Thu nhập khá nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau gần 1 năm chuyển 5 sào đất trồng cà phê sang trồng dâu nuôi tằm, gia đình ông Phan Văn Định (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah, Gia Lai) đã có nguồn thu nhập khá ổn định. Ngoài ra, ông còn đầu tư nuôi đông trùng hạ thảo từ nhộng tằm, hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao.
Từ trồng dâu nuôi tằm...         
Gia đình ông Định có 5 sào đất trồng cà phê. Do vườn cây già cỗi nên sản lượng thu hoạch ngày càng ít, giá cả lại xuống thấp nên thu nhập chẳng đáng là bao. Sau khi dành thời gian tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp, đầu năm 2019, ông quyết định chuyển diện tích cà phê sang trồng dâu nuôi tằm. Cùng với đó, ông đầu tư 40 triệu đồng xây dựng khu nhà nuôi tằm khoảng 60 m2. Sau 4 tháng xuống giống, khi vườn dâu lên xanh tốt, ông bắt tay nuôi lứa tằm đầu tiên với 2 hộp giống. Chỉ sau 15 đến 20 ngày nuôi, gia đình ông đã thu hoạch được hơn 100 kg kén, bán lãi 9 triệu đồng. Hiện nay gia đình ông đang bắt đầu nuôi lứa tằm thứ 2.
Ông Định cho biết: Nuôi tằm không khó nhưng phải nắm được đặc tính của tằm để có cách chăm sóc phù hợp. Sau mỗi lần thu hoạch kén cần vệ sinh chuồng trại và các dụng cụ sạch sẽ. Vì vậy, sau khi nhập tằm giống về phải cho ra nong (mỗi hộp giống cho ra khoảng 3-4 nong). Trước đó, ông phải khử trùng nong bằng vôi bột để phòng bệnh cho tằm. Khi tằm còn nhỏ phải thái nhỏ lá dâu cho tằm ăn. Nhà nuôi tằm phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp và cho tằm ăn 4 lần/ngày.
 Hội viên nông dân tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình ông Phan Văn Định (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah). Ảnh: L.H
Hội viên nông dân tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình ông Phan Văn Định (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah). Ảnh: L.H
Đến nuôi đông trùng hạ thảo từ nhộng tằm
Sau khi thành công với mô hình trồng dâu nuôi tằm, ông Định quyết định đầu tư nuôi đông trùng hạ thảo từ nhộng tằm bằng hình thức nuôi cấy mô. Ông chia sẻ: “Qua tìm hiểu, tôi biết đông trùng hạ thảo là loại dược liệu quý hiếm có thể chữa được nhiều bệnh, là thành phần không thể thiếu để bào chế nhiều loại thuốc khác nhau. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn đầu tư gần 300 triệu đồng mua máy móc và công nghệ rồi bắt tay vào trồng thử nghiệm”.
Theo ông Định, quy trình nuôi đông trùng hạ thảo rất khó, phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều khâu khác nhau. Trước hết phải chuẩn bị hệ thống lọc khí, điều hòa nhiệt độ cho nhà nuôi. Giá thể để nuôi có thể tận dụng sản phẩm như: gạo lứt, khoai tây, giá đỗ, bột nhộng tằm có bổ sung một số vi lượng thiết yếu hoặc ký sinh vào sâu non (nhộng tằm) và phải được hấp tiệt trùng. Sau khi cấy giống, giá thể phải đưa vào buồng tối trong 7 ngày. Tiếp đó, giá thể được đưa vào phòng tiêu chuẩn đảm bảo nhiệt độ 17-18 độ C, độ ẩm 85%, khoảng 65-70 ngày thì thu hoạch.
Nắm rõ quy trình là vậy nhưng ông Định vẫn thất bại với mẻ nấm đông trùng hạ thảo đầu tiên. Thấy khó quá, những người thân trong gia đình đã khuyên ông từ bỏ mô hình này. Riêng ông vẫn không nản, quyết tâm theo đuổi đến cùng. Rút kinh nghiệm từ đợt thử nghiệm, ông Định tiếp tục trồng 100 hộp. Lần này, nấm đông trùng hạ thảo phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 80%.
Hiện nay, đông trùng hạ thảo khô có giá 120 triệu đồng/kg; đông trùng hạ thảo tươi giá 400.000 đồng/100 gram. Với giá cả như vậy, nếu mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo thành công sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho gia đình ông Định. Ông tâm sự: “Tôi đang tiến hành các bước đăng ký để xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm đông trùng hạ thảo của mình và mong muốn người tiêu dùng sẽ biết đến sản phẩm này nhiều hơn. Qua đó, góp phần vào sự phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương”.
Đánh giá về mô hình trồng dâu nuôi tằm và nuôi đông trùng hạ thảo của gia đình ông Định, bà Nguyễn Thị Hoa-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ia Ly-cho biết: Đây là mô hình phát triển kinh tế còn khá mới trên địa bàn thị trấn cũng như huyện Chư Pah. Thực tế cho thấy mô hình đã có những thành công nhất định. Đối với mô hình trồng dâu nuôi tằm, Hội Nông dân sẽ phối hợp với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang hình thành chuỗi liên kết sản xuất với một số hộ dân trên địa bàn có ý định tham gia thực hiện. Trong đó, Công ty sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, con giống và bao tiêu sản phẩm. “Còn sản phẩm đông trùng hạ thảo, chúng tôi đang chờ kết quả kiểm định của cơ quan chức năng. Nếu đảm bảo về mặt chất lượng, chúng tôi sẽ cùng với gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của thị trấn Ia Ly và đề nghị cấp trên quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo của ông Định phát triển hơn nữa trong thời gian tới”-bà Hoa nói.
 LÊ HẢI

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.