(GLO)- Đã 70 năm tròn, cứ đến dịp Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), cả nước lại đồng loạt tổ chức các hoạt động tri ân liệt sĩ, thương binh. Cuộc chiến lùi xa mấy mươi năm, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ gia đình có công với cách mạng nhưng nhiều gia đình vẫn còn khốn khó. Vì vậy, năm 2017, Gia Lai ghi dấu son trong công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tri ân các thương binh, liệt sĩ bằng việc xóa nhà dột nát, nhà tạm cho 1.248 gia đình chính sách, với tổng số tiền huy động lên tới hơn 70 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tặng quà cho các gia đình chính sách. |
Chiến tranh không còn nhưng di chứng hết sức dai dẳng, nặng nề; nhiều gia đình mất đi người thân, hầu hết là đàn ông trụ cột. Trở lại với cuộc mưu sinh đời thường, không ít gia đình thương binh, liệt sĩ chịu nhiều thua thiệt: Con trẻ không được dạy dỗ, chăm nom, cha mẹ già thiếu người phụng dưỡng; thương-bệnh binh hàng ngày phải chống chọi với vết thương nhức buốt, thường xuyên hành hạ, đặc biệt là lúc trái gió, trở trời. Nhiều người di chứng chiến tranh đến đời con, đời cháu. Thiếu sức lao động, một số gia đình thương binh, liệt sĩ không đủ sức vóc “bằng chị bằng em” dẫn đến túng thiếu, nghèo khổ, thụt lùi trong đời sống.
Từ đầu năm 1946, khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, một số vụ đụng độ nổ ra giữa quân địch và quân ta khiến binh sĩ thương vong. Để xoa dịu nỗi đau mất mát ấy, Hội giúp binh sĩ bị thương đã ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng. Tháng 7-1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, buổi mít tinh quyên góp quần áo, giày mũ cho binh lính ngoài chiến trường, mở đầu cuộc vận động “mùa đông chiến sĩ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cởi áo rét đang mặc tặng binh sĩ. Ngày 27-7-1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, trong cuộc mít tinh chính thức tri ân thương binh, tử sĩ, Ban tổ chức ngày thương binh toàn quốc đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, giúp đỡ những người anh dũng ra chiến trường chống đỡ giặc ngoại xâm mà nay thành ra thương binh. Từ đó, cứ đến ngày 27-7, toàn thể hệ thống chính trị của ta, từ trung ương tới thôn, buôn cả nước đều tổ chức hoạt động thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người thể hiện tấm lòng tri ân gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu trong hành động uống nước nhớ nguồn, tri ân gia đình thương binh, liệt sĩ. Ngay trong ngày đầu tổ chức hoạt động tri ân thương binh toàn quốc, Bác Hồ đã gửi đến Ban tổ chức tặng cho thương binh một chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền tiết kiệm một bữa ăn của nhân viên Phủ Chủ tịch. Sinh thời, đến dịp 27-7 hàng năm, Bác đều gửi thư thăm hỏi, động viên, gặp gỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, nhắc xã hội quan tâm người có công với nước, chăm sóc thương binh, giúp đỡ, động viên gia đình liệt sĩ.
Nước ta còn nghèo, chế độ chính sách chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần cho tất cả thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Vì thế, việc toàn xã hội chung tay giúp đỡ, động viên an ủi, tạo điều kiện cho các gia đình có công với nước được cuộc sống ngang bằng với mức trung bình của xã hội là hành động nhân văn cao cả, thể hiện truyền thống ăn quả nhớ người trồng cây tốt đẹp xưa nay của người Việt chúng ta.
Mấy năm trở lại đây, Gia Lai đề cao phong trào đền ơn đáp nghĩa, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, đầu tư chăm sóc mộ phần liệt sĩ, xây dựng chỉnh trang, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ. Đặc biệt, từ đầu năm 2016, Tỉnh ủy chủ trương quyết tâm xóa nhà tạm cho gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công bằng việc huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội. Đến nay, Gia Lai đã trở thành một trong 3 địa phương trong nước hiện thực được chủ trương của Đảng là không còn gia đình thương binh, liệt sĩ phải sống trong những căn nhà tạm bợ, dột nát.
Trong tháng 7 cao điểm kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh-Liệt sĩ, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến tổ dân phố, thôn, làng đều hướng về các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ, động viên gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình nghèo. Ngoài số tiền cả xã hội quyên góp hơn 70 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 1.248 căn nhà cho người có công, nhiều món quà tình nghĩa, thiết thực khác như tặng bò, tặng sổ tiết kiệm, quần áo, sách vở cho con em họ bước vào năm học mới... thể hiện tấm lòng tri ân, đạo lý uống nước nhớ nguồn, chung tay giúp đỡ mảnh đời còn khó khăn, thua thiệt, là món quà vật chất và tinh thần quý giá, tạo nên một đời sống xã hội nhân văn, cao đẹp.
Quan tâm chăm sóc các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, các gia đình nghèo là công việc thường xuyên của xã hội ta. Những mất mát, hy sinh của họ, của gia đình họ trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc là không gì bù đắp được. Vì thế, truyền thống ấy, đạo lý tốt đẹp ấy sẽ trường tồn cùng dân tộc, đất nước.
Nhật Cường