Thủ tướng yêu cầu nhất quán quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; chú trọng giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam, thị trường ngoại hối, không để biến động bất lợi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Chiều 1/4, kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ thời gian qua, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 đã chỉ đạo kiên quyết từ trước, trong và sau Tết với nhiều biện pháp kịp thời, quyết liệt. Do đó, nhiệm vụ này bước đầu đạt được những thành công quan trọng, được các cấp, các ngành và nhân dân ủng hộ, quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian, công sức để chỉ đạo vấn đề này. Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lớn của Chính phủ là xác định cần làm quyết liệt hơn nữa để cố gắng, trong vòng 1 tháng tới không để dịch lây lan, bùng nổ.
"Cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn kết, muôn người như một"; triển khai các chủ trương, biện pháp mà Đảng, Nhà nước đã đề ra trong phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần tiếp tục “khóa chặt bên ngoài," trừ những trường hợp đặc biệt.
Đi liền với đó là “khoanh lại ổ dịch bên trong” để phát hiện rốt ráo, tìm dấu vết; tiến hành cách ly nghiêm túc, đủ thời gian; điều trị tốt, hạn chế tối đa tử vong do dịch bệnh.
Chỉ đạo trong quý 2, nhiệm vụ hàng đầu là công tác an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng liên quan chú ý bảo đảm an ninh trật tự cho cuộc sống của người dân.
Về tình hình kinh tế xã hội tháng Ba và quý 1/2020, Thủ tướng nhận xét một số địa phương có thành tích tốt hơn như Hải Phòng, Hà Nội, tuy nhiên có địa phương đạt quá thấp như thành phố Hồ Chí Minh. Vấn đề này cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới.
"Tiếp tục quyết liệt, kiên trì phấn đấu, không để nền kinh tế bị đổ gãy," để đạt mức tăng trưởng cần thiết đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng định hướng và gợi ý đẩy mạnh các công cụ kinh tế cần áp dụng trong thời gian này như kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí và giảm chi tiêu công...
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo có mức hỗ trợ phù hợp cho người lao động, người nghèo, nhất là người yếu thế, mất việc. Như “một chiếc lò xo bật lên," chuẩn bị tinh thần "gánh vác thời cơ, biến nguy thành cơ” để tăng trưởng trong thời gian sớm nhất.
Về những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu nhất quán quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; chú trọng giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam, thị trường ngoại hối, không để biến động bất lợi; xác định kịch bản điều hành. Đặc biệt, cần kiên quyết giảm giá thịt lợn, không tăng giá dịch vụ thiết yếu, đề xuất phương án giảm giá một số dịch vụ thiết yếu; giảm chi phí hành chính, chia sẻ cho người dân trong thời điểm dịch COVID-19.
Thủ tướng hoan nghênh EVN và Bộ Công Thương có phương án giảm giá điện và đề nghị tiếp tục giảm giá các mặt hàng thiết yếu khác; không được tăng giá trong thời điểm này.
Về tài chính ngân sách, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các giải pháp về mức thuế, phí, lệ phí, lãi suất. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, giảm thiểu chi phí hội nghị, công tác nước ngoài…và đảm bảo đủ kinh phí phòng, chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ mọi cấp, mọi ngành giải ngân vốn đầu tư công; xử lý hành chính hoặc chuyển vốn đối với những dự án không giải ngân đúng hạn.
Về vấn đề lương thực, cần đảm bảo diện tích sản lượng, cân đối hợp lý giữa các vùng miền; xây dựng kịch bản sản xuất nông nghiệp. Xuất khẩu lương thực phải đảm bảo có kiểm soát chặt chẽ, sao cho đảm bảo trong nước không bao giờ thiếu lương thực nhưng cũng giải quyết vấn đề giá cho người dân.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho các dự án có quy mô lớn, nhất là 12 dự án thua lỗ để sớm đi vào sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh giảm chi phí hoạt động để giảm giá thành sản phẩm; mở rộng thị trường trong nước.
Thủ tướng yêu cầu không vì kiềm chế lây nhiễm bệnh trong thời gian ngày mà tiến hành "ngăn sông cấm chợ," phải đảm bảo hàng hóa lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Về vấn đề thị trường bất động sản, Thủ tướng phân tích hiện mặc dù vẫn còn tồn dư nhiều nhưng phân khúc thị trường nhà ở xã hội lại vẫn chưa đủ cung cấp cho người có nhu cầu.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh triển khai các dự án trọng điểm đúng tiến độ bằng các hình thức phù hợp. Tăng cường cải cách, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, khẩn trương xây dựng, chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội; thành lập Ban Chỉ đạo để tháo gỡ các thể chế còn vướng mắc do Phó Thủ tướng Thường trực phụ trách; rà soát chí phí đẩy mạnh cải cách dịch vụ hành chính.
Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này. Có phương án giảm thiểu chương trình học của năm nay; nghiên cứu phương án thi tốt nghiệp phổ thông và Đại học phù hợp.
Đây là thơi cơ vàng để bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề thông qua đào tạo trực tuyến, Thủ tướng lưu ý, đồng thời đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ ứng dụng vào thực tế, nhất là trong ngành y tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị tốt cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 vào tháng 6/2020; sớm hoàn tất thủ tục trình Quốc hội thông qua EVFTA; tăng cường hơn nữa công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.
Về chủ trương đối với vấn đề an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh đến nguyên tắc chỉ hỗ trợ đối với những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc, không đảm bảo mức sống tối thiểu do COVID-19 gây ra, không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Quá trình triển khai cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, chia sẻ khó khăn với người dân; đồng thời xác định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và bố trí nguồn lực hợp lý giữa Trung ương và địa phương.
Tại phiên họp, Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp tăng cường giảm giá các mặt hàng dịch vụ như giá điện, giá nước, giá Internet, cước viễn thông; song hành cùng các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ người dân trong bối cảnh khó khăn từ dịch bệnh.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát phương án gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất theo hướng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)