Một quần thể tế bào xương tự thay đổi chức năng kỳ lạ vừa được các nhà khoa học Mỹ xác định, triển vọng tạo ra phương pháp mới "khóa" ung thư di căn.
Công trình vừa công bố trên tạp chí khoa học Breast Cancer Research, đứng đầu bởi tiến sĩ Karen Bussard, trợ lý giáo sư ngành sinh học ung thư tại Đại học Thomas Jefferson và Trung tâm Ung thư Sidney Kimmel - Jefferson Health. Bà và các cộng sự đã phát hiện được các nguyên bào xương trong cơ thể người đã cư xử một cách lạ lùng khi chủ nhân của nó bị ung thư vú.
"Hiện tượng lạ" từ người từng mắc ung thư vú vài thập kỷ trước đã đưa các nhà khoa học đến phát hiện bất ngờ - ảnh minh họa từ internet |
Nghiên cứu bắt nguồn từ việc các nhà khoa học tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư vú phải quay trở lại 20-30 năm sau khi khỏi bệnh vì phát hiện bị tái phát, lần này ung thư xâm chiếm xương của họ. Bác sĩ bối rối vì rõ ràng họ bị di căn xương. Điều này có thể bình thường nếu như di căn xảy ra khi họ còn bệnh, nhưng có vẻ thật vô lý vì nó chỉ xảy ra 20-30 năm sau khi họ được xác định là khỏi bệnh hoàn toàn, không hề còn là bệnh nhân ung thư.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu từng nhận thấy ở bệnh nhân ung thư vú giai đoạn tiến triển, các nguyên bào xương bất ngờ ngừng hoạt động, dẫn đến mật độ xương bị giảm vì nguyên bào xương vốn là nhân tố cốt lõi trong việc tạo xương, giúp tăng trưởng và sửa chữa bộ xương người.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phát hiện các nguyên bào xương không hề lười biếng khi bệnh nhân bị ung thư vú: chúng ngừng việc, đơn giản là vì đã chuyển sang đảm nhận một trọng trách khác.
Trong nghiên cứu trên chuột, các nguyên bào xương đã biến đổi từ kẻ xây dựng sang các chiến binh. Khi phát hiện kẻ xâm nhập tấn công vào xương, nguyên bào xương giải phóng các yếu tố làm thay đổi tế bào ung thư. Những yếu tố này khiến các tế bào ung thư bị chới với, đồng thời khôi phục sự sản xuất protein p21 của cơ thể, một chất giúp kiểm soát chu kỳ tế bào và ngăn chặn các tế bào ung thư vú sao chép vô tận.
Quá trình dường như làm các tế bào ung thư "ngủ đông" trong xương. Ở con người, chúng có thể ngủ đến tận 30 năm, một quãng thời gian quá màu nhiệm đối với căn bệnh chết người này.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bày tỏ sự vui mừng trước nghiên cứu vì sự phát hiện ra cơ chế này có thể là tiền đề để phát triển các phương pháp mới nhằm "khóa" ung thư di căn. Còn tiến sĩ Bussard thì cho biết bà và các cộng sự sẽ tiếp tục đào sâu nghiên cứu, mô tả đẩy đủ các phân tử mà những nguyên bào xương kỳ diệu để sử dụng, với hy vọng tìm ra cách giúp các tế bào ung thư ngủ mãi mãi.
A, Thư (EurekAlert, Science Daily, nld)