Tìm thấy 3 siêu trái đất có thể có sự sống ngoài hành tinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có tới 3 hành tinh, có tiềm năng như trái đất, được phát hiện xung quanh một ngôi sao nằm gần hệ mặt trời. Đây là hệ hành tinh cung cấp cho các nhà thiên văn những triển vọng về tìm kiếm dấu hiệu sự sống ngoài trái đất. 
Các siêu trái đất mới được phát hiện quay quanh ngôi sao lùn đỏ Gliese 887. Ảnh: Reuters.
Các siêu trái đất mới được phát hiện quay quanh ngôi sao lùn đỏ Gliese 887. Ảnh: Reuters.
Những hành tinh này quay quanh quỹ đạo Gliese 887 - ngôi sao được gọi là sao lùn đỏ, có kích vỡ bằng 1/2 mặt trời, cách trái đất 11 năm ánh sáng, các nhà nghiên cứu thông tin hôm 26.6. Một năm ánh sáng tương đương với khoảng 9,5 nghìn tỉ km.
Theo Reuters, có 2 hành tinh đã được xác định rõ ràng, trong đó 1 hành tinh quay quanh Gliese 887 theo chu kỳ 9 ngày và 1 hành tinh khác là 21 ngày. 
Một trong 2 hành tinh này ở vị trí bên trong khu vực được gọi là khu vực có thể sống được hay còn gọi là vùng Goldilocks xung quanh ngôi sao. Khu vực này không quá nóng cũng không quá lạnh và có thể duy trì nước lỏng trên bề mặt và nuôi dưỡng sự sống. 
Hành tinh tiềm năng thứ 3 quay quanh Gliese 887 theo chu kỳ 50 ngày và cũng nằm trong khu vực có thể sống được nhưng vẫn cần phải được xác định thêm. 
"Chúng là những hành tinh "siêu trái đất", có nghĩa là chúng có khối lượng gấp vài lần trái đất và có khả năng sẽ có lõi rắn như trái đất, trái ngược với những hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc và sao Thổ" - nhà thiên văn học Sandra Jeffers, Đại học Gottingen ở Đức, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trong tuần này trên tạp chí Science, cho hay. 
"Các hành tinh mới được phát hiện có tiềm năng tốt nhất trong số tất cả các hành tinh đã được biết tới ở gần mặt trời xét về phương diện xem những hành tinh này có khí quyển hay không và để nghiên cứu chi tiết về những bầu khí quyển này" qua đó tìm hiểu xem điều kiện của các hành tinh đó có thích hợp cho sự sống ngoài trái đất hay không, theo tác giả nghiên cứu. 
Hệ thống hành tinh quay quanh Gliese 887 sẽ là mục tiêu chính cho nghiên cứu sử dụng kính thiên văn James Webb thế hệ tiếp theo của NASA, dự kiến ra mắt năm 2021, theo tác giả Jeffers. 
Các sao lùn đỏ tương đối nhỏ và mát. Điểm đáng lưu ý với Gliese 887 là ngôi sao này đặc biệt không hoạt động mạnh về mặt vật chất phun trào mãnh liệt và vết đen ngôi sao (các khu vực tối trên ngôi sao). Điều này có nghĩa là Gliese 887 có thể hoan nghênh sự sống trên các hành tinh xoay quanh quỹ đạo của nó. 
HỮU ĐỨC (LĐO)

Có thể bạn quan tâm