TP Pleiku: Cán bộ có lạm quyền?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ vì chưa kịp đóng góp tiền xây dựng làm đường giao thông nông thôn mà gia đình ông Lê Văn Thanh (trú tại 49 Ngô Quyền, xã Biển Hồ, TP. Pleiku, Gia Lai) đã bị một số người ở  thôn 4- xã Trà Đa, TP. Pleiku không cho vận chuyển cà phê trong khu vực.
Năm 2009, xã Trà Đa (TP. Pleiku) triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn tại tổ 5 và 6 của thôn 4, vườn cà phê của gia đình ông Lê Văn Thanh thuộc khu vực này. Mặc dù đường bê tông ở xa rẫy cà phê của mình nhưng gia đình ông vẫn phải đóng góp 1,4 triệu đồng. Năm 2010, xã tiếp tục triển khai xây dựng 600 mét đường qua đập bờ hồ (cũng trên đoạn đường này) và gia đình ông Thanh nằm trong diện phải đóng góp số tiền 2.790.000 đồng. Đến ngày 22-11, ông Thanh chưa đủ tiền đóng góp.
Ông Thanh bên đống cà phê. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Thanh bên đống cà phê. Ảnh: Nguyễn Diệp
Khoảng 19 giờ ngày 22-11, ông Thanh bán 2,5 tấn cà phê tươi. Khi xe của đại lý vừa từ trong rẫy ra đến đoạn đường nhựa đã bị Trưởng thôn 4 cùng hàng chục thanh niên trong thôn ra chặn đường. Trước tình thế này, buộc gia đình ông Thanh phải đóng nốt số tiền 2.790.000 đồng. Mặc dù vợ ông Thanh đã van nài và hứa khi bán cà phê sẽ đóng nốt số tiền còn lại nhưng Trưởng thôn 4 và những người khác vẫn không chấp nhận. Thấy sự việc quá căng thẳng nên tài xế xe phải đổ xuống đất 2,5 tấn cà phê ngay trong đêm tối.
Bà Trần Thị Tám (vợ ông Thanh) bức xúc nói: “Gia đình chúng tôi mới hái cà phê đợt đầu và hứa sẽ lên xã nộp đầy đủ nhưng những người trong thôn cố tình ngăn chặn không cho xe chở cà phê đi. Đây là con đường duy nhất để người dân đi vào vườn nên chúng tôi không biết phải làm sao”. Không những vậy, khi bị chặn xe, bà Tám yêu cầu Ban Nhân dân thôn 4 lập biên bản giữ cà phê nhưng họ cũng không chịu lập. Trong khi đó, theo thông báo mới nhất của UBND xã Trà Đa, đến hết ngày 30-11-2010 mà gia đình bà không nộp đủ số tiền trên thì những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trong mùa thu hoạch cà phê xã sẽ không chịu trách nhiệm. Ngoài ra, xã còn yêu cầu gia đình bà không được vận chuyển hàng hóa, đi lại trên các tuyến đường nhựa đã làm từ năm 2009.
Sự việc diễn ra có sự chứng kiến của nhiều người dân nhưng khi chúng tôi đến làm việc thì bà Nguyễn Thị Thủy Tiên- Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng: Phóng viên không được quyền làm việc với dân khi chưa thông qua UBND xã? Hiện giờ bà đang họp, phóng viên đến đột xuất, không có trong lịch làm việc nên không giải quyết và hẹn… dịp khác mới tiếp chuyện!
Sự việc vẫn còn đang tiếp tục nhưng kiểu hành xử như cán bộ thôn 4 xã Trà Đa và bà Phó Chủ tịch UBND xã thật khôngbiết nên bình luận thế nào.
Nguyễn Diệp
        

Có thể bạn quan tâm