(GLO)- Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc vào ngày 20-7. Công việc đầu tiên mà Quốc hội khóa XV phải làm trong kỳ họp này là tiến hành bầu và phê chuẩn gần 50 chức danh lãnh đạo chủ chốt gồm: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cùng toàn bộ bộ máy của mình, mở đầu cho quá trình tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đối ngoại…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Mục tiêu tối thượng vì hạnh phúc của Nhân dân. Ảnh VGP |
Đó là cách để Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước thể chế hóa, cụ thể hóa các quyết sách quan trọng đã được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị mọi mặt về tổ chức, nguồn lực, trí tuệ, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khóa XV có nhiều khởi sắc, đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp phát triển đất nước.
Đồng bào và cử tri cả nước mong các vị đại biểu Quốc hội cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; gần gũi và lắng nghe ý kiến của người dân, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và người dân giao phó, thông qua việc thiết kế chính sách, giám sát và có ý kiến kịp thời trước những nhiệm vụ cấp bách mà bộ máy hành pháp đang thực thi.
Đó có thể là những tiếng nói làm sao giảm bớt những khó khăn, thiệt hại do tác động tiêu cực của các chính sách chống dịch còn chưa phù hợp, thậm chí là cực đoan đang được áp dụng tại một số địa phương. Ví như sự vội vàng, máy móc khi đóng cửa hầu hết các chợ truyền thống-nơi cung ứng gần 80% nhu cầu lương thực, thực phẩm cho TP. Hồ Chí Minh. Trong khi hệ thống siêu thị chưa thể đáp ứng nổi thì cách làm này đã gây khó khăn rất lớn cho người dân trong khu vực giãn cách và làm hỏng nguồn cung rau quả của nông dân nhiều tỉnh lân cận.
Đó có thể là những điều chỉnh chính sách như thiết lập “luồng xanh vận tải”, “bỏ giấy xét nghiệm âm tính” và tinh thần “dám chịu trách nhiệm” bất cập khi nhiều địa phương yêu cầu người dân và lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính khi tham gia giao thông, góp phần làm cho tình trạng lưu thông hàng hóa tắc nghẽn trầm trọng.
Sự điều chỉnh chính sách kịp thời, đúng lúc đã có giá trị rất thiết thực với công tác chống dịch, giảm khó khăn cho người dân, đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm quý báu cho hoạt động thiết kế chính sách, pháp luật nhằm hạn chế những lúng túng, chệch choạc, có thể khiến người dân phải khổ thêm, khi họ đang phải vật lộn với bao nỗi khó khăn vì dịch bệnh.
Những người yếu thế, khó khăn thực sự đang cần lắm đồng tiền trợ cấp từ gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng của Chính phủ; hơn 70.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm nay, cùng với hơn 100.000 doanh nghiệp đã đóng cửa năm ngoái đang trên đà phá sản, họ cần lắm những tiếng nói kịp thời và chất lượng của Quốc hội khi thảo luận các báo cáo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại kỳ họp này.
Nguy cơ lan rộng của đại dịch Covid-19 đang hiện hữu. Vì vậy, không thể không tính đến nguy cơ lạm phát do sự đứt gãy chuỗi sản xuất của nền kinh tế và sức ép lạm phát từ bên ngoài. Việc thực hiện các gói kích thích kinh tế quy mô lớn sau đại dịch, nếu không điều hành tốt, sẽ dễ khiến nợ công tăng nhanh… Điều này đòi hỏi Quốc hội cần nâng cao hiệu quả giám sát, tránh những bất ổn vĩ mô như đã từng trả giá đắt trong quá khứ.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay vẫn không có gì thay đổi. “Mục tiêu kép” vẫn đang được Chính phủ đôn đốc thực hiện với tất cả sự nỗ lực cao nhất. Cử tri cả nước mong các vị đại biểu Quốc hội hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, lắng nghe tiếng lòng của dân, dùng tiếng nói của mình giúp tháo bỏ mọi rào cản để người dân và doanh nghiệp “dễ thở” hơn, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
ĐÌNH CƯƠNG