Tìm thấy bằng chứng về tông người tiền sử chưa từng được biết đến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sinh vật cổ xưa này có răng xỉn màu phù hợp với hàm bé, có thể đi bằng 2 chân nhưng bàn chân vẫn có hình dạng phù hợp để leo trèo.
Khu vực khai quật trên đảo Luzon. (Nguồn: nytimes.com)
Khu vực khai quật trên đảo Luzon. (Nguồn: nytimes.com)
Các nhà khoa học ngày 10/4 đã công bố đã tìm thấy bằng chứng một tông người tiền sử chưa được biết đến và đã xuất hiện cách đây 50.000 năm ở nơi mà ngày nay là nước Phillipines.
Báo Wall Street Journal đưa tin, những mẫu vật xương và răng hóa thạch có màu xỉn đã được tìm thấy ở khu vực hang động ở đảo Luzon của Phillipines.
Khám phá này khiến những bí ẩn về một kỷ nguyên cổ xưa khi thế giới là nơi nhiều tông người khác nhau cùng xuất hiện và sinh sống lại càng thêm mù mịt.
Các nhà nghiên cứu đã công bố khám phá trên tạp chí khoa học chuyên ngành có tên là Nature (Tự nhiên) rằng sinh vật cổ xưa này có răng xỉn màu phù hợp với hàm bé, có thể đi bằng 2 chân nhưng bàn chân vẫn có hình dạng phù hợp để leo trèo.
Những sinh vật sống trên đảo này có sự kết hợp cả những nét từ thời tiền sử và những nét đã tiến hóa tạo thành một tông người với những nét hết sức đặc sắc.
Giáo sư nhân chủng học Matt Tocheri ở Đại học Lakehead Canada và đồng thời hiện nghiên cứu tại chương trình Dấu vết Lịch sử Tự nhiên của Loài người ở khu Bảo tàng Smithsonian tại Washington, D.C nhận xét rằng “chính sự tiến hóa đã tạo ra sự đan chéo, lắp ghép các đặc điểm khác nhau như vậy”.
Một số nhà khoa học nhận xét rằng phát hiện mới này đã khiến khu vực Thái Bình Dương vốn ít được biết đến trong lĩnh vực nghiên cứu tiến hóa bỗng trở thành nơi ghi dấu sự phát triển con người thời tiền sử.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu gene di truyền DNA cũng cho rằng có khoảng 6 tông người (gần với loài người) cùng tồn tại trong thế giới cách đây khoảng 50.000 đến 250.000 năm.
Một số tông người sống chung với tổ tiên loài người, sinh con đẻ cái và để lại các đặc điểm di truyền ảnh hưởng đến sức khỏe và thể trạng của chúng ta ngày nay.
Với phát hiện này, nhà khảo cổ học Arman Mijares thuộc Đại học Phillipines ở thành phố Quezon, trưởng nhóm khai quật đã phát hiện những mẫu vật, khẳng định lần đầu tiên Phillipines trở thành tâm điểm tranh luận về chủ đề tiến hóa.
Các nhà khoa học đã chính thức đặt tên cho tông người vừa phát hiện là Homo luzonensis để ghi nhớ tên đảo nơi đã tìm thấy mẫu vật.
Cũng có giả thiết rằng tông người tiền sử này đã chết ở đâu đó và trôi dạt vào một cái hố sâu và qua quá trình xói mòn nhiều triệu năm đã tạo thành hang động và đó chính là nơi răng và xương của họ được tìm thấy.
Mẫu vật cho thấy là của 2 người lớn và một người trẻ tuổi.
Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm