(GLO)- Tháng 10. Những cơn áp thấp nhiệt đới, những cơn bão muộn ảnh hưởng không nhỏ tới Pleiku yêu dấu. Mưa sầm sập như trời đang tức giận trút nước ầm ào, xối xả. Chiều nay đi đón con tan học, thấy xe ô tô đậu hàng dài trước cổng trường mà ngẫm nghĩ cái sự nghiệp chăm sóc con của người thành phố. Ấy là những đứa trẻ được ô dù che từ phòng học ra đến xe ô tô.
Những chiếc xe lăn bánh vào những quán ăn vội rồi về với những lớp học năng khiếu. Thôi thì đủ cả: nào lớp học ghi-ta, lớp học organ, lớp học múa, lớp học võ, lớp học vẽ, lớp luyện chữ đẹp... Ngoài giờ học, hầu như ai cũng muốn cho con tham gia một hoạt động nào đó vừa để phát huy năng khiếu bản thân, vừa để hỗ trợ giáo dục kỹ năng sống cho con em mình. Nhà Thiếu nhi đường Hai Bà Trưng, TP. Pleiku hoạt náo nhất khi hè về.
Nhảy dây-một trong những trò chơi phổ biến của trẻ vùng sâu. Ảnh: T.A |
Chắc hẳn nếu đi cùng các bậc phụ huynh, ta còn nghe kể nhiều câu chuyện về các lớp nghệ thuật, các bộ môn thể thao của trẻ em thành phố. Vậy là cái sự chơi của trẻ em thành phố cũng được cha mẹ định hướng và chăm sóc rất sát sao, trái ngược hẳn với trẻ em nông thôn. Chỗ tôi công tác cách thành phố không xa, khoảng 20 km, nhưng trẻ em nơi đây bụi bặm với những trò chơi tự phát. Lúc thích đá bóng thì các em tụm năm tụm bảy, hái trái bưởi non đá vào gôn xếp bằng dép tổ ong. Ngã lấm lem bụi đất đỏ, bết tóc tai áo quần khi trời mưa sầm sập nhưng tiếng cười giòn tan, tưởng như vọng tới núi Hàm Rồng. Trời nắng ráo thì các em nhỏ chơi nhảy dây rừng, chơi trốn tìm, chơi bịt mắt bắt dê hay vào rẫy với cha mẹ để trèo leo hái quả. Quả ngọt, quả chua bốn mùa đủ vị, chật gùi còng lưng mang về chia sẻ quanh làng. Trời mưa thì đuổi nhau tắm mưa, chân đất đỏ trơn trợt vẫy vùng thỏa thích. Chả ô dù che, chả đưa rước, chả ăn xế ăn khuya... Trẻ em làng tôi đấy, chúng hồn nhiên sống với sở thích chẳng cha mẹ nào định hướng và đằm mình trong kỹ năng vượt khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên.
Rồi một số thương nhân cũng đô thị hóa xóm làng bằng cách đưa một số trò chơi phố thị về với thôn làng. Có sân trượt partin rộng rãi với những đôi giày bóng loáng gợi bao nhiêu tò mò cho trẻ con, người lớn nơi đây. Rồi một số em cũng được gia đình cho ra sân, thuê giày và tập trượt. Rồi lần lượt, mỗi em cũng được nhiều hơn một lần thích thú với trò chơi mới lạ. Nhưng... thói quen sống với chân trần đất đỏ, trượt trên nền đất êm ái lại kéo các em trở về với những trò chơi quen thuộc. Và sân parting khách vắng trống trơn đành khép lại một kỷ niệm buồn. Trò chuyện cùng tôi, anh Vũ Hồng Đức (cư trú tại thôn 19 xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) chia sẻ: Chúng tôi cũng muốn cho con em mình mặc đẹp và dạo chơi trên phố, tham gia các trò chơi như trẻ em trên phố nhưng phần vì lên phố hay xuống huyện đều xa. Chúng tôi chỉ cho con đi chơi Công viên Diên Hồng hay Quảng trường Đại Đoàn Kết vào những dịp nghỉ lễ.
Vậy nên hầu hết, các hoạt động vui chơi, giải trí của các em là hoàn toàn tự phát chứ hầu như không có sự định hướng của cha mẹ. Còn phát triển năng khiếu ư, các em đến trường, thầy cô phát hiện em nào có năng khiếu môn nào thì tư vấn cho cháu tự bồi dưỡng môn ấy. Về chuyện này, cô Lê Thị Thắm-giáo viên dạy Âm nhạc Trường THCS Lê Duẩn, xã Ia Tiêm cho hay: Các em người địa phương Jrai rất có năng khiếu âm nhạc. Từ khi tôi về trường, tôi đã định hướng cho một số em phát triển theo năng khiếu của mình và thành công. Hiện tại có em Rlan Ponh, Kpah Bái đang theo học tại Trường Cao đẳng Âm nhạc ở Huế. Có em vì gia đình nghèo không có tiền đi học, em cùng với một số bạn cùng làng thành lập đội nhạc sống chuyên phục vụ đám cưới và các lễ hội của làng, của xã.
Cùng lứa tuổi nhưng ở hai môi trường, hoàn cảnh khác nhau, các em cũng có các trò chơi khác nhau nhưng về cơ bản, các trò chơi đang dần mất đi tính hồn nhiên của trẻ khi các trò chơi điện tử ra đời. Các em ở thành phố, ngoài giờ đi học, nếu không được định hướng, các em cũng đắm chìm vào những trò chơi game của máy tính ở nhà, máy tính trong các phòng game hay trên chính điện thoại của bố mẹ, của mình. Các phòng game cũng về tới đường làng, ngõ xóm. Và game gây ra nhiều vấn nạn. Những năm gần đây, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã quyết định đưa trò chơi dân gian vào sinh hoạt Đội và hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Các trò rất phấn khởi với những trò chơi dân gian ấy. Em Rlan Lêu-học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, người được giải nhất trò chơi nhảy bao bố trong ngày khai giảng của trường chia sẻ: Em rất thích tham gia các trò chơi này. Được sự cổ vũ của các bạn, em đã cố gắng hết sức và giành được giải cao về cho lớp. Các bạn lớp em tuy không được chọn thi nhưng đã hò hét sảng khoái để cổ vũ. Em mong được tham gia các trò chơi này nhiều hơn nữa…
Viết đến đây, bất chợt nhớ câu “Bao giờ cho đến tháng mười”. Tháng 10 thật đấy, chẳng đợi mong. Chẳng đợi mong một sự công bằng nhưng thực tế chứng minh: đã là năng khiếu thì chả thể định hướng được mà chỉ là hỗ trợ phát triển thôi. Tôi cũng đang xoáy theo các lớp học năng khiếu cho con mình nhưng thực tình, tôi vẫn thấy nụ cười các em ở làng quê tươi rói và được về với làng, được nhìn ngắm các em tự nhiên với nội lực bản năng của các em, tôi thấy bình yên, thanh thản vô cùng.
Thuận Ánh