TÌNH NGƯỜI NƠI CÁCH LY CHỐNG DỊCH: Trắng đêm đưa người đi cách ly

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những cuộc họp khẩn diễn ra bất kể ngày đêm. Điện thoại luôn mở 24/24 giờ. Ngay khi nhận tin có người nghi nhiễm Covid-19, lực lượng chống dịch lập tức lên đường
23 giờ ngày 11-3, các cán bộ trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An bất ngờ nhận được thông tin anh H.V.H (37 tuổi; quê xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), là lao động ở Nhật Bản, vừa xuống sân bay Nội Bài trong tình trạng ho, khó thở, tức ngực.
Hễ nhận lệnh là lên đường
Sau khi xuống sân bay, anh H. không được cách ly ngay mà tự ra bến xe bắt xe khách từ Hà Nội về quê.
Một tổ công tác gồm các cán bộ ngành y tế, công an, quân sự của tỉnh, do PGS-TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, trực tiếp chỉ đạo đã có mặt trên Quốc lộ 1 để chặn xe khách.
0 giờ ngày 12-3, xe khách giường nằm chạy đến địa phận thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc) thì bị tổ công tác chặn lại. Bất ngờ bị chặn trong đêm, nhà xe phản ứng. Tuy nhiên, sau khi được lực lượng chức năng thuyết phục, toàn bộ hành khách đã về khu cách ly tập trung ở xã Nghi Ân, TP Vinh. Tại đây, xe khách nhanh chóng được khử trùng. Cán bộ y tế hướng dẫn anh H. và các hành khách đi cùng lấy lời khai y tế, lấy mẫu bệnh phẩm để gửi xét nghiệm. Đến 3 giờ, mọi việc mới hoàn tất.
"Hành khách H. đi từ vùng dịch Covid-19 về, lại có biểu hiện ho, sốt. Nếu không được cách ly kịp thời thì nguy cơ lây lan bệnh rất lớn. Vì vậy, chúng tôi quyết định thành lập tổ công tác chặn xe, đưa toàn bộ hành khách vào khu cách ly trong đêm" - ông Dương Đình Chỉnh kể lại.
Ngày cũng như đêm, khi nhận được thông tin có người từ vùng dịch, nước ngoài trở về, các cán bộ y tế lại lên đường. Bác sĩ Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vinh, kể thêm: Lúc 23 giờ ngày 18-3, nhận tin có một đoàn khoảng 100 người từ Lào về, ông cùng 10 y - bác sĩ trong đơn vị đã có mặt tại khu cách ly tập trung tại xã Nghi Ân để tiêu độc khử trùng, kiểm tra sức khỏe cho người dân.
Mười người làm việc suốt đêm, đến 5 giờ ngày 19-3 mới hoàn tất việc đưa người dân vào khu cách ly an toàn.
"Những cuộc họp khẩn có thể diễn ra bất kỳ lúc nào trong đêm, điện thoại luôn mở 24/24 giờ, khi nhận được thông tin, nhiệm vụ là lên đường. Y - bác sĩ thời dịch bệnh cũng như chiến sĩ" - bác sĩ Long tâm sự.
Các chiến sĩ Đoàn An điều dưỡng 40 Cửa Hội (Nghệ An) chuẩn bị phần cơm trưa cho người được cách ly (Mời quét QR code bằng camera điện thoại để nhận link xem video cùng chủ đề)
Các chiến sĩ Đoàn An điều dưỡng 40 Cửa Hội (Nghệ An) chuẩn bị phần cơm trưa cho người được cách ly.
Hết mình vì dân
Sáng 23-3, tại khu cách ly Đoàn An điều dưỡng 40 Cửa Hội, Quân khu 4 (thị xã Cửa Lò), 418 công dân Việt Nam trở về từ Lào, Thái Lan đang thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định.
Từ ngoài cổng, mọi công tác an ninh, kiểm soát thực hiện chặt chẽ với sự phối hợp của lực lượng quân đội, công an và dân quân tự vệ. Nhiều người thân đến thăm hỏi, đưa đồ dùng cho những người đang cách ly. Mọi việc diễn ra quy củ, nghiêm ngặt, đồ dùng sau khi đưa vào bàn tiếp nhận sẽ có một cán bộ chuyển vào khu vực cách ly cho người nhận.
Các khu nhà ở cách ly đều là những dãy nhà cao tầng khang trang, thoáng mát, trong phòng trang bị tivi, wifi. Xen giữa các dãy nhà cao tầng là khu tập luyện thể thao để mọi người rèn luyện sức khỏe.
"Ở trong khu cách ly, mọi sinh hoạt, ăn uống, kiểm tra sức khỏe, vui chơi đều rất tốt. Mọi người đều vui vẻ, hợp tác với các chiến sĩ bộ đội" - anh H., một người đang thực hiện cách ly tại đây, chia sẻ.
11 giờ ngày 23-3, tại khu vực nhà bếp của Đoàn An điều dưỡng 40 Cửa Hội, các chiến sĩ đang chuẩn bị bữa trưa cho người cách ly. Sau một hồi loa thông báo, các phần cơm được chuyển trên các xe đẩy đưa về khu vực phòng, trao tận tay những người thực hiện cách ly.
Thượng tá Trần Thanh Hải, Đoàn trưởng Đoàn An điều dưỡng 40 Cửa Hội, cho biết mỗi ngày, những người cách ly được ăn theo chế độ 3 bữa của quân nhân (57.000 đồng/người/ngày). Mỗi khẩu phần ăn có 5 món, gồm 3 món mặn, 1 rau, 1 canh và thường xuyên thay đổi.
"Công dân vào khu cách ly sẽ được chúng tôi tạo mọi điều kiện tốt nhất trong khả năng có thể để bảo đảm an toàn, sức khỏe trong thời gian cách ly" - thượng tá Hải khẳng định.
Bố trí thêm 3 khu cách ly
Theo ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, thời gian qua, tỉnh đã tiếp nhận công dân trở về từ cửa khẩu Cầu Treo do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Tĩnh chuyển đến. Tuy nhiên, do công dân trở về rất đông, dồn dập nên các cơ sở cách ly tập trung tại Nghệ An đã hết chỗ, vượt quá khả năng đáp ứng.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An tạm thời dừng tiếp nhận công dân trở về từ cửa khẩu Cầu Treo và các địa bàn khác ngoài tỉnh kể từ 15 giờ ngày 21-3. Hiện tỉnh đang bố trí thêm 3 khu cách ly tập trung mới tại các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông và Tương Dương để có thể chủ động đón các công dân về nước.
Bài và ảnh: Đức Ngọc (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.