Thiền và hành trình tìm đến sự bình yên cho người trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày nay, giữa những ồn ào, áp lực của cuộc sống, nhiều bạn trẻ đã dành thời gian tìm hiểu và tham gia các khoá thiền để giữ khoảng lặng cho chính mình.

Sau nhiều năm mất định hướng trong công việc và tương lai, cuối năm 2023, Lưu Huệ Linh (thôn 2, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) quyết định nghỉ việc để tìm cho mình một hướng đi mới. Để thật sự có thể nhìn thấu những mong muốn của bản thân mình, Linh quyết định tìm đến thiền định. Tuy nhiên, vì đã nghe nhiều hậu quả của việc tự tập thiền sai cách, Huệ Linh đã nghe bạn bè giới thiệu đến một khoá thiền tại TP. Thủ Đức.

Theo Huệ Linh chia sẻ, đây là một khoá thiền Vipassana kéo dài 10 ngày và có khoảng 50 người tham dự. Trong quá trình tham gia khóa thiền, mọi người đều bị thu điện thoại và thực hiện 10 ngày tịnh khẩu (không giao tiếp trong 10 ngày). Một ngày ở khoá thiền sẽ bắt đầu vào 4 giờ sáng và kết thúc lúc 9 giờ đêm, với khoảng hơn 10 tiếng hành thiền trong suốt ngày, xen kẽ là giờ giải lao hoặc giờ nghỉ.

Tham dự khoá thiền, các thiền viên phải tuân theo những nội quy và thời gian biểu nghiêm ngặt. Ảnh: NVCC

Tham dự khoá thiền, các thiền viên phải tuân theo những nội quy và thời gian biểu nghiêm ngặt. Ảnh: NVCC

Ban đầu, Linh rất khó khăn để có thể nhập thiền bởi những suy nghĩ liên tục chạy trong đầu. Tuy nhiên, buổi tối, sau những giờ thiền sẽ là thời gian nghe pháp thoại, Linh và các thiền viên được hướng dẫn rằng không nên suy nghĩ lung tung, cần phải tập trung vào hơi thở của chính mình. Do đó, cô bạn ngày ngày nâng cấp độ lên, từ những ngày đầu tiên không thể tập trung được quá 5 phút thì 9-10 ngày sau, Linh quen dần đã có thể tập trung xuyên suốt buổi thiền.

Cũng muốn tìm hiểu và trải nghiệm về bản thân mình, Nguyễn Thảo Nhi (tổ 1, phường Trà Bá, TP.Pleiku) đã tìm hiểu về thiền Vipassana sau khi được truyền cảm hứng từ cuốn sách Hiểu về trái tim của Thiền sư Minh Niệm. Do đó, sau khi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, Nhi cũng đã nhắn tin thông báo với người thân rằng sẽ “biến mất” trong 10 ngày để tìm đến một khoá thiền tại thị xã Buôn Hồ (Đak Lak).

“Bình thường, mỗi ngày mọi người đều giao tiếp rất nhiều, đôi khi bản thân chưa kịp suy nghĩ đã nói ra. Nhưng khi bước vào nơi mà mọi người không ai được giao tiếp với ai, chỉ còn âm thanh duy nhất đến từ nội tâm của bản thân mình, thì mỗi người sẽ quan sát nhiều hơn về việc bản thân đang nghĩ gì”-Thảo Nhi chia sẻ.

Tuy nhiên, với Nhi, việc tham gia khóa thiền chỉ là một cách học phương pháp thiền, 10 ngày ở khoá thiền không thể mang lại sự thay đổi hoàn toàn trong mỗi người. Do đó, thiền định là một công việc cần duy trì mỗi ngày như một cách “tập gym cho não”.

Thảo Nhi luôn cố gắng duy trì việc hành thiền mỗi ngày, với tư thế ngồi thoải mái và không gian phù hợp nhất trong nhà. Ảnh: NVCC

Thảo Nhi luôn cố gắng duy trì việc hành thiền mỗi ngày, với tư thế ngồi thoải mái và không gian phù hợp nhất trong nhà. Ảnh: NVCC

Nói về hiệu quả của những buổi thiền mang lại, Thảo Nhi chia sẻ: “Trước khi bắt đầu tìm hiểu về thiền, mình là một người rất yêu cảm xúc của bản thân. Mình luôn kỳ vọng người khác phải hướng đến mình, hiểu tính mình hay quan tâm tới mình. Thậm chí có đôi lúc mình cho rằng bản thân đang hành động vì muốn tốt cho người khác, nhưng thật ra hành động đó chỉ xuất phát từ cái tôi của mình.

Tuy nhiên, sau nhiều năm tập thiền, mình đã dần có thể hạ cái tôi xuống, quan tâm đến người khác nhiều hơn. Mình học cách nhìn mọi thứ công bằng hơn. Đặc biệt, thay vì ngày trước mải theo đuổi những giá trị vật chất, giờ đây mình lại luôn mong muốn được mang đến những giá trị tinh thần cho mọi người, đặc biệt là gia đình”.

Vì bị ấn tượng bởi khóa thiền phi lợi nhuận nhưng được tổ chức và chuẩn bị vô cùng chu đáo nên sau khóa thiền 10 ngày đầu tiên, Thảo Nhi quyết định quay lại đăng ký tham gia với vị trí phục vụ khoá thiền. Với vai trò này, Nhi tham gia chuẩn bị, sắp xếp chỗ ở, lau dọn và cùng nấu ăn cho mọi người. Bên cạnh đó, cô bạn vẫn tham gia hành thiền nhưng với thời gian ít hơn.

Thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là một trong những địa điểm phổ biến được giới trẻ lựa chọn để đăng ký và tham gia khoá thiền. Ảnh: theravada.vn

Thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là một trong những địa điểm phổ biến được giới trẻ lựa chọn để đăng ký và tham gia khoá thiền. Ảnh: theravada.vn

Sau khi tham dự khóa thiền kéo dài 10 ngày, Vương Thị Thanh Thảo (tổ 4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cũng đã có nhiều lần tham gia những khóa thiền 1 ngày. Nhưng với cô bạn, việc có thể duy trì thiền định ở nhà hàng ngày vẫn là thử thách lớn và cần nhiều sự kiên trì nhất.

Ban đầu sau khi rời khỏi khóa thiền, Thảo vẫn luôn cố gắng duy trì việc thiền định 2 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, đến lúc đi làm, Thảo chọn sắp xếp thời gian linh hoạt thay vì thiền vào một khoảng thời gian cố định. Thanh Thảo chia sẻ, có nhiều người cảm thấy phải duy trì việc thiền định mỗi ngày gây áp lực rất lớn về mặt thời gian và bỏ cuộc ngay sau đó.

Do vậy, cô bạn lựa chọn cách không ép bản thân phải dành quá nhiều thời gian mỗi ngày cho công việc này. Thay vào đó, vẫn cố gắng thiền 15-20 phút mỗi sáng thức dậy. Vì với Thảo, việc ngồi thiền để đón chào ngày mới nhiều năng lượng hơn thay vì cầm điện thoại và lướt mạng xã hội.

Tuy nhiên, với Thanh Thảo, thiền chỉ là một cách để quan sát và nhận biết bản thân, hiểu rõ các vấn đề bên trong mình chứ không đóng vai trò giải quyết mọi vấn đề đó. Do vậy, bản thân mỗi người đều phải tự đối diện và giải quyết các vấn đề của mình. Bên cạnh đó, cũng nên tích cực lắng nghe, đọc sách, hay thậm chí có thể nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý nếu cần thiết.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện người Gia Lai số 48: Ông Nguyễn Tấn Thành: "Tôi không học du lịch, nhưng tôi sống với nó gần cả cuộc đời"

Chuyện người Gia Lai số 48: Ông Nguyễn Tấn Thành: "Tôi không học du lịch, nhưng tôi sống với nó gần cả cuộc đời"

(GLO)- Đó là hành trình đầy thử thách nhưng cũng lắm vinh quang của ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh. Cùng Podcast Chuyện người Gia Lai số 48 lắng nghe những chia sẻ của ông về ngành Du lịch cũng như cơ hội, thách thức khi Gia Lai và Bình Định (cũ) chung một mái nhà.

Chị Nguyễn Bích Ngọc (nghệ danh A Fishy Bit) lan tỏa âm nhạc mộc mạc giữa thiên nhiên.

Cô gái gen Z thả hồn vào âm nhạc giữa thiên nhiên Phố núi

(GLO)- Không cần ánh đèn sân khấu, cô gái gen Z Nguyễn Bích Ngọc (nghệ danh A Fishy Bit) tự do cất tiếng hát và thể hiện những sáng tác của mình giữa không gian xanh của núi rừng Gia Lai. Với chị, âm nhạc mộc mạc chính là cách để kể câu chuyện của chính mình.

Dù di chuyển, nói chuyện khó khăn nhưng Hữu (bìa phải) vẫn cố gắng đến tận nhà thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn.

Gia Lai: Góp sức trẻ lan tỏa yêu thương

(GLO)-Nhiều bạn trẻ "gen Z" lan tỏa yêu thương bằng những việc làm ý nghĩa, như điều phối suất ăn hay truyền cảm hứng học tập, cắt tóc miễn phí, hỗ trợ người khó khăn. Mỗi người một cách làm, nhưng điểm chung là sẵn sàng cho đi bằng những gì mình có...

Check-in núi-biển: Trào lưu mới của giới trẻ Gia Lai

Check-in núi-biển: Trào lưu mới của giới trẻ Gia Lai

(GLO)- Sau khi Gia Lai và Bình Định chính thức sáp nhập thành tỉnh Gia Lai mới, vùng đất này không chỉ thay đổi về địa giới hành chính mà còn mở ra những hành trình trải nghiệm đầy cảm hứng. Trong đó, trào lưu check-in núi-biển đang trở thành xu hướng khám phá nổi bật của giới trẻ.

Hành trình trở về đầy cảm hứng

Nguyễn Viết Thắng: Hành trình trở về đầy cảm hứng

(GLO)- Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, anh Nguyễn Viết Thắng  đã trở thành chủ doanh nghiệp, chuyên gia kỹ thuật và quay lại với mong muốn đóng góp cho sự phát triển bền vững của trường. Với anh, đó là hành trình trở về đầy cảm hứng.

Nam thanh niên 'đỡ đẻ' cho rùa

Nam thanh niên 'đỡ đẻ' cho rùa

Có một chàng trai trẻ lặng lẽ đào cát, nâng niu từng quả trứng rùa như những mầm sống kỳ diệu. Quốc Thái trở thành “hộ sinh” bất đắc dĩ giữa thiên nhiên hoang sơ, góp phần bảo tồn loài rùa biển đang bên bờ tuyệt chủng. 

Cà phê sách-Nhịp cầu kết nối tri thức

Cà phê sách-Nhịp cầu kết nối tri thức

(GLO)- Quán cà phê Tiệm Nhà Báo (04 Trường Sa, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đang trở thành điểm hẹn của học sinh, cán bộ và những người yêu sách với thông điệp: “Ai cũng có quyền được đọc và không cần trả phí để tiếp cận tri thức”.