Triết lý "hòa vào thiên nhiên" của ông chủ trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bỏ công việc tại thành phố lớn, chàng trai trẻ quyết định trở về quê thuê 3,5 ha đất làm trang trại “thuần tự nhiên” để được hòa mình vào với cây cỏ. Ông chủ trẻ này đã đưa ra triết lý “hòa vào thiên nhiên”.
Bỏ phố về… vườn
Năm 2014, tốt nghiệp ngành kỹ thuật hóa học Trường ĐH Dầu khí Việt Nam, Nguyễn Văn Nhân (30 tuổi, ở Điện Hòa, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) tìm được công việc ổn định đúng với chuyên ngành tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Sau 2 năm, Nhân nghỉ việc chuyển về TP.Đà Nẵng để gần nhà, làm công việc văn phòng cho một doanh nghiệp, thu nhập giảm còn một nửa.
Cảm thấy công việc văn phòng khá gò bó, Nhân tìm hướng đi khác. Năm 2017, Nhân quyết định nghỉ việc để về quê lập nghiệp. “Khi nghe tin mình bỏ công việc ở thành phố để về quê làm nông, bố mẹ rất buồn. Nhưng mình không nản, quyết chí làm cái mình thích”, Nhân cười nói.

 
Khởi đầu nghề nông, Nhân thuê khu đất rộng khoảng 3,5 ha tại quê, giáp với một nhánh nhỏ của sông Vu Gia, xung quanh là hàng rào cây xanh, kênh mương. Vốn dĩ mảnh đất này bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, anh phải tốn tiền của và công sức để cải tạo. Tình cờ, Nhân bắt gặp cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh mô hình nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Sau nhiều ngày nghiền ngẫm cuốn sách, anh xác định được hướng đi và quyết định xây dựng trang trại. Hình ảnh “cọng rơm” cũng thấp thoáng trong tên gọi nông trại của Nhân sau này...
Trang trại của Nhân hiện có 2 đám ruộng rộng 5.000 m2 vừa gieo sạ. Thêm 2 ao cá nằm cạnh khu chăn nuôi gia súc, gia cầm rộng 7.000 m2, tiếp đến là khu rừng nhiều loại cây, phân tầng tán xanh ngắt xen lẫn cây hoa màu ngắn ngày. Nguyên tắc trồng trọt hay chăn nuôi của Nhân chủ yếu thuận theo tự nhiên, mô hình nông nghiệp bền vững, lấy cây ngắn ngày để nuôi cây dài ngày. Nhân không sử dụng bất kỳ một hóa chất hữu cơ nào để tưới, bón cho cây.
Ngoài 1.200 m2 dành để trồng lúa, nuôi cá, chăn thả gia súc gia cầm, diện tích còn lại Nhân phát triển vườn rừng theo hàng lối (keo lá tràm, ổi, mít, chuối, dứa...). Mỗi lối cách nhau khoảng 8 m, khoảng đất trống được trồng các loại cây củ quả ngắn ngày. “Cách làm này xây dựng hệ sinh thái có nhiều tầng tán, không gian để tận dụng lấy ngắn nuôi dài, giảm thiểu rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và cũng thích ứng được với thời tiết khắc nghiệt ở vùng đất Quảng Nam”, Nhân chia sẻ.

 
Các sản phẩm sạch thuần tự nhiên tại nông trại Rơm Vàng Farm
Các sản phẩm sạch thuần tự nhiên tại nông trại Rơm Vàng Farm
Lấy tự nhiên nuôi tự nhiên
Mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên của Nguyễn Văn Nhân bước đầu cho thấy hiệu quả khi hơn 2 năm qua, cây trồng trong trang trại phát triển tốt, ít bị sâu bệnh tấn công. “Mô hình nông nghiệp này tôi đề cao chất lượng hơn số lượng. Lượng cây trồng không nhiều nhưng đa dạng. Vì vậy, khi có loại nào bị bệnh thì chắc chắn các cây khác sẽ không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít”, anh nói.
Mỗi đợt thu hoạch đậu phộng, anh bán cho các doanh nghiệp lấy hạt, sau đó họ trả lại anh phần vỏ và bã bánh dầu. Vỏ đậu được Nhân sử dụng để bón cho các cây ăn quả; phân của bò, lợn cũng được anh dùng để thay thế phân bón hóa học.
Ruộng lúa được anh trồng ở khu thấp hơn vườn cây ăn quả, rau màu. Mỗi khi trời mưa, chất dinh dưỡng từ vườn cây trồng sẽ theo đường mương dẫn xuống ruộng. Lúa được bón bằng nguồn phân chuồng, không sử dụng phân hóa học nên thời gian canh tác có thể kéo dài hơn, nhưng bù lại năng suất vẫn rất cao và đảm bảo chất lượng. Một sào lúa anh thu được khoảng 375 kg, các loại đậu thu được 135 kg/sào.
Trước mắt, tôi hỗ trợ công ăn việc làm, sau đó chia sẻ phương pháp trồng trọt do mình đúc kết được để thanh niên áp dụng nhằm góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên cũng như tạo sinh kế bền vững
NGUYỄN VĂN NHÂN
Phương pháp chăn nuôi, trồng trọt thuần thiên nhiên của Nguyễn Văn Nhân còn giúp khôi phục hệ sinh thái tự nhiên. Hiện nay, nông trại mang tên Rơm Vàng Farm do anh tạo dựng cũng trở thành “ngôi nhà” mới cho các loài chim, cò, vạc đến sinh sống. “Từ việc trách móc khi mình bỏ công việc ở phố quay về làm nông, giờ bố mẹ đã tin tưởng, ủng hộ và còn phụ giúp mình một số công việc ở Rơm Vàng Farm”, Nhân cười hiền.
Để có đầu ra ổn định, anh liên kết với một doanh nghiệp để cung ứng sản phẩm trên toàn quốc. Sau hơn 2 năm đầu tư, trừ chi phí, mỗi năm Nhân thu về khoảng 400 triệu đồng. Nông trại Rơm Vàng Farm đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân đồng bào vùng cao của tỉnh Quảng Nam với mức thu nhập khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng.
“Trước mắt, tôi hỗ trợ công ăn việc làm, sau đó chia sẻ phương pháp trồng trọt do mình đúc kết được để thanh niên áp dụng nhằm góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên cũng như tạo sinh kế bền vững”, Nhân tâm sự.
Chàng trai trẻ đang dự tính mở rộng nông trại Rơm Vàng Farm và sẽ đi đến nhiều nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi khi thấy đã tích lũy đủ kinh nghiệm.
Theo Mạnh Cường - Đức Tài (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.