Tiếng chiêng học bài ở Đak Song

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mô hình “Tiếng chiêng học bài ban đêm” được Trường Tiểu học và THCS Cao Bá Quát (xã Đak Song, huyện Kông Chro) triển khai từ năm học 2016-2017. Qua hơn 4 năm hoạt động, mô hình đã góp phần thúc đẩy tinh thần học tập, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo của nhà trường. 
Hiệu quả rõ rệt
Cứ 7 giờ tối, khi tiếng chiêng ngân vang, em Đinh Văn Diễm (lớp 8B, làng Kchăng) lại tự giác ngồi vào bàn học. Nhờ thói quen này mà nhiều năm liền Diễm đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Diễm kể: “Buổi tối, em dành khoảng 2 tiếng đồng hồ vừa ôn lại kiến thức học trong ngày, vừa soạn bài cho hôm sau. Những chỗ nào chưa hiểu, em đánh dấu rồi nhờ thầy cô chỉ bảo thêm. Nhờ đó mà em nắm vững kiến thức, thành tích học tập tốt”.
Còn em Đinh Thị Hối (lớp 9A, làng Kliết-H’Ôn) tâm sự: “Em là chị cả trong gia đình có 4 anh chị em. Mỗi tối, khi nghe tiếng chiêng vang, em cùng các em trong nhà tự giác ngồi vào bàn học, không để ba mẹ nhắc nhở. Ngoài xem lại bài cũ và học bài mới, em còn giúp các em làm bài tập, soạn sách vở. Nhờ đó, thành tích học tập của chúng em đều tốt”.
Em Đinh Thị Hối (bên phải; lớp 9A Trường Tiểu học và THCS Cao Bá Quát, xã Đak Song, huyện Kông Chro) ôn bài cùng em gái. Ảnh: Ngọc Minh
Em Đinh Thị Hối (bên phải; lớp 9A Trường Tiểu học và THCS Cao Bá Quát, xã Đak Song, huyện Kông Chro) ôn bài cùng em gái. Ảnh: Ngọc Minh
Mô hình “Tiếng chiêng học bài ban đêm” nhận được sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh thông qua việc tạo không gian yên tĩnh để con học bài cũng như mua sắm đồ dùng học tập. Chị Đinh Thị Quơr (mẹ của em Hối) chia sẻ: “Ý thức học tập của các cháu được nâng lên rất nhiều. Mỗi khi nghe thấy tiếng chiêng là các cháu tự giác ngồi vào bàn học, không cần ai nhắc. Mình rất vui khi thấy các con chăm ngoan, kết quả học tập ngày càng tiến bộ”.
Là người gắn bó với mô hình từ ngày đầu triển khai, ông Đinh Văn Loa-Trưởng thôn Kliết-H’Ôn-cho biết: “Mình chịu trách nhiệm đánh chiêng vào mỗi tối, giúp các cháu biết giờ giấc ngồi vào bàn học. Thấy thành tích học tập của các cháu tiến bộ qua từng năm, mình rất phấn khởi. Trước năm 2017, cả làng mình chỉ có 1-2 cháu học cấp III. Năm học 2019-2020, làng có 6 học sinh tốt nghiệp THCS. Đến nay, có 4 cháu học Trường THPT Hà Huy Tập và 2 cháu học Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Đông Gia Lai”.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Những năm qua, Trường Tiểu học và THCS Cao Bá Quát tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và triển khai các mô hình: “Xây dựng góc học tập tại nhà”, “Tiếng chiêng học bài ban đêm”. Thầy Huỳnh Văn Tạo-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Trường có 1 điểm trung tâm và 4 điểm trường làng; 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Để mô hình “Tiếng chiêng học bài ban đêm” mang lại hiệu quả, 2 năm đầu, nhà trường vận động cha mẹ học sinh cho con em mình tập trung tại các điểm trường làng vào buổi tối các ngày trong tuần, trừ những ngày nghỉ. Tại đây, giáo viên hướng dẫn học sinh ôn lại bài cũ, soạn bài mới. Khi đã tạo được thói quen, các em học sinh sẽ tự giác ôn bài tại nhà. Vào mỗi tối, Trưởng thôn đánh 1 hồi chiêng ngắn báo hiệu tất cả học sinh ngồi vào bàn học bài. Trưởng thôn phối hợp với giáo viên kiểm tra việc chấp hành giờ giấc học bài của các em”.
Em Đinh Thị Hối (bên phải; lớp 9A Trường Tiểu học và THCS Cao Bá Quát, xã Đak Song, huyện Kông Chro) ôn bài cùng em gái. Ảnh: Ngọc Minh
Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Cao Bá Quát (xã Đak Song, huyện Kông Chro) hướng dẫn học sinh ôn bài cũ, soạn bài mới tại điểm trưởng lãng. Ảnh: Ngọc Minh
“Mô hình “Tiếng chiêng học bài ban đêm” đã giúp học sinh nắm vững kiến thức, tiếp thu bài tốt hơn; khắc phục tình trạng nghỉ học giữa chừng. Đồng thời, mô hình còn thúc đẩy phong trào học tập tại nhà góp phần hạn chế tình trạng học sinh tụ tập, gây gổ mất an ninh trật tự ở xóm làng; việc học sinh tự ý nghỉ học ở nhà vào các dịp lễ hội của làng không còn... Nhờ đó, kết quả học tập của các em tiến bộ hơn. Năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp đạt 100%; tỷ lệ học sinh khá đạt 11,72%, cao hơn năm học trước 1,56%; học sinh đạt loại tốt là 88,28%, cao hơn năm học trước 0,13%; tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 99,4%. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh tiếp tục theo học ở các trường THPT năm sau cao hơn năm trước: năm học 2018-2019 là 59%, năm học 2019-2020 là 85,17%”-thầy Huỳnh Văn Tạo thông tin.
Ông Đỗ Xuân Dũng-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kông Chro-nhận xét: Mô hình “Tiếng chiêng học bài ban đêm” tại Trường Tiểu học và THCS Cao Bá Quát đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, cộng đồng và nhà trường; huy động được sức mạnh trong cộng đồng dân cư tham gia vào việc duy trì và từng bước nâng cao chất lượng học tập. “Thời gian tới, Phòng sẽ tổ chức cho các trường có điều kiện tương ứng tham quan, nhân rộng mô hình để kéo giảm khoảng cách về giáo dục giữa vùng trung tâm và nông thôn, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo của địa phương”-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kông Chro cho biết thêm.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm