Học sinh có đeo khẩu trang trong trường học hay không tại sao lại hỏi phụ huynh? Vậy thì các nhà khoa học đi đâu, các nhà quản lý ở đâu?
“Theo ý kiến của cha mẹ học sinh, trẻ em/học sinh có đeo khẩu trang trong trường khi đi học trở lại hay không?”, đó là câu hỏi khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh việc đeo khẩu trang trong trường học nhằm phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM.
Xin ý kiến phụ huynh, tưởng như rất tôn trọng người dân, lấy phiếu khảo sát tưởng như rất khoa học, nhưng thực chất là rất phi khoa học và phi lý.
Đeo khẩu trang có cần thiết không, đó là việc của cơ quan quản lý, của ngành y tế, của các nhà khoa học, sao lại hỏi dân?
Dân chúng trăm họ, có người là kỹ sư, có người bác sĩ, có người công nhân, có người nông dân, cũng có thể có người am hiểu nhưng cũng nhiều người không rành thì làm sao có thể trả lời được đeo khẩu trang có thể phòng dịch COVID-19 hay không?
Việc này, các cơ quan quản lý phải có kết luận từ cơ quan chuyên môn khoa học, rồi đưa ra quyết định. Nếu thấy cần thiết thì bắt buộc học sinh phải đeo khẩu trang trong trường học, nếu thấy không cần thiết thì không bắt buộc. Xin lưu ý, chỉ "không bắt buộc", bởi vì học sinh có thể mang khẩu trang, đó là quyền của các em, cũng giống như không ai bị cấm đeo khẩu trang.
Trước đó, TPHCM từng đưa ra những câu hỏi để lấy ý kiến của cha mẹ học sinh về việc đi học lại của học sinh. Cách làm này rất không thuyết phục. Bởi lẽ, các cơ quan quản lý phải biết có an toàn hay không để đưa ra quyết định cho học sinh đi học, không thể đổ trách nhiệm cho phụ huynh.
Chẳng lẽ dịch có được kiểm soát hay không là do ý chí của phụ huynh chứ không phải từ thực tế phòng chống dịch của các cơ quan quản lý. Chẳng lẽ, đi học có an toàn hay không là do kết quả từ phiếu thăm dò chứ không phải kết quả khoa học được kết luận thông qua hoạt động phòng chống dịch.
Từ hai lần lấy ý kiến phụ huynh, cho thấy đó là những lá phiếu thăm dò nhưng thực chất là đẩy trách nhiệm về cho phụ huynh, trong khi phần việc đó thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Có những việc cần hỏi ý kiến dân thì phải hỏi nhưng có những việc thuộc trách nhiệm của chính quyền thì phải đưa ra quyết định và dám chịu trách nhiệm. Việc có bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong trường hay không, đi học trở lại ngày nào là quyền quyết định của lãnh đạo chính quyền, không phải của phụ huynh.
Trước họa COVID -19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói "chống dịch như chống giặc". Giặc tới thì phải đánh, có hỏi dân thì dân cũng nói "chiến" như Hội nghị Diên Hồng. Dân quyết chiến, nhưng đưa ra chiến lược, chiến thuật đánh giặc để chiến thắng cuộc chiến là của các nhà lãnh đạo.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)