Trần Lưu Hồng Loan: Giải bạc chương trình "Cây chổi vàng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hẹn mãi cuối cùng chúng tôi cũng gặp được chị Loan vào một buổi chiều muộn. Trong căn nhà cấp 4 tại con hẻm nhỏ thuộc tổ 11 (phường Diên Hồng, TP. Pleiku), chị rót nước mời khách rồi vui vẻ bắt chuyện.

Theo chị Loan, trước khi đến với nghề quét rác, chị không có công việc ổn định. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị phải đi mua từng mớ rau hay các loại đồ ăn vặt về bán lại ở Trung tâm Thương mại Pleiku. Thu nhập bấp bênh nên năm 2010, chị xin vào làm công nhân tại Công ty. Lúc mới vào làm là đang mùa mưa, lại chưa quen việc nên không ít lần chị thấy nản. “Thời điểm đó, chưa quen với việc đẩy xe rác nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đã thế, đôi chân liên tục phồng rộp lên rất đau, phải dùng đến thuốc để điều trị. Nhiều lúc thấy rất nản nhưng nghĩ đến miếng cơm manh áo và việc học của các con, tôi lại cố gắng”-chị Loan nhớ lại.

 Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nên chị Loan nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Ảnh: N.H
Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nên chị Loan nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Ảnh: N.H



Tuy nhiên, khi đã quen với công việc, chị Loan lại càng muốn gắn bó và luôn chủ động sắp xếp tươm tất công việc gia đình để làm tốt nhiệm vụ. Việc đi sớm về khuya, dãi nắng dầm mưa với chị đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống. Chị chưa khi nào có ý định bỏ việc dù suốt 9 năm qua chưa có năm nào được đón giao thừa cùng gia đình, dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. “Vào một buổi tối tháng 7-2018, khi tôi và một đồng nghiệp đang đẩy xe rác trên đường thì bất ngờ bị một chiếc xe máy tông vào khiến đồng nghiệp của tôi ngã xuống đường. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng vì vết thương quá nặng nên chị ấy đã không qua khỏi. Cho đến giờ, sự việc đó vẫn còn khiến tôi bị ám ảnh”-chị Loan kể.

Hiện nay, chị Loan cùng nhóm công nhân gồm 10 người phụ trách việc thu gom rác thải tại một số tuyến đường chính thuộc phường Diên Hồng và Ia Kring với chiều dài hơn 3 km. Cứ đến 19 giờ hàng ngày, chị lại bắt đầu công việc của mình cho đến tận 1 hoặc 2 giờ sáng hôm sau mới trở về nhà. Công việc vất vả là vậy nhưng nhìn đường phố sạch đẹp vào ngày mới, chị lại thấy rất vui và càng bền bỉ cống hiến. Chính vì luôn nỗ lực trong công việc và tận tâm với nghề nên năm nào chị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, chị còn thường xuyên vận động người dân địa phương gìn giữ vệ sinh môi trường. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vì mọi chi tiêu chỉ trông vào đồng lương công nhân của chị và tiền làm phụ hồ của chồng nhưng anh chị vẫn nuôi 3 đứa con ăn học đầy đủ, trong đó, đứa con đầu học lớp 11, đứa thứ 2 học lớp 7 và con út học lớp 2.

Trong nhà chị giờ treo đầy bằng khen, giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Công ty vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lao động giỏi, lao động sáng tạo, giỏi việc nước-đảm việc nhà... Đặc biệt, năm 2017, chị vinh dự đạt giải bạc chương trình “Cây chổi vàng” do Hiệp hội Môi trường, Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức. Thế nhưng, với chị, mong muốn lớn nhất là có được cái nhìn sẻ chia của mọi người về nghề quét rác và đặc biệt là mọi người có ý thức hơn trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường. “Khi chương trình “Cây chổi vàng” được tổ chức, tôi thấy rất vui vì nghề quét rác của chúng tôi đã được xã hội vinh danh. Đây là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp làm đẹp thành phố”-chị Loan bày tỏ.

 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.