Thú chơi hoài cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Gia Lai, thú chơi hoa hồng cổ rộ lên chừng 3-4 năm trở lại đây và đã hoàn toàn chinh phục những người hoài cổ.

Loài hoa cổ tích

 

Một bông hồng cổ Đà Lạt. Ảnh: Lê Hòa
Một bông hồng cổ Đà Lạt. Ảnh: Lê Hòa

“Thú chơi hoa hồng cổ nhập cuộc ngay từ những ngày đầu rộ lên phong trào chơi hoa hồng tại Gia Lai. Giữa thời hoa hồng ngoại “lên ngôi” như hiện nay, hồng cổ tất nhiên cũng tự phân định một dòng người chơi khác biệt. Đa phần người chơi săn lùng mua những giống hồng cổ quý ở Sa Pa, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt… Đó là những giống hoa quý, trải qua quá trình lâu dài thích nghi với vùng đất bản địa nên tất nhiên vẻ đẹp của chúng cũng trở nên độc đáo, đặc biệt”-anh Mai Quốc Trưởng-chủ Doanh nghiệp tư nhân Hoa Ngọc Đăng (phường Trà Bá, TP. Pleiku), chuyên kinh doanh cây hoa cảnh, chia sẻ.

Là người yêu hoa hồng, anh Trưởng nắm khá rõ “gu” chơi của người Gia Lai đối với loài hoa xinh đẹp này, tất nhiên không ngoại trừ hồng cổ. “Tôi từng đón những vị khách sành chơi hoa hồng cổ tìm đến. Họ đặt vấn đề tìm những gốc hồng không chỉ thuộc giống hồng cổ, mà còn phải có tuổi đời hàng chục năm. Giá cả tất nhiên là rất cao, lên đến hàng chục triệu đồng/gốc”-anh Trưởng kể. Để thực hiện những hợp đồng như thế, anh phải đi đến tận nơi tìm được gốc hồng như ý và phải tìm hiểu thật kỹ thông tin từ người trồng, người xung quanh để xác định được chính xác độ tuổi của cây. Tiếp đó là hành trình di thực và nuôi trồng sao cho cây thích nghi với điều kiện môi trường sống mới rồi mới giao cho khách. Vì có giá đến hàng chục triệu đồng, những gốc như vậy phải kèm thời gian bảo hành và trách nhiệm chăm sóc, bảo đảm cho gốc cây sống, đơm hoa đẹp trong một thời gian nhất định.

Sở hữu bộ sưu tập lên đến hàng chục loại hoa hồng cổ, ông Trần Ngọc Khuê (bộ đội về hưu, trú tại nhà số 370 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) đã biến khoảnh vườn nhỏ phía sau nhà thành nơi “cư ngụ” của những chậu hoa hồng, trong đó đa phần các giống hồng cổ. Đứng trước mỗi gốc hồng cổ, ông vanh vách nêu ra những đặc trưng của nó. “Đây là giống hồng nhung cổ Đà Lạt, vì là hoa hồng xứ lạnh nên tiết trời càng lạnh hoa sẽ càng đẹp. Ngay viền cánh hoa được phủ bởi lớp màu nhung đen rất lạ, tạo cho bông hoa có vẻ đẹp huyền bí, kiêu sa. Trời nắng càng to, ánh màu đen dần biến mất…

Còn giống hồng cổ Hải Phòng cùng là màu đỏ nhung nhưng trên đời này chẳng loài hoa hồng nào có ánh tuyết nhung đẹp như nó. Dưới ánh mặt trời buổi sớm mai khi cánh hoa còn đọng sương đêm, nhìn kỹ cánh hoa lấp lánh tựa hồ được gắn ngàn vạn viên kim cương siêu nhỏ. Mỗi bông hoa hồng cổ Hải Phòng bung nở có thể tươi đến 20 ngày nếu được chăm sóc tốt… Còn bạch hổ có hoa rất đẹp và thơm, cánh hoa còn dùng để chữa ho rất hiệu quả. Hay bạch trà trắng muốt, bền hoa và dùng để ướp hương trà. Hồng cổ Sa Pa thì cánh mỏng manh, hương thơm dịu nhẹ, quyến rũ”-hàng chục loại hoa hồng cổ được ông Khuê liệt kê với những đặc tính nổi bật nhất.

Chuyện hoa, chuyện người…

 

Ông Khuê đang chăm sóc cho một gốc Tường Vy. Đây là loài hoa được nhiều người nhận định là một giống hồng cổ bản địa của vùng Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa
Ông Khuê đang chăm sóc cho một gốc Tường Vy. Đây là loài hoa được nhiều người nhận định là một giống hồng cổ bản địa của vùng Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa

Bước vào thế giới hoa hồng mới thấy chúng mênh mông, phong phú chẳng kém bất cứ loài nào trên đời. Con người ưu ái phong tặng hoa hồng là loài hoa tượng trưng cho tình yêu, bởi vẻ đẹp của nó xứng đáng là hiện thân cho thứ tình cảm đẹp đẽ nhất của con người. Và cũng bởi thế, người ta yêu hoa hồng, đam mê với thú chơi hoa hồng cũng là điều dễ hiểu. Ông Khuê tâm đắc: “Tôi chơi hoa cho thỏa đam mê, vợ và con gái cũng thi thoảng vừa được ngắm hoa, vừa có thể dùng cánh hoa hồng pha với nước ấm để rửa mặt, tắm… Cháu nhỏ khi đau ốm nhẹ cũng có nhiều bài thuốc rất hiệu nghiệm từ hoa hồng”. Ngoài vườn hồng, ông Khuê còn sở hữu một quán cà phê nhỏ, vừa để kinh doanh vừa là nơi bạn bè tụ họp hàn huyên. Mỗi kỳ hoa hồng nở rộ, ông lại hái hoa hồng cổ cắm vào những chiếc lọ nhỏ trang trí cho không gian cà phê thêm độc đáo, ấn tượng. “Chỉ cần mỗi bàn một bông thôi cũng đủ ướp hương thơm ngát cả quán nhỏ này. Mùi hương hồng cổ thoang thoảng quyện với mùi cà phê-đó là khoảnh khắc tôi cảm thấy thật thư thái, hạnh phúc. Khách đến quán cũng có nhiều người mê thích mùi hương này”-ông Khuê tâm sự.

Theo ông, chăm sóc hồng cổ không khó, nếu người chơi có điều kiện chăm sóc kỹ thì có thể tưới 1-2 lần vào 2 buổi sớm tối để cung cấp độ ẩm cho cây. Những giống cổ khi đã thích nghi thì thậm chí có bị “bỏ quên” chăm sóc một thời gian, cây vẫn sống tốt. Có cây chẳng may bị sâu ăn trụi lá nhưng vẫn phục hồi mạnh mẽ. “Nó có sức mạnh, sự bền bỉ một cách đáng kinh ngạc chứ không đỏng đảnh như nhiều loại cây hoa cảnh khác”-ông Khuê nhấn mạnh.

Mảnh đất Gia Lai cũng sở hữu giống hồng cổ Tường Vy rất đẹp. Anh Mai Quốc Trưởng chia sẻ: “Tôi đã dặm trường lăn lộn với các giống hoa hồng trong Nam ngoài Bắc nhưng Tường Vy ở Gia Lai được trồng nhiều nhất và đẹp nhất. Mặc dù chóng tàn nhưng Tường Vy không kén đất, sai hoa và hoa rất thơm. Điều thú vị là, Tường Vy có thể trồng theo dạng bụi khóm, cũng có thể làm giàn cho leo”. Tại Gia Lai, anh Trưởng từng săn lùng được những gốc Tường Vy lên đến 30-40 năm tuổi.

 

“Tôi yêu hồng cổ bởi nó đẹp-một vẻ đẹp của niềm hoài cổ, nhẹ nhàng, sâu lắng, không hào nhoáng. Giá trị của chúng đã được khẳng định qua hành trình hàng trăm năm gắn bó, sinh tồn với những miền đất Việt, tạo nên nhiều phẩm chất quý giá”-ông Trần Ngọc Khuê.

Từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, trong cơn sốt giá cà phê, anh Trưởng đã rời vùng quê Hải Dương để “Nam tiến” với hy vọng tạo lập một trang trại cà phê. Nhưng rồi giá cà phê lao dốc, trang trại 15 ha dần trở thành gánh nặng. “Tôi nghĩ mình không có duyên khi theo phong trào. Nhớ lại ngày còn nhỏ, tôi đã từng mơ ước có một trang trại hoa bởi bố tôi vốn là nhà giáo nhưng mê hoa hồng, khuôn viên ngôi nhà luôn ngập trong mùi hương và màu sắc hoa hồng. Vậy là tôi bắt đầu lại từ hoa hồng, từ chính niềm đam mê thôi thúc tôi từ nhỏ”. Cơ sở “Rừng hồng” nơi ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám-Tôn Thất Tùng (TP. Pleiku) ra đời từ đó. Đến nay, cơ sở cung ứng hàng ngàn chậu giống hoa hồng các loại cho người yêu hoa trong tỉnh. Được ủng hộ, anh dần mở sang các lĩnh vực hoa khác: hoa lan cấy mô, mai bonsai… Và Doanh nghiệp tư nhân Hoa Ngọc Đăng là đứa con tinh thần ra đời sau những thăng trầm nơi miền đất mới.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm