Loài khủng long tí hon sống ở sa mạc có đôi mắt to bất thường và thính lực nhạy bén thường săn con mồi vào ban đêm.
|
Khủng long tí hon Shuvuuia Deserti. Ảnh: Viktor Radermaker/Bảo tàng Tự nhiên Mỹ. |
Thông tin về khủng long tí hon này là kết quả của một trong hai nghiên cứu đột phá được công bố ngày 6.5, trong đó kiểm tra và tái tạo tai trong của hóa thạch khủng long cổ đại và so sánh với ống tai của động vật hiện nay.
Nhà cổ sinh vật học Bhart-Anjan Bhullar, tác giả cao cấp của một trong những nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science, cho biết: “Trong tất cả cấu trúc có thể tái tạo từ các hóa thạch, tai trong có lẽ là cấu trúc giống nhất với một thiết bị máy móc".
"Nó hoàn toàn dành riêng cho một nhóm chức năng cụ thể. Nếu có thể tái tạo lại hình dạng của nó, bạn có thể đưa ra kết luận hợp lý về hành vi thực tế của các loài động vật đã tuyệt chủng theo cách gần như chưa từng có" - ông nói thêm.
|
Khoảng 66 triệu năm trước, khủng long tí hon Shuvuuia Desti sống trong những môi trường rất khô hạn ở khu vực ngày nay là Mông Cổ. Ảnh: Bảo tàng Tự nhiên Mỹ |
Hai nghiên cứu đều sử dụng công nghệ chụp cắt lớp vi tính để nhìn xuyên qua đá và xương nhằm hình dung và mô hình hóa tai trong, nằm sâu trong hộp sọ của động vật.
Quan điểm khoa học truyền thống về khủng long cho rằng loài động vật cổ đại này chủ yếu hoạt động vào ban ngày. Bằng chứng giải phẫu cho thấy chúng có những cải tiến về giác quan, như thị giác và thính giác nhạy bén, cần thiết để săn con mồi vào ban đêm. Đây là điều không được phát hiện trong dữ liệu hóa thạch.
Trong nghiên cứu thứ hai, Lars Schmitz, phó giáo sư sinh học tại Trung tâm Khoa học WM Keck thuộc các trường cao đẳng Claremont McKenna, Pitzer và Scripps, đã hợp tác với nhóm nghiên cứu quốc tế thu thập thông tin chi tiết về kích thước tương đối của mắt và tai trong của gần 100 loài chim hiện nay và loài khủng long đã tuyệt chủng.
|
Hóa thạch khủng long tí hon Shuvuuia Desti. Ảnh: Bảo tàng Tự nhiên Mỹ. |
Các nhà nghiên cứu phát hiện loài khủng long nhỏ bé Shuvuuia Desti có đồng tử lớn hơn khủng long và bất kỳ loài chim nào hiện nay. Tai trong của khủng long Shuvuuia Desti tương tự của cú lợn lưng xám. Những đặc điểm này cho thấy loài khủng long này là kẻ chuyên săn mồi về đêm.
Là khủng long chân thú, cùng họ với khủng long bạo chúa (T.rex) và một dòng cuối cùng tiến hóa thành các loài chim hiện nay, Shuvuuia Desti nhỏ bé có kích cỡ như con gà ngày nay - kích thước "tí hon" so với những họ hàng khổng lồ của chúng.
Khủng long tí hon Shuvuuia Desti sống trong môi trường sống rất khô hạn ở khu vực Mông Cổ ngày nay khoảng 66 triệu năm trước.
“Đó là một con khủng long hơi kỳ quặc. Những gì chúng ta thấy là đồng tử rất lớn, một ống tai trong dài. Đôi mắt siêu nhạy. Nó thực sự là đối thủ của những kẻ săn mồi về đêm ngày nay như cú lợn lưng xám và dơi" - Lars Schmitz cho hay.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện, nhiều khủng long chân thú ăn thịt như Tyrannosaurus có thị lực được tối ưu hóa vào ban ngày và thính giác tốt hơn mức trung bình, có lẽ là để giúp chúng săn mồi. Các loài khủng long khác như Velociraptor, loài ăn thịt săn mồi nổi tiếng trong loạt phim "Công viên kỷ Jura", có thể hoạt động vào lúc hoàng hôn.
THANH HÀ (LĐO)