Phát hiện lõi tên lửa Trung Quốc mất kiểm soát sắp rơi xuống Trái đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lõi tên lửa Trung Quốc mất kiểm soát sắp rơi xuống Trái đất đã được phát hiện ở Italia.
 
Giai đoạn lõi của tên lửa Trung Quốc Trường Chinh 5B được chụp vào đêm 5.5.2021. Ảnh: Dự án Kính viễn vọng Ảo của Gianluca Masi
Giai đoạn lõi của tên lửa Trung Quốc Trường Chinh 5B được chụp vào đêm 5.5.2021. Ảnh: Dự án Kính viễn vọng Ảo của Gianluca Masi
Space đưa tin, lõi tên lửa Trường Chinh 5B (Long March 5B) của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ lao vào bầu khí quyển Trái đất vào khoảng ngày 8.5, mặc dù không ai có thể xác định chính xác ngày, giờ hoặc địa điểm. Những dự đoán như vậy thường chỉ có thể đưa ra chỉ vài giờ trước vụ va chạm.
Các chuyên gia cho biết, xác tên lửa nặng 21 tấn sẽ vỡ ra trên cao trong khí quyển và phần lớn bị cháy, những mảnh còn lại rơi vào các khu vực không có người ở, vì 70% bề mặt Trái đất là đại dương. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không chắc chắn 100% về điều này.
Nhà vật lý thiên văn Italia Gianluca Masi - người điều hành Dự án Kính viễn vọng Ảo - đã thu được độ phơi sáng 0,5 giây của tên lửa rơi từ Italia bằng kính viễn vọng robot Paramount 43 cm.
"Vào thời điểm chụp ảnh, lõi tên lửa cách kính thiên văn của chúng tôi khoảng 700 km, trong khi mặt trời chỉ ở dưới đường chân trời vài độ, vì vậy bầu trời vô cùng sáng, khiến việc chụp ảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, kính thiên văn của chúng tôi đã thành công trong việc chụp mảnh vỡ khổng lồ này” - Masi viết trong phần mô tả về bức ảnh.
Tên lửa Trường Chinh 5B được sử dụng để phóng module lõi trạm vũ trụ hình chữ T mới của Trung Quốc lên quỹ đạo vào ngày 29.4. Trung Quốc đặt mục tiêu lắp ráp trạm vũ trụ mới vào năm 2022 - nỗ lực sẽ cần thêm 10 lần phóng nữa. Trung Quốc không thuộc Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, một phần do lo ngại về an ninh quốc tế, và muốn xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình.
 
Tên lửa Trường Chinh 5B phóng module trạm vũ trụ hôm 29.4. Ảnh: Xinhua
Tên lửa Trường Chinh 5B phóng module trạm vũ trụ hôm 29.4. Ảnh: Xinhua
Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đã cung cấp thông tin cập nhật về lõi tên lửa Trung Quốc kể từ ngày 4.5. Ngày 5.5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với báo giới: “Mỹ cam kết giải quyết các nguy cơ tắc nghẽn ngày càng tăng do các mảnh vỡ không gian và hoạt động ngày càng tăng trong không gian. Chúng tôi muốn làm việc với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy khả năng lãnh đạo và các hành vi có trách nhiệm trong không gian. Hành động có trách nhiệm trong không gian là vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia để đảm bảo sự an toàn, ổn định, an ninh và tính bền vững lâu dài của các hoạt động ngoài vũ trụ".
Luật không gian là một mạng lưới phức tạp của các hiệp ước và thỏa thuận, trong đó phần lớn nói rằng các quốc gia phóng phải chịu trách nhiệm về các mảnh vỡ mà các sứ mệnh tạo ra, cho dù đó là nhiệm vụ chính phủ hay thương mại. Nếu có thiệt hại do mảnh vỡ gây ra, công ước trách nhiệm của Hiệp ước Không gian bên ngoài của Liên Hợp Quốc quy định quốc gia phóng "phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các vật thể không gian của họ gây ra trên bề mặt Trái đất hoặc đối với máy bay, và chịu trách nhiệm về thiệt hại do lỗi của nó trong không gian".
Lần duy nhất quy ước này được viện dẫn là vào năm 1978, khi một vệ tinh Liên Xô chạy bằng năng lượng hạt nhân tên là Kosmos 954 phát tán các mảnh vỡ chứa đầy bức xạ khắp Bắc Cực thuộc Canada, buộc phải dọn dẹp khẩn cấp và tốn kém, mất ít nhất 3 triệu đô la Canada vào năm 1981 (tương đương khoảng 7,5 triệu USD ngày nay).
Bà Psaki nói rằng, nếu thiệt hại xảy ra từ các mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B, Nhà Trắng sẽ tham vấn với Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ và Bộ Quốc phòng để được tư vấn.
KHÁNH MINH (LĐO)

https://laodong.vn/the-gioi/phat-hien-loi-ten-lua-trung-quoc-mat-kiem-soat-sap-roi-xuong-trai-dat-906396.ldo

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.