(GLO)- Chiều 6-9, kỳ họp thứ hai-HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục làm việc với các nội dung về tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm 2016 và kế hoạch dự toán ngân sách năm 2017; xem xét nội dung của các tờ trình do Thường trực HĐND và UBND tỉnh trình tại kỳ họp.
Thu ngân sách nhà nước tăng 6,9%
Năm 2016, Gia Lai chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, thế nhưng UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp thu ngân sách như: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, rà soát các khoản thuế, tăng cường công tác thu hồi nợ đọng thuế… Nhờ đó, công tác thu ngân sách đảm bảo đạt tiến độ thu theo dự toán đề ra (đạt 111,2% dự toán Trung ương giao, đạt 103,7% dự toán HĐND tỉnh và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015).
Ảnh: Trần Dung |
Báo cáo tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh: “Trong năm 2016 có nhiều khoản thu vượt tiến độ, như: thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 31 tỷ đồng (đạt 344,4% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 79,3% so với cùng kỳ); khoản thu lệ phí trước bạ ước đạt 190 tỷ đồng (đạt 116,6% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao, tăng 6,8% so với cùng kỳ); thuế thu nhập cá nhân ước thực hiện 219 tỷ đồng (đạt 106,8% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao, tăng 10,2% so với cùng kỳ); thuế bảo vệ môi trường ước thực hiện 460 tỷ đồng (đạt 107% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao, tăng 50,6% so với cùng kỳ)…”.
Tuy nhiên, đầu năm 2016, do ảnh hưởng nắng hạn kéo dài cũng như việc áp dụng thực hiện chính sách thuế mới nên có một số khoản thu không đạt so với dự toán đề ra, như: thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương ước cả năm thực hiện 35 tỷ đồng (đạt 74,5% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 31% so với cùng kỳ); thu phí và lệ phí ước thực hiện 58 tỷ đồng (bằng 96,7% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao, tăng 4,6% so với cùng kỳ)…
Tất cả 17/17 huyện, thị xã, thành phố đều đạt kế hoạch thu ngân sách. Cụ thể: huyện Krông Pa đạt 224,7% dự toán, huyện Chư Pah đạt 172,3% dự toán, thành phố Pleiku đạt 120,3% dự toán, huyện Phú Thiện đạt 108,4% dự toán…
Ông Thái Thanh Bình-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Ayun Pa cho biết: “Ước thực hiện dự toán thu ngân sách trên địa bàn thị xã đạt trên 166%. Trong đó, nguồn thu từ việc thu tiền sử dụng đất tăng, đặc biệt là mức thu phí bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel vừa có hiệu lực thi hành khiến số thu ở lĩnh vực này tăng đột biến. Ngoài ra, ngay đầu năm, thị xã đã chủ động phân chia nguồn thu cụ thể cho từng địa phương, tránh việc bỏ sót nguồn thu. Tạo ra nhiều nguồn thu bằng cách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Công tác thu hồi nợ đọng cũng được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, nhất là các đơn vị chây ỳ nợ thuế”.
Một số tờ trình bám sát thực tiễn
Bám sát các yêu cầu đặt ra trong tình hình thực tiễn, hầu hết 39 tờ trình trình kỳ họp lần này đề cập về các nội dung liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cũng như những vấn đề bức thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, nhiều vấn đề quan trọng trên các lĩnh vực khác nhau đã được thông qua tại các tờ trình, như: tờ trình về quy định mức trợ cấp đặc thù cho công chức, viên chức, người lao động tại Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội; tờ trình về thông qua mức hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế năm 2017 cho một số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; tờ trình về phê duyệt tổng chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Gia Lai năm 2017; tờ trình thông qua quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; tờ trình về việc ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân nhằm khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai…
Các đại biểu lắng nghe tờ trình. Ảnh: Trần Dung |
Nói về tờ trình đề nghị mức hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế năm 2017 cho một số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho hay: “Trên cơ sở kết dư quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2015 gần 48 tỷ đồng (số 20% kết dư quỹ BHYT để lại cho tỉnh), ngành BHXH tỉnh cùng các ngành Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Giáo dục-Đào tạo đã đề xuất UBND tỉnh sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ khám-chữa bệnh năm 2016 để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT năm 2017 cho một số đối tượng”. Dự kiến số 20% kết dư quỹ BHYT năm 2016 để lại cho tỉnh hơn 32,3 tỷ đồng. Trong số này, hơn 22,3 tỷ đồng được đề nghị hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm còn lại cho 19.347 người thuộc hộ cận nghèo, tăng mức hỗ trợ này lên 100%; hỗ trợ thêm 20% mức đóng BHYT cho 88.701 người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình lên thành 50%; Hỗ trợ thêm 20% mức đóng BHYT cho 53.000 học sinh, sinh viên thuộc các gia đình đông con gặp nhiều khó khăn về kinh tế lên thành 50%.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, sắp tới Nghị định 105/2014 sẽ thay đổi, mức hỗ trợ đóng BHYT cho tất cả các đối tượng trên sẽ được nâng lên bằng với mức đề xuất hiện tại. Khi những sửa đổi của Nghị định này có hiệu lực, ngành Bảo hiểm sẽ tiếp tục đề xuất điều chỉnh mức đóng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng trên.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Minh Thuận-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cũng có tờ trình đề nghị thông qua quy định khoảng cách và địa bàn để xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh ở các trường phổ thông dân tộc bán trú. Theo đó, học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn đang theo học các trường thuộc xã khu vực III hoặc học sinh có hộ khẩu thường trú tại khu vực III đang theo học các trường thuộc xã khu vực II… Học sinh THPT là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại khu vực III, nhà xa trường trên 10 km… sẽ được hưởng các chế độ theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ.
Tờ trình thông qua quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 toàn tỉnh có 1.900 ha đất canh tác để sản xuất rau an toàn, trong đó vùng sản xuất tập trung có quy mô 570 ha; mục tiêu phấn đấu đưa việc sản xuất rau trở thành một ngành phát triển theo hướng chuyên canh, mang lại thu nhập cao. Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, tiến tới sản xuất rau sạch đảm bảo cung cấp rau an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh…
Hôm nay ngày 7-12 kỳ họp thứ hai-HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phần thảo luận tổ tại 8 tổ.
Minh Dung