Thị trấn Chư Prông: Dấu ấn sau 35 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua 35 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, thị trấn Chư Prông đã khoác lên mình một diện mạo mới, hiện đại và năng động, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Chư Prông.

Cách đây 35 năm, ngày 17-8-1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định 30/QĐ-HĐBT về việc thành lập thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông. Khi đó, thị trấn chỉ có 5 làng, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nhà làm việc, trang-thiết bị phục vụ cho cán bộ, công chức còn sơ sài, chủ yếu trưng dụng lại các cơ sở cũ đã xuống cấp, hệ thống giao thông là đường đất, điện chiếu sáng chưa có, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn…

 

Thị trấn Chư Prông hôm nay. Ảnh: V.H
Thị trấn Chư Prông hôm nay. Ảnh: V.H

Đứng trước thực trạng ấy, Chi bộ thị trấn đã tích cực vận động nhân dân khai hoang, phục hóa, định canh-định cư nhằm nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng mì, bắp, khoai lang, lúa để giải quyết nhu cầu lương thực; tập trung phát triển chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống.

Bằng những nỗ lực ấy, đến nay, thị trấn Chư Prông có 6 tổ dân phố, 3 thôn, làng với 1.915 hộ, 9.815 khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số có 234 hộ với 1.100 nhân khẩu. Trong giai đoạn mới, thị trấn xác định phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành thương mại-dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và phát triển nền nông nghiệp bền vững. Thị trấn đã triển khai các giải pháp thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, đa dạng hóa các loại hình phát triển kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 446 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có 35 công ty TNHH. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh tập trung có hiệu quả; các vùng chuyên canh cây công nghiệp dần hình thành một nền nông nghiệp bền vững. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng của thị trấn là 1.210 ha, trong đó, cây lương thực 127 ha, cây công nghiệp lâu năm 1.083 ha (cao su 40 ha, cà phê 965 ha, hồ tiêu 78 ha); tổng đàn gia súc 1.778 con, gia cầm 5.587 con. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt trên 28 triệu đồng. Những năm qua, thị trấn đã huy động nhân dân đóng góp trên 5 tỷ đồng để kéo điện 3 pha phục vụ sinh hoạt và sản xuất; huy động nhân dân đóng góp trên 2 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn. Chính sự chung sức, đồng lòng của nhân dân giúp cho bộ mặt đô thị Chư Prông có những đổi thay đáng ghi nhận.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Khi mới thành lập thị trấn có 1 trường học với 10 giáo viên và 300 học sinh. Đến nay, trên địa bàn có 7 trường, trong đó, 1 trường THCS, 2 trường tiểu học, 2 trường mẫu giáo, 2 trường mầm non tư thục. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, thành tích học tập và giảng dạy luôn luôn dẫn đầu ngành Giáo dục-Đào tạo của huyện. Thị trấn đã có 4 trường đạt chuẩn mức độ 1 và hiện tại 2 trường đang hoàn thiện các điều kiện để công nhận chuẩn mức độ 2. Thị trấn hiện có 1.539 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 70% tổng số hộ trên địa bàn; có 6 tổ dân phố, thôn, làng và 1 công sở được công nhận đạt danh hiệu văn hóa cấp huyện.

Cùng với đó, công tác xây dựng hệ thống chính trị luôn được Đảng bộ thị trấn quan tâm chỉ đạo. Khi mới thành lập, Chi bộ Đảng thị trấn có 7 đảng viên. Đến nay, toàn Đảng bộ có 16 chi bộ với 347 đảng viên. Kết quả phân tích chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng hàng năm, nhiều chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Đảng bộ thị trấn nhiều năm được công nhận đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ của thị trấn cũng được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu công việc. Thị trấn hiện có 16 cán bộ có trình độ đại học, 9 cán bộ có trình độ trung cấp, 11 cán bộ có trình độ trung cấp chính trị, 4 cán bộ có trình độ sơ cấp.

Nói về những kết quả đã đạt được sau 35 năm xây dựng và trưởng thành, ông Phạm Ngọc Toàn-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Prông cho biết: “Để có được cơ sở hạ tầng cũng như đời sống của nhân dân như ngày hôm nay đó là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền cùng sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên. Mặt khác, với truyền thống yêu nước, nhân dân các dân tộc trên địa bàn luôn chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết một lòng, tham gia đóng góp công sức và tiền bạc để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu để xây dựng thị trấn ngày càng khang trang, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện”.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.