Tin vũ trụ nóng nhất tuần: Kinh ngạc khả năng sự sống bắt nguồn từ sao Hỏa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phân tích kinh ngạc về khả năng sự sống bắt nguồn từ sao Hỏa; Cải tạo thành công ISS sau sự cố; Siêu trăng cuối cùng của năm 2021... là những tin vũ trụ nóng nhất tuần qua.

Phân tích mới cho thấy sự sống có thể bắt nguồn từ sao Hỏa. Ảnh: NASA
Phân tích mới cho thấy sự sống có thể bắt nguồn từ sao Hỏa. Ảnh: NASA
Phân tích kinh ngạc về khả năng sự sống bắt nguồn từ sao Hỏa
Sự sống có nhiều khả năng bắt nguồn từ sao Hỏa hơn là từ Trái đất, theo phân tích của nhóm nhà nghiên cứu quốc tế nổi tiếng do Benton Clark, Viện Khoa học Không gian ở Boulder, Colorado (Mỹ) dẫn đầu.
Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận rằng, khả năng sự sống bắt nguồn trên sao Hỏa thậm chí còn cao hơn trên Trái đất, bởi vì các yêu cầu hình thành sự sống - như chúng ta hiểu hiện tại - đều có trên hành tinh đỏ, bao gồm nước lỏng, các hợp chất hữu cơ, các nguyên tố và khoáng chất thiết yếu, và khả năng tiếp cận nguồn năng lượng.
Siêu trăng cuối cùng tuyệt đẹp của năm 2021 trên khắp thế giới
Trăng Dâu tây hay siêu trăng cuối cùng của năm 2021 đã xuất hiện và thắp sáng bầu trời đêm vào 24.6, với độ sáng hơn tới 30% và kích thước lớn hơn 14% so với bình thường, theo các nhà thiên văn học.
Siêu trăng xảy ra khi Mặt trăng ở tại điểm gần với Trái đất nhất trong quỹ đạo của nó, theo chu kỳ. Lúc này, Mặt trăng trông có vẻ lớn hơn và sáng hơn một chút so với trăng tròn thông thường.

Siêu trăng tháng 6 hay còn gọi là trăng Dâu tây ở đền thờ Apollo, Hy Lạp. Ảnh: AFP
Siêu trăng tháng 6 hay còn gọi là trăng Dâu tây ở đền thờ Apollo, Hy Lạp. Ảnh: AFP
Theo sách Farmer's Almanac ở Mỹ, trăng tròn tháng 6 thường được gọi là trăng Dâu tây, do các bộ lạc thổ dân Châu Mỹ thường thu hoạch những quả dâu tây ở các vùng của Bắc Mỹ vào thời gian này trong năm.
Cải tạo thành công Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS sau trở ngại bất ngờ
Lần thứ ba trong vòng chưa đầy hai tuần, hai phi hành gia đã đi bộ bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS để lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời mới cho phòng thí nghiệm quỹ đạo.
Phi hành gia NASA Shane Kimbrough và phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã hoàn thành chuyến đi bộ ngoài không gian kéo dài 6 giờ 45 phút vào ngày 25.6 và lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời (iROSA) thứ hai trong số 6 tấm cần thiết. Trước đó, vào ngày 20.6, hai phi hành gia này đã lắp đặt tấm pin đầu tiên, sau khi gặp trục trặc trong lần lắp đặt ngày 16.6.

Lắp đặt tấm pin iROSA thứ hai trên ISS hôm 25.6. Ảnh: NASA
Lắp đặt tấm pin iROSA thứ hai trên ISS hôm 25.6. Ảnh: NASA
8 tấm pin ban đầu của ISS bắt đầu suy giảm sản lượng điện do chúng đã vượt quá tuổi thọ thiết kế 15 năm. Các tấm pin triển khai mới được lắp đặt phía trước và phủ một phần lên 6 trong số các tấm cũ. Khi được sử dụng song song, hệ thống được nâng cấp sẽ có khả năng tăng lượng điện cung cấp cho trạm từ 20 đến 30%. ISS đã triển khai thành công tấm năng lượng mặt trời mới, cung cấp cho ISS đợt tăng năng lượng đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
UAE xây thành phố sao Hỏa mô phỏng lớn nhất thế giới
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang lập kế hoạch xây thành phố sao Hỏa mô phỏng lớn nhất thế giới, có thể lớn bằng 24 sân bóng đá. Việc xây dựng thành phố mô phỏng sao Hỏa lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu ở sa mạc Dubai vào năm tới, dự kiến hoàn thành và bắt đầu hoạt động vào năm 2024.

Mô hình Thành phố khoa học sao Hỏa. Ảnh: Dubai Media Office
Mô hình Thành phố khoa học sao Hỏa. Ảnh: Dubai Media Office
Thành phố này dự kiến rộng khoảng 176.000m2, mô phỏng môi trường của sao Hỏa, với quần xã sinh học điều áp và phòng thí nghiệm người máy. Dự án này là một phần của sáng kiến ​​Sao Hỏa 2117 nhằm xây dựng một thành phố trên hành tinh đỏ vào năm 2117.
KHÁNH MINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm