Cơ hội phát triển chăn nuôi bò lai ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được xem là cơ hội để nâng cao chất lượng đàn bò của tỉnh trong những năm tới.
Gia Lai là một trong những tỉnh có đàn bò lớn trong khu vực và cả nước với trên 384 ngàn con. Khoảng 90% số bò trên địa bàn tỉnh được chăn nuôi theo hình thức nông hộ. Vài năm trở lại đây, từ các nguồn hỗ trợ phát triển chăn nuôi, chất lượng đàn bò của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ bò lai chiếm trên 35% tổng đàn.
  Đàn bò sinh sản của ông Đào Sơn Hải. Ảnh: N.D
Đàn bò sinh sản của ông Đào Sơn Hải. Ảnh: N.D
Thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ động cấp trên 2.650 liều tinh đông lạnh những giống bò nhập ngoại chất lượng cao như: Brahman, Angus, BBB và Charolais cùng các trang-thiết bị cần thiết cho các huyện: Đak Pơ, Kông Chro, Đak Đoa, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Kbang và thị xã An Khê để hỗ trợ các hộ chăn nuôi phối giống nhân tạo đàn bò của gia đình. Việc này nhằm giúp các hộ nâng cao hiệu quả kinh tế từ đàn bò của gia đình.
Ông Đào Sơn Hải (thôn 3, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) cho biết: “Gia đình tôi chăn nuôi bò từ nhiều năm nay. Được sự hỗ trợ của nhà nước về nguồn tinh đông lạnh giống bò nhập ngoại, đến nay, đàn bò của gia đình tôi đã được lai hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống bò địa phương. Vừa rồi, được tuyên truyền về chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ, tôi lại tiếp tục đăng ký nhận tinh đông lạnh giống bò Brahman bởi giống này thích nghi tốt điều kiện chăn nuôi của địa phương từ nhiều năm nay”.
Đánh giá về kết quả triển khai hỗ trợ nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn xã Hà Tam, ông Thái Võ Trung-cán bộ thú y xã-cho biết: Qua hơn 2 tháng triển khai chương trình hỗ trợ tinh, nitơ lỏng cùng các dụng cụ cần thiết, nhiều hộ chăn nuôi bò ở địa phương đã tham gia. Đến nay, khoảng 40 con bò cái đã được phối giống nhân tạo. Dự kiến từ nay đến cuối năm, số bò cái được phối giống nhân tạo sẽ tăng thêm 30-40 con nữa.
Chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ được triển khai chưa lâu nhưng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều hộ chăn nuôi bò ở các địa phương như: Kbang, Kông Chro, An Khê, Đak Đoa... Nhiều hộ đã đăng ký với chính quyền địa phương để được thụ hưởng các mức hỗ trợ của Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng đàn bò của gia đình. Theo ông Nguyễn Trọng Khải-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đak Đoa: Những năm qua, các chương trình hỗ trợ lai cải tạo đàn bò của huyện đã phát huy hiệu quả rất tốt. Vừa rồi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ tinh, nitơ lỏng và các dụng cụ phối giống bò ngoại chất lượng cao cho một số hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện. Hàng tuần, dẫn tinh viên của huyện cũng đã chủ động xuống các xã, thị trấn để phối giống nhân tạo cho đàn bò của các hộ chăn nuôi.
Trao đổi với P.V, ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho biết: Các giống bò ngoại lai hướng thịt có rất nhiều ưu điểm so với bò địa phương như tầm vóc lớn, tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt tinh cao… nên người dân cần lựa chọn đưa vào chăn nuôi. Những năm trước, tỉnh cũng đã triển khai các dự án lai cải tạo đàn bò mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Năm nay, việc triển khai chương trình hỗ trợ chăn nuôi nông hộ sẽ là tiền đề lớn để người chăn nuôi các địa phương tiếp cận đẩy mạnh lai cải tạo đàn bò, góp phần nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi trong những năm tới.
 Nguyễn Hồng

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.