu và chia sẻ những khó khăn, tâm tư tình cảm với người dân là mấu chốt để được họ tin cậy. Đó cũng là chìa khóa để khi tuyên truyền, vận động, nói điều hay lẽ phải được người dân nghe và tin theo. Sau 3 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Bahnar… anh Cương gần như trở thành người con của làng. Chỉ cần thấy bóng từ xa, người dân đã nhận ngay ra anh. Ở làng nhiều hơn ở nhà và công việc hầu như không có giờ giấc cụ thể, khi đi gặt lúa, trồng mì, sửa điện, dựng nhà giúp dân, hầu như anh luôn có mặt. Nhiều đồng đội gặp anh thường đùa “cẩn thận kẻo vợ bỏ”.

Anh trải lòng: “Trước khi ra trường, tôi đã hình dung được phần nào những gian khó của trinh sát viên địa bàn. Nhưng có những thứ không trường lớp nào dạy cả, chỉ có những kinh nghiệm quý báu mà đồng đội đi trước chỉ bảo và bằng chính sự quan sát, đúc rút của bản thân”. Theo Lê Huy Cương, anh phải học những điều nhỏ nhất, từ thói quen trong bữa ăn hàng ngày, đến phong tục tập quán, văn hóa, ngôn ngữ để xóa bỏ sự cách biệt, để gần gũi với dân làng như người trong nhà. “Có những thói quen người Kinh cho là bình thường nhưng đồng bào dân tộc thiểu số lại thấy phản cảm thì mình phải để ý và tuyệt đối tránh”-anh nói.

Được dân tin yêu, quý mến là thuận lợi lớn trong công việc, anh còn tranh thủ tiếng nói của người già, người có uy tín trong cộng đồng mỗi khi đi tuyên truyền, vận động người dân không nghe theo kẻ xấu hay khi vận động các đối tượng theo tà đạo “Hà Mòn” ra trình diện. “Già làng, người có uy tín luôn là bậc thầy trong công tác dân vận với khả năng thuyết phục người khác tài tình. Mỗi khi đi với họ, tôi thường để ý cách họ tiếp xúc, trò chuyện với người dân từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Hơn nữa, khi thuyết phục đối tượng ra trình diện, kéo họ trở về với cuộc sống, tôi chỉ xem họ là những người lầm lỗi để họ không cảm thấy mặc cảm bởi con người ai chẳng có lúc mắc sai lầm”-anh Cương chia sẻ.

Cuộc sống bình yên đã trở lại dưới mỗi nóc nhà ở làng Kret Krot, Kdung 1 (xã Hà Ra). Thứ tà đạo mà kẻ xấu lợi dụng sự thiếu hiểu hiểu biết của bà con để kích động, phá hoại khối đại đoàn kết đã được đẩy lùi. Nhiều người lầm lỗi đã trở về làng trong vòng tay của người thân, tích cực lao động sản xuất ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương. Phía sau sự bình yên ấy, chúng tôi biết rằng có đóng góp thầm lặng của những cán bộ, chiến sĩ an ninh như Trung úy Lê Huy Cương.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.