Thủy điện xả lũ gây thiệt hại nhưng không bồi thường dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Người dân thôn 3, xã Tân Lập, H.Kon Rẫy (Kon Tum) liên tục phản ánh thủy điện Thượng Kon Tum xả lũ khiến nhiều héc ta đất, hoa màu bị cuốn trôi theo dòng nước, nhưng hơn 7 tháng nay họ chưa nhận được sự hỗ trợ nào.

Anh Đức cho rằng thủy điện xả lũ khiến vườn mì của gia đình bị cuốn trôi, sạt lở. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Anh Đức cho rằng thủy điện xả lũ khiến vườn mì của gia đình bị cuốn trôi, sạt lở. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Theo phản ánh, sáng 11.10.2020, người dân thôn 3 nghe tiếng còi báo động xả lũ của thủy điện Thượng Kon Tum. Sau đó ít phút, lũ bắt đầu đổ về trên sông. Trong khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ sau, nước lũ đã nhấn chìm nhiều diện tích đồng ruộng, nương rẫy của bà con nằm sát bờ sông.
Ông Mai Văn Bình (52 tuổi, ở thôn 3) cho biết thủy điện xả lũ khiến hơn 1,2 ha cà phê của gia đình ông bị nhấn chìm trong nước. “Vườn cà phê của gia đình tôi thu từ 23 - 30 tấn mỗi năm. Vậy mà do thủy điện xả lũ, gia đình tôi chỉ thu được 5 tấn cà phê. Ngoài ra, do ngâm trong nước lũ lâu ngày nên cây bị thối rễ, đến nay có gần 1.000 cây cà phê có biểu hiện chết”, ông Bình nói.
Còn anh Mai Văn Anh (29 tuổi, ở thôn 3) cho hay sau khi thủy điện xả lũ, hơn 1 sào ruộng của gia đình anh bị cuốn trôi. Đã 7 tháng trôi qua, gia đình anh vẫn không hề nhận được tiền đền bù, hỗ trợ của thủy điện.
Theo thống kê của UBND xã Tân Lập, việc thủy điện Thượng Kon Tum xả lũ đã khiến 11 ha cây trồng gồm cà phê, lúa, mì của 26 hộ dân bị ảnh hưởng. Ông Trương Duy Đông, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho biết sau khi nhận đơn của người dân, UBND xã đã rất nhiều lần mời đại diện thủy điện đến làm việc. Xã cũng đã báo cáo lên UBND huyện nhưng sau đó UBND huyện lại giao cho xã thống kê thiệt hại và xác định nguyên nhân.
Theo ông Đông, do sự việc đã diễn ra từ lâu nên không có cơ sở để xác định nguyên nhân. Ngoài ra, xã cũng không đủ năng lực, cơ sở thẩm tra, xác định nguyên nhân. “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã gửi văn bản kèm theo đơn của người dân đến công ty thủy điện. Tuy nhiên phải đến lần thứ 3, phía thủy điện mới cử người đến làm việc. Trong cuộc làm việc, người dân cho rằng lỗi do thủy điện; còn phía thủy điện cho rằng xả lũ đúng quy trình”, ông Đông nói. Mặc dù vậy, phía thủy điện Thượng Kon Tum vẫn hứa sẽ hỗ trợ người dân một phần thiệt hại, khoảng 23 triệu đồng cho 26 hộ dân. Nhưng người dân cho rằng số tiền đền bù này không thỏa đáng.
Ngày 24.5, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum, cho biết sau khi nhận được phản ánh, Sở đã phối hợp với UBND H.Kon Rẫy làm việc với người dân. “Người dân đã đề nghị thủy điện Thượng Kon Tum hỗ trợ 100 triệu đồng. Hiện thủy điện Thượng Kon Tum đang xem xét để có biện pháp xử lý phù hợp”, ông Nhất nói.
Cuối tháng 2.2020, thủy điện Thượng Kon Tum và thủy điện Đăk Ne (thủy điện bậc thang, phía dưới thủy điện Thượng Kon Tum) chặn dòng tích nước trên sông Đăk Snghé đã khiến 108 ha cây trồng của người dân 2 xã Đăk Tơ Lung và Tân Lập (H.Kon Rẫy, Kon Tum) có nguy cơ chết khô. Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, thủy điện Thượng Kon Tum đã hỗ trợ 1,1 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng do hoạt động tích nước của thủy điện
Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.