Hạ tầng số cho đô thị thông minh là một bước phát triển mang tính chất nền tảng trong xây dựng thành phố thông minh. Lộ trình xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh cũng đã được đánh dấu một bước tiến lớn khi thành phố đã bắt đầu số hóa quy hoạch đô thị. Hiện tại, ứng dụng Quy hoạch đô thị Đà Lạt đã được công bố và đưa vào sử dụng, giúp cho việc truy cứu, lưu trữ thông tin quy hoạch một cách tối ưu.
Số hóa quy hoạch đô thị là một bước tiến trong xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh |
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết: Thời gian qua thành phố Đà Lạt cũng đã triển khai việc số hóa hồ sơ quy hoạch, đưa vào vận hành dữ liệu thông tin quy hoạch đất đai, kiến trúc xây dựng, quy hoạch khu đô thị nhà ở, dữ liệu lớp giao thông, thông tin giá đất… thông qua nền tảng bản đồ số GIS. Đây là dữ liệu của gần 98.000 thửa đất ở 12 phường, 4 xã, dữ liệu quy hoạch cho 11 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố. Cùng đó, lớp dữ liệu hạ tầng giao thông với 207 đường, 577 cung đường và 625 hẻm, tạo thành một bức tranh toàn cảnh sinh động và cập nhật về hiện trạng thành phố trên giao diện số hóa. Người dân có thể truy cập vào địa chỉ quyhoach.dalatcity.org http://quyhoach.dalat.vn và phần mềm trên thiết bị di động “Thông tin quy hoạch Đà Lạt” để tìm kiếm thông tin liên quan đến các quy hoạch được công bố.
Số hóa bản đồ hay còn có tên gọi khác là GIS hóa bản đồ (viết tắt của: Geograpghic Information System). Số hóa bản đồ được hiểu là hệ thống thông tin địa lý. Kỹ thuật số hóa này đã được bắt đầu sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển. Phương thức số hóa bản đồ được ứng dụng phổ biến trong các dự án về xây dựng, quy hoạch… trên diện rộng. Gis hóa bản đồ là một dạng ứng dụng công nghệ tin học (Information Technology) nhằm mô tả thế giới thực (Real world), giúp người dùng có thể lưu trữ toàn bộ dữ liệu của bản đồ trên hệ thống thiết bị mà máy tính có thể đọc được.
Ứng dụng thông tin Quy hoạch Đà Lạt trên điện thoại |
Ông Lê Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng phân tích: Bước vào thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, công tác số hóa ngày càng có vai trò quan trọng đối với quá trình hoạch định phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong tiến trình xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh. Số hóa dữ liệu lưu trữ là biện pháp tối ưu, giải quyết việc lưu trữ, truy xuất, chia sẻ hay tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng, cắt giảm chi phí tối đa cho việc quản lý và không gian lưu trữ. Ngoài ra, số hóa dữ liệu có thể chỉnh sửa và tái sử dụng tài liệu, linh hoạt trong việc chuyển đổi sang các dạng tài liệu số khác nhau. Quan trọng hơn, số hóa thông tin giúp nâng cao hiệu quả công việc do được tập hợp các thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời.
Hiện tại, chỉ cần truy cập vào ứng dụng Quy hoạch thành phố Đà Lạt trên smartphone, người dân có thể truy cứu nhanh chóng các thông tin: Quy hoạch sử dụng đất, quy định kiến trúc xây dựng, thông tin giá đất, quy hoạch phân khu, tra cứu dịch vụ công và cũng có thể phản ánh trực tiếp bằng hình ảnh về các thủ tục hành chính - xây dựng, đất đai một cách nhanh chóng. Dựa vào hệ thống cơ sở dữ liệu đã được số hóa, các thông tin về quy hoạch được công khai, minh bạch. Qua đó, người dân cũng có thể đóng góp ý kiến của mình đối với những đồ án, thiết kế có tác động trực tiếp đến đời sống và lợi ích kinh tế của họ.
Số hóa quy hoạch đô thị là một bước tiến trong xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh. Ảnh: Thụy Trang |
Theo ông Phạm Công Hoàng - Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh TP Đà Lạt: Việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính, hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai không chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Lưu trữ tập trung giúp minh bạch trong cung cấp thông tin về chỉ giới, mốc giới, hạn chế được tranh chấp, khiếu kiện, góp phần phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Giờ đây, theo quan điểm về xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, tất cả các thông tin dữ liệu phải được chia sẻ với nhau trong phạm vi có thể. TP Đà Lạt đang làm tốt vai trò tiên phong với bước tiến số hóa dữ liệu và cổng thông tin đất đai. Những dữ liệu được phép công khai được đưa lên cổng thông tin đất đai giúp người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin để phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội và dân sinh. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Theo DIỄM THƯƠNG (baolamdong)