Thương hiệu "Bò lai Hà Tam": Tại sao không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Đak Pơ có bề dày gần 40 năm kinh nghiệm chăn nuôi bò lai. Mặc dù quy mô tổng đàn bò chưa lớn nhưng chất lượng con giống luôn giữ vị trí tốp đầu khu vực. Đây cũng là tiền đề để Đak Pơ hướng tới xây dựng thương hiệu “Bò lai Hà Tam” và trở thành nơi cung cấp các giống bò tốt nhất.

Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, Nông trường chăn nuôi quốc doanh Hà Tam (nay là Trại giống vật nuôi Đak Pơ) đã hình thành và phát triển. Tại đây, đơn vị đã tiên phong thực hiện các đề tài lai cải tạo đàn bò, tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò lai, nuôi giữ nguồn gen. Đặc biệt, hàng năm, nơi đây cung cấp cho ngành chăn nuôi địa phương những con giống đạt tiêu chuẩn tốt nhất, góp phần gia tăng tỷ lệ đàn bò lai của Đak Pơ cả về số lượng và chất lượng. Điều này trở thành lợi thế then chốt để bò lai Đak Pơ luôn được định giá tốt, mang tính cạnh tranh cao trên thị trường bò giống, bò thịt được xuất đi các tỉnh.

 Đàn bò sinh sản của nông dân xã Hà Tam. Ảnh: Nguyễn Diệp
Đàn bò sinh sản của nông dân xã Hà Tam (huyện Đak Pơ). Ảnh: Nguyễn Diệp


Có thâm niên nuôi bò hơn 30 năm, ông Nguyễn Tin (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) bộc bạch: “Bò lai Đak Pơ được người chăn nuôi đánh giá cao. Thành ra, nuôi bò lai đạt tiêu chuẩn chất lượng thì sinh lợi đều đặn từ việc bán con giống là đương nhiên”. Lấy chăn nuôi bò lai làm gốc rễ để làm nên cơ nghiệp, ông Tin đã dồn hết công sức, tận dụng đồng cỏ tự nhiên, phụ phẩm từ cây mía, cây bắp để gầy dựng, chăm sóc đàn vật nuôi. Ông Tin bày tỏ: “Trong số nguồn thu từ nông nghiệp, có thể nói nuôi bò lai mang hiệu quả kinh tế rất ổn định nhờ chất lượng giống bò ở Đak Pơ. Hiện nay, tôi chỉ giữ đàn chừng 10 con để tập trung chăm sóc bò sinh sản bán con giống hoặc phối tinh nhân tạo vì được giá”.

Với lợi thế về nguồn giống bò chất lượng cao, hầu như gia đình nông dân nào tại Đak Pơ cũng lựa chọn nuôi bò như một hình thức tích lũy tài sản. Đây cũng là tiền đề thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò lai quy mô nhỏ lẻ rất phát triển trên địa bàn. “Năm 2002, khi lên Đak Pơ lập nghiệp là tôi bắt đầu trồng mía, bạch đàn và nuôi bò lai. Năm nào tiền bạc dư dả một chút thì tôi không bán bò giống mà để lại gầy đàn. Từ 2 con bò ban đầu, đến nay, gia đình tôi có 10 con”-ông Phạm Văn Trí (thôn 4, xã An Thành) chia sẻ. Lấy việc nuôi bò làm nguồn thu nhập chính nên ông Trí tuyển chọn kỹ từng con giống có chất lượng từ Trại giống vật nuôi Đak Pơ.

Năm 2021, tổng đàn bò lai toàn huyện là 15.975 con, tỷ lệ bò lai chiếm 85,5%. Trong cơ cấu đàn, có 50% bò lai Zebu, 50% bò lai hướng thịt Angus, Droughmaster, 3B, Charolais mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đak Pơ đặc biệt chú trọng thực hiện chương trình cung cấp giống bò đực, hỗ trợ lai cải tạo đàn bò cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện các dự án liên kết theo mô hình vỗ béo bò thịt, mô hình giống cao sản, liên kết chuỗi giá trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Nông dân Đak Pơ giàu kinh nghiệm chăn nuôi bò lai. Tuy nhiên, huyện chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đầu tư chăn nuôi quy mô lớn nên việc áp dụng công nghệ gặp khó khăn. Chúng tôi đã tham mưu giúp UBND huyện xây dựng định hướng đến năm 2025 tập trung phát triển chăn nuôi bò lai theo hướng công nghệ cao, sản xuất con giống chất lượng. Đồng thời, phát triển chăn nuôi bò thịt năng suất, chất lượng cao. Lấy doanh nghiệp làm đầu tàu liên kết với hộ chăn nuôi, trang trại, hợp tác xã nhằm xây dựng chuỗi giá trị; chuyển đổi phương thức từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung dựa vào điều kiện thế mạnh tại một số xã có khả năng phát triển đồng cỏ như Ya Hội, Yang Bắc, Hà Tam”.

Bên cạnh đó, địa phương cũng gắn định hướng phát triển của ngành chăn nuôi với xây dựng huyện Đak Pơ trở thành địa chỉ cung cấp các giống bò tốt nhất khu vực. Ông Lê Quang Vịnh-Phó Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, phụ trách Trại giống vật nuôi Đak Pơ-thông tin: “Hiện nay, chúng tôi đang duy trì tổng đàn bò thường xuyên 200 con, trong đó, bò sinh sản 100 con. Đồng thời, đơn vị xây dựng thành công nhiều mô hình chăn nuôi nông hộ, góp phần gia tăng tỷ lệ đàn bò lai của địa phương”.

Cũng theo ông Vịnh, thời gian tới, Trại giống vật nuôi Đak Pơ sẽ tiếp tục tăng quy mô đàn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về con giống tốt cho người dân trong huyện và vùng lân cận. Định hướng đến năm 2025, nâng quy mô đàn bò lên 500 con với 300 con bò cái sinh sản; đưa cơ cấu giống bò thịt chất lượng cao lên 50-70% tổng đàn. Tiếp thu và ứng dụng công nghệ cấy truyền phôi để tạo ra các giống bò cao sản, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh, khai thác tối đa hiệu quả chăn nuôi cũng như tiến tới xây dựng thương hiệu “Bò lai Hà Tam”.

 

 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Đổi đời trên quê mới

Đổi đời trên quê mới

(GLO)- Rời quê hương Thái Bình, Cao Bằng để đến với mảnh đất Ia Hla (huyện Chư Pưh), nhiều người mang theo ước mơ đổi đời. Qua bao thăng trầm, họ đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi ở địa phương.

Anh Thuế bên vườn cà phê tái canh của gia đình

Kiểm soát vật tư đầu vào phục vụ tái canh cà phê

(GLO)- Gia Lai hiện có hơn 106 ngàn ha cà phê. Theo kế hoạch, năm 2025, toàn tỉnh tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Hiện ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tăng cường kiểm soát chất lượng các vật tư đầu vào nhằm giúp nông dân thực hiện chương trình tái canh hiệu quả.

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

(GLO)- Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, cần chuyển hóa lợi thế nông sản địa phương thành năng lực cạnh tranh thực thụ để đủ sức vươn xa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (ảnh đơn vị cung cấp).

Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

(GLO)- Mặc dù mới “bén đất” Ia Pa (tỉnh Gia Lai) hơn 1 năm nay, song mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao, mở ra cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Các hộ dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97 tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah). Ảnh: Hữu Minh

Giống lúa TBR97 tại xã Ia Mlah ước đạt năng suất 80 tạ/ha

(GLO)- Sáng 26-4, tại xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung Tây Nguyên (trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed) tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ Lâm Đồng kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu

Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ Lâm Đồng kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu

Căn cứ văn bản đề nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc hỗ trợ địa phương kiểm soát chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu niên vụ năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng.