Tiền tỷ xây chợ bỏ hoang, doanh nghiệp "khóc ròng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chi nhiều tỷ đồng đầu tư xây dựng chợ khang trang, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn. Thế nhưng, họ lại đang phải nai lưng ra trả tiền vay ngân hàng bởi chợ xây xong không có tiểu thương vào mua bán. Chính quyền hết cách, còn doanh nghiệp thì chịu trận, chỉ biết đứng nhìn cơ sở vật chất ngày một xuống cấp.
Doanh nghiệp nai lưng trả lãi
Từ thực trạng chợ tự phát tồn tại dai dẳng trên đoạn đường Trường Chinh (quốc lộ 14) gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, chính quyền TP. Pleiku đã kêu gọi xã hội hóa xây chợ phục vụ nhu cầu buôn bán của các tiểu thương ở phường Chi Lăng, xã Chư Hdrông và Ia Kênh. Cuối năm 2015, UBND tỉnh đã ký quyết định cho Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Phú Gia Lai đầu tư xây dựng chợ Chi Lăng (phường Chi Lăng) với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng, diện tích 13.000 m2, gồm các hạng mục: nhà lồng chợ phân thành 100 sạp, 22 ki ốt, khu vực nhà vệ sinh, chỗ tập kết rác thải. Chợ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2016. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động với số ngày đếm trên đầu ngón tay thì chợ rơi vào tình trạng vắng tanh cho đến nay. Lý do vì chợ tự phát gần đó không dẹp được, tiểu thương vào chợ buôn bán không có người mua nên lại kéo ra ngoài quốc lộ họp chợ.
Nhiều ki ốt ở chợ Chi Lăng (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đóng cửa vì không có người thuê
Nhiều ki ốt ở chợ Chi Lăng (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đóng cửa vì không có người thuê. Ảnh: M.N
Trao đổi với P.V, ông Hoàng Văn Trượng-Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Phú Gia Lai-cho biết: Gần 3 năm nay, ông chưa thu được đồng nào từ chợ nhưng vẫn phải trả tiền điện nước, tiền thuê bảo vệ canh giữ và đang ngày ngày phải gồng mình trả lãi ngân hàng. “Đến nay, số tiền vay mượn vẫn chưa trả được, trong khi chợ thì không có nguồn thu. Doanh nghiệp xoay xở đủ kiểu để trả lãi. Chỉ mong chính quyền góp sức cùng doanh nghiệp sớm đưa tiểu thương vào chợ, tránh chợ bỏ không mà người dân lại tràn ra quốc lộ mua bán vừa mất an toàn giao thông vừa gây lãng phí tiền của đầu tư của doanh nghiệp”-ông Trượng nói.
Cũng trong tình cảnh tương tự, cách đây hơn 9 năm, ông Nguyễn Tuấn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tuấn Nhung (thôn 1, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) đã bỏ tiền túi, vay thêm ngân hàng hơn 8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng chợ trung tâm xã Ia Krai. Từ khi xây xong đến nay, chợ không thu hút được tiểu thương vào buôn bán. Hậu quả là ông Tuấn phải nai lưng ra làm để trả nợ ngân hàng. Đến nay, số nợ vẫn còn hơn 1 tỷ đồng. “Năm 2011, lãi suất cho vay rất cao, từ 20% đến 22%/năm. Với khoản vay 4 tỷ đồng, mỗi năm tôi đóng lãi gần 1 tỷ đồng. Để gượng lại, gia đình vay mượn vốn để kinh doanh tạp hóa, lấy nguồn này trả lãi; rồi từ việc sửa chữa, mua bán xe máy tạo ra nguồn thu để trả dần tiền gốc vay ngân hàng. Đến nay, việc kinh doanh đã dần ổn định, tôi tận dụng mặt bằng phía trước chợ để phục vụ việc kinh doanh gia đình. Một số ki ốt, tôi cho người lao động thuê ở để kiếm thêm chút thu nhập”-ông Tuấn ngậm ngùi chia sẻ.
trong khi cách đó không xa, các tiểu thương họp chợ tự phát ngay bên lề quốc lộ 14 (ảnh nhỏ). Ảnh: M.N
Trong khi cách đó không xa, các tiểu thương họp chợ tự phát ngay bên lề quốc lộ 14. Ảnh: M.N
Chợ tiền tỷ bỏ hoang
Theo Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Phú Gia Lai, khi chợ Chi Lăng mới bắt đầu khởi công xây dựng, hàng trăm tiểu thương đến đăng ký vào buôn bán. Thậm chí, nhiều tiểu thương còn đặt cọc giữ chỗ. Tuy nhiên, hoạt động được vài hôm thì số người vào chợ buôn bán thưa dần. Mặc dù doanh nghiệp miễn phí trong vòng 6 tháng đầu, sau đó nâng lên 1 năm và hiện miễn phí hoàn toàn (chỉ thu tiền điện, nước) nhưng tiểu thương vẫn không vào buôn bán. Hiện chỉ vỏn vẹn chưa đến 10 tiểu thương mua bán cầm chừng trước cổng chợ với hy vọng chính quyền sẽ dẹp được chợ tự phát phía ngoài quốc lộ. 
Những ngày đầu đi vào hoạt động, chợ trung tâm xã Ia Krai cũng có khoảng 20 tiểu thương vào buôn bán. Tuy nhiên, chợ tự phát cách đó chưa đầy 1 km không được chính quyền địa phương quyết liệt giải tỏa khiến những hộ đăng ký vào chợ không trụ nổi quá 10 ngày, đành quay trở lại chỗ cũ. Từ đó trở đi, khu chợ có diện tích 10.000 m2, gồm 1 khu nhà lồng với nhiều gian hàng mua bán thực phẩm, 21 ki ốt, các khu trưng bày sản phẩm, chợ ngoài trời rơi vào cảnh “vắng như chùa bà Đanh”. Dù doanh nghiệp không thu tiền, tiểu thương cũng chẳng vào chợ. “Chính quyền địa phương cần quyết liệt giải tỏa chợ tự phát gần đó để các tiểu thương vào chợ mua bán. Phải coi đây như là tiền của Nhà nước bỏ ra xây dựng chợ thì mới có trách nhiệm lâu dài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tránh tình trạng để doanh nghiệp tự bơi, tự xoay xở”-ông Tuấn nêu ý kiến.
 Ông Nguyễn Tuấn-chủ đầu tư chợ trung tâm xã Ia Krai trao đổi cùng P.V. Hiện mặt bằng phía trước ngôi chợ bỏ hoang được ông Tuấn tận dụng kinh doanh xe máy. Ảnh: M.N
Ông Nguyễn Tuấn-chủ đầu tư chợ trung tâm xã Ia Krai trao đổi cùng P.V. Hiện mặt bằng phía trước ngôi chợ bỏ hoang được ông Tuấn tận dụng kinh doanh xe máy. Ảnh: M.N
Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-thừa nhận: Đến thời điểm này, chính quyền chưa có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp đưa các tiểu thương vào chợ ngoài việc vận động người dân không được buôn bán tự phát dọc theo tuyến quốc lộ. Biết doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi, mất công sức, tiền của, chính quyền cũng đã làm mọi cách, chỉ đạo các phường Chi Lăng, xã Ia Kênh và Chư Hdrông thường xuyên phối hợp lập lại trật tự khu vực này. Đặc biệt, không cho tiểu thương buôn bán trên quốc lộ vốn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các phường, xã liên quan tiếp tục vận động các tiểu thương vào chợ mua bán”-ông Quang cho biết.
Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa tiểu thương vào chợ mới, ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-khẳng định: Ngoài việc giao đất cho doanh nghiệp không thu tiền, chính quyền cũng đã nỗ lực vận động các hộ buôn bán ở khu vực chợ tự phát vào chợ mới. Huyện, xã cùng vào cuộc, liên tục triển khai lực lượng vận động, thậm chí cưỡng chế nhưng các tiểu thương vẫn không chịu vào. “Huyện rất áy náy khi kêu gọi doanh nghiệp xã hội hóa xây dựng chợ để rồi bỏ không, nhưng giờ cũng không biết phải xử lý thế nào vì đã làm mọi cách để giúp doanh nghiệp”-ông Tường cho biết.
Minh Nguyễn - Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Đồng chí Lâm Hải Giang đã tặng phần quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho UBND và các đơn vị của xã Ia Hrung. Ảnh: Hà Duy

Xã Ia Hrung tiếp tục khai thác dư địa để thu hút đầu tư

(GLO)- Tiếp tục khai thác dư địa để thu hút đầu tư, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đang triển khai trên địa bàn xã là một trong những chỉ đạo quan trọng của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Lâm Hải Giang tại buổi làm việc với Đảng uỷ, chính quyền xã Ia Hrung vào chiều 11-7.

Bất thường cổ phiếu LDG

Bất thường cổ phiếu LDG

Dù đang có tổng nợ vay lên tới 893 tỷ đồng, ghi nhận lỗ luỹ kế hơn 1.375 tỷ đồng và từng bị nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục nhưng cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư LDG vẫn tăng trần 5 phiên liên tiếp, từ 2.500 đồng lên 3.470 đồng/cổ phiếu.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn tiếp Tập đoàn Công nghệ SOS của Úc

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn tiếp Tập đoàn Công nghệ SOS của Úc

(GLO)- Ngày 1-7, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn đã có buổi làm việc với ông Greg Soster-Giám đốc Tập đoàn Công nghệ SOS (Úc) và đại diện Hiệp hội Du lịch Úc tại Việt Nam. Buổi làm việc nhằm trao đổi, tìm hiểu tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực du lịch, bất động sản và công nghệ xây dựng.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Doanh nghiệp kỳ vọng cuộc 'cách mạng hành chính'

Doanh nghiệp kỳ vọng cuộc 'cách mạng hành chính'

Chỉ còn 2 tuần nữa, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức vận hành trên cả nước. Một cuộc "cách mạng" tái cấu trúc toàn diện từ không gian địa lý đến bộ máy, con người... đang thổi một làn gió mới đầy hào hứng tới cộng đồng doanh nghiệp.

null