Trọn một đời thương nhớ Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gắn bó với Kông Chro (Gia Lai) trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, từ lâu, người cán bộ cách mạng ấy đã xem nơi đây như là quê hương thứ hai của mình. Để rồi, ngay cả khi phải rời xa dương thế, trái tim ông vẫn vẹn nguyên nhớ thương đến mảnh đất này.

Ông chính là Phạm Hồng-cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện 7, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Phó trưởng ban Y tế Khu Trung Trung bộ; nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực Đảng Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum, Đại biểu Quốc hội khóa VII. Nếu khi còn đương nhiệm, ông lúc nào cũng cố gắng trở thành một người cán bộ mẫu mực, cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp cách mạng, thì lúc về hưu, ông chỉ chất chứa trong lòng một ước nguyện rất đỗi bình dị, đó là được gắn bó với cây cỏ, núi sông, với đồng bào thân yêu của Kông Chro nói riêng và Gia Lai nói chung.

Có lẽ cũng chính vì thế mà hơn 10 năm về trước (7-2007), từ TP. Hồ Chí Minh xa xôi, ông lặn lội trở về Gia Lai, đem số tiền 200 triệu đồng mà vợ chồng mình tiết kiệm được, cộng với sự đóng góp của con cháu trong gia đình, thành lập nên “Quỹ học bổng gia đình Phạm Hồng” để dành riêng cho những học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Kông Chro-nơi đã từng đùm bọc, chở che ông trong kháng chiến.

Một phần bản cam kết giữa ông Phạm Hồng và huyện Kông Chro về việc sử dụng “Quỹ học bổng gia đình Phạm Hồng”. Ảnh: Hồng Thi
Một phần bản cam kết giữa ông Phạm Hồng và huyện Kông Chro về việc sử dụng “Quỹ học bổng gia đình Phạm Hồng”. Ảnh: Hồng Thi

Quỹ học bổng này được ông thực hiện thông qua hình thức sổ tiết kiệm có kỳ hạn 1 năm, đứng tên chính mình, gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam-chi nhánh huyện Kông Chro. Chủ tịch UBND huyện là người được ông trao sổ tiết kiệm và thừa ủy quyền của ông để nhận lãi suất hàng năm. Toàn bộ số tiền lãi sẽ sử dụng làm học bổng cho học sinh nghèo hiếu học thuộc 3 khối: Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn; không được góp vào các quỹ học bổng khác và cũng không tách nhỏ thành những việc khác nhau.

Suốt hơn một thập kỷ qua, “Quỹ học bổng gia đình Phạm Hồng” đã kịp thời giúp đỡ cho hàng trăm học sinh nghèo ở Kông Chro vượt qua những khó khăn trước mắt và tiếp tục nỗ lực vươn lên trong học tập. Ông Nguyễn Chí Thanh-Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Số lượng suất học bổng cho học sinh mỗi năm khác nhau, tùy theo lãi suất ngân hàng cao hay thấp, dao động từ 22 đến 33 suất, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Năm học 2017-2018, với số tiền lãi nhận được là 13 triệu đồng, trên cơ sở Quyết định của UBND huyện, Phòng đã phân bổ 26 suất học bổng cho 26 trường để trao cho các em trong ngày khai giảng”.

Đến bây giờ em Trần Nguyễn Quế Trân-học sinh lớp 8A2, Trường THCS Quang Trung (thị trấn Kông Chro) vẫn vô cùng xúc động mỗi khi nhắc nhớ đến việc bản thân được chọn trao “Học bổng gia đình Phạm Hồng” vào dịp khai trường năm trước. Thời điểm ấy, ba Trân-người đàn ông trụ cột của gia đình-không thể tiếp tục đi làm thuê vì chứng bệnh sỏi thận hành hạ, em gái Trân thì bị u máu ở mặt phải phẫu thuật nhiều lần. Tất cả chi phí đều trông chờ vào sạp rau ba cọc ba đồng của mẹ Trân ở chợ. Nhà đã khó lại càng thêm khó.

Trân bộc bạch: “Nhìn mẹ cực khổ buôn bán để kiếm tiền chữa bệnh cho ba, cho em gái, rồi còn lo chi phí để 2 chị em chuẩn bị vào năm học mới, em thương mẹ lắm. Dù không đủ đồ dùng học tập, em cũng không hề nói cho mẹ biết, may mà em được nhận học bổng Phạm Hồng nên mới có thể mua sắm sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ để đến lớp. Em biết ơn ông Phạm Hồng lắm và tự hứa với bản thân sẽ cố gắng học tập giỏi hơn nữa để không phụ lòng ông, ba mẹ, thầy cô”.

Nhờ học bổng Phạm Hồng, em Trân (trái) có điều kiện để học tập tốt hơn. Ảnh: Hồng Thi
Nhờ học bổng Phạm Hồng, em Trân (bìa trái) có điều kiện để học tập tốt hơn. Ảnh: Hồng Thi

Còn với cô bé Bahnar Đinh Thị Hny-học sinh lớp 9A, Trường THCS Nguyễn Du (xã Chơ Long), niềm vui mà “Quỹ học bổng gia đình Phạm Hồng” mang đến cho em ngoài tập vở còn có cả tấm áo mới để đến trường-điều mà từ lâu em không dám nghĩ đến. “Dù nhà nghèo, điều kiện thiếu thốn, song Hny luôn chăm chỉ học tập, nhiều năm liền đạt thành tích khá, giỏi; tính tình lại rất hiền, ngoan. Vì vậy, năm học 2016-2017 vừa qua, Nhà trường đã lựa chọn em để trao học bổng Phạm Hồng nhằm giúp em trang trải phần nào khó khăn trong cuộc sống”-Thầy Huỳnh Ngọc Nhơn-Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết.

Tấm lòng của vị cán bộ lão thành cách mạng Phạm Hồng và gia đình ông đối với Gia Lai cũng như Kông Chro thật khó có thể diễn tả thành lời. Bất kể lúc nào, ông cũng mong muốn gắn bó, sẻ chia nhiều hơn với mảnh đất này, song sinh-lão-bệnh-tử vốn là quy luật muôn đời của tạo hóa. Khi cả nước hân hoan đón chào kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 thì ông vội vàng ra đi mãi mãi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhiều người.

Bí thư Huyện ủy Kông Chro Trần Cao Nguyên, bày tỏ: “Hay tin đồng chí Phạm Hồng qua đời, tôi cùng một số lãnh đạo huyện đã vào TP. Hồ Chí Minh để viếng. Từ lâu, tình cảm mà đồng chí dành cho huyện Kông Chro là điều mà ai ai cũng biết và trân quý. Thế nhưng lúc đến Nhà tang lễ, chúng tôi càng bất ngờ và xúc động hơn khi hay tin, theo di nguyện của đồng chí, toàn bộ số tiền phúng viếng sẽ được đưa vào “Quỹ học bổng gia đình Phạm Hồng” tại địa phương. Quả thật, Kông Chro với cả cuộc đời đồng chí ấy là một điều gì đó thật đặc biệt”.

Xung quanh di nguyện này của ông nội mình, anh Phạm Anh Tuấn cho hay thêm: Từ khi “Quỹ học bổng gia đình Phạm Hồng” dành cho học sinh nghèo hiếu học ở Kông Chro được lập nên, lúc nào ông tôi cũng mong muốn làm sao đóng góp để nâng số Quỹ lên. Vào những ngày cuối đời, ông đã truyền đạt lại ý nguyện “sẽ đưa toàn bộ số tiền phúng viếng trong tang lễ của mình vào Quỹ học bổng gia đình” với con cháu và đến giờ thì nó đã trở thành di nguyện của ông. Để thực hiện ý nguyện đó, sau tang lễ này, tôi sẽ sắp xếp thời gian lên Kông Chro và tiến hành các thủ tục bổ sung, nâng “Quỹ học bổng gia đình Phạm Hồng” tại huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.

Di nguyện của ông Phạm Hồng được con cháu thể hiện rõ tại khu vực tang lễ. Ảnh: A.T
Di nguyện của ông Phạm Hồng được con cháu thể hiện rõ tại khu vực tang lễ. Ảnh: A.T

Lúc sinh thời, ông tôi thường xuyên kể chuyện, giáo dục cho con cháu về truyền thống cách mạng và những gì đã trải qua khi ông sống, chiến đấu, công tác tại huyện Kông Chro cũng như tỉnh Gia Lai. Các thành viên trong gia đình, một khi có cơ hội giúp đỡ cho huyện, nhất là trong công tác giáo dục-đào tạo, đều cố gắng thực hiện vì chúng tôi cũng rất có tình cảm với vùng đất này. Vừa qua, tôi cũng vận động được một số nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 50 triệu đồng để sửa chữa 2 phòng học tại 2 điểm làng Blô và Broạch của Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (xã An Trung, huyện Kông Chro), góp phần giúp các em học sinh địa phương có nơi học tập tốt hơn”-anh Tuấn tâm sự.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm