Thi hành án Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê cần đảm bảo việc cấp nước cho dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai đang tiến hành các bước chuẩn bị cho việc cưỡng chế Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê, đồng thời tính toán phương án duy trì việc cấp nước cho người dân trong quá trình kê biên tài sản thi hành án.

Liên tục bị đòi nợ

Không phải ngẫu nhiên mà Điện lực Chư Prông (Công ty Điện lực Gia Lai) lại ngừng cấp điện đối với Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê vào ngày 16-7 vừa qua. Việc Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê nợ tiền điện kéo dài với tổng số tiền gần 400 triệu đồng, không thanh toán theo hợp đồng ký kết nên đã nhiều lần bị cắt điện khiến gần 1.600 hộ dân sử dụng nước ở huyện Chư Sê lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo không có nước sinh hoạt.

Theo ông Võ Ngọc Quý-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai: Cuối tháng 5-2024, Công ty đồng ý phương án trả nợ của Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê và đóng điện trở lại sau 2 ngày ngừng cung cấp. Đồng thời, Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê cũng cam kết thanh toán dứt điểm số tiền điện phát sinh, bắt đầu từ tháng 5-2024 trở về sau theo hợp đồng.

Còn đối với khoản nợ 307 triệu đồng từ kỳ hóa đơn tháng 4-2024 trở về thời điểm tháng 10-2023, Công ty sẽ thanh toán dần, tối thiểu 20 triệu đồng/tháng và thanh toán dứt điểm đến hết ngày 31-12-2024. Cam kết là vậy nhưng Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê viện dẫn nhiều lý do để không thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cùng các sở, ngành của tỉnh và địa phương họp xử lý các kiến nghị của Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê diễn ra vào ngày 13-11-2023. Ảnh: M.P

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cùng các sở, ngành của tỉnh và địa phương họp xử lý các kiến nghị của Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê diễn ra vào ngày 13-11-2023. Ảnh: M.P

Theo báo cáo tại các buổi làm việc với UBND tỉnh, Nhà máy Cấp nước Chư Sê đi vào hoạt động từ năm 2018 với công suất thiết kế 9.000 m3/ngày đêm. Thời điểm khảo sát thực hiện dự án có khoảng 8.000 hộ dân đăng ký sử dụng nước. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện hệ thống đường ống dẫn, chỉ có 3.000 hộ dân đăng ký mua nước, trong đó chỉ khoảng 1.600 hộ thường xuyên sử dụng khiến Nhà máy rơi vào thua lỗ. Nợ nần kéo dài, phía ngân hàng cho vay dự án đã khởi kiện chủ đầu tư ra tòa nhằm thu hồi khoản vay.

Tháng 11-2023, Tòa án nhân dân huyện Chư Sê xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và bị đơn là Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê. Theo Bản án sơ thẩm số 02/2023/KDTM-ST ngày 10-11-2023, Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê phải trả nợ gốc còn lại trên 49,7 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn và quá hạn tính đến ngày 10-11-2023 là hơn 21,3 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty này còn chịu án phí sơ thẩm là 179 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 7-2022, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai đã khởi kiện Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê yêu cầu trả khoản nợ quá hạn hơn 527 triệu đồng (đối với khoản thu phí nước thô 900 đồng/m3) và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chư Sê cũng đã có quyết định thi hành án.

Đến nay, Công ty vẫn chưa thanh toán khoản nợ trên và con số phát sinh từ đó đến nay cũng không hề nhỏ. Cùng với các quyết định khởi kiện này, Công ty cổ phần cấp nước Chư Sê còn đang gánh nhiều khoản nợ khác gồm: tiền điện, bảo hiểm xã hội, thuế, phí bảo vệ môi trường…

Không gián đoạn việc cấp nước cho dân

Do việc thi hành án phức tạp, ngày 25-1-2024, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-CTHADS về việc rút hồ sơ thi hành án số 26/QĐ-CCTHADS ngày 19-1-2024 do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chư Sê đang tổ chức thi hành đối với Bản án số 02/2023/KDTM-ST về Cục để tiếp tục thụ lý. Từ đó đến nay, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã nhiều lần mời đại diện Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê đến làm việc nhưng đơn vị này thiếu hợp tác khiến việc thi hành án gặp khó khăn.

Ông Phan Đình Hưng-Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh: Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ gồm: toàn bộ tài sản hình thành từ Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch công suất 9.000 m3/ngày đêm tại huyện Chư Sê của Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê theo hợp đồng thế chấp và toàn bộ quyền khai thác, quyền kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, thụ hưởng bảo hiểm, đền bù, bồi thường thiệt hại, số tiền thụ hưởng, đền bù, bồi thường thiệt hại; các quyền phát sinh từ nguồn thu và các khoản lợi tức thu từ việc kinh doanh, khai thác dự án.

Để có cơ sở thực hiện cưỡng chế, kê biên tài sản đối với Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND huyện Chư Sê phối hợp cung cấp các thông tin liên quan. Cụ thể, thông tin về việc các xã được đầu tư kinh phí xây dựng nguồn cấp nước sạch; việc hỗ trợ kinh phí duy trì sử dụng nước sạch, cách thức chi trả; tổng số hộ dân sử dụng nguồn nước sạch (ngoài số do Nhà nước hỗ trợ) trên địa bàn.

Cùng với đó, đơn vị này cũng đề nghị Sở Giao thông-Vận tải, Sở Xây dựng cung cấp toàn bộ hồ sơ xin xây dựng nhà máy và hồ sơ cấp phép đường ống dẫn nước đã được cấp phép; đồng thời, tiến hành xác minh tài sản thi hành án của Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê.

Trao đổi với P.V, ông Phan Đình Hưng-Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh-khẳng định: VietinBank đã có đơn đề nghị thi hành bản án. Do vậy, Cục đang tiến hành các bước chuẩn bị tổ chức thi hành án đối với Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê.

Tuy vậy, quá trình thu thập thông tin, xử lý tài sản để tiến hành kê biên, cưỡng chế gặp nhiều khó khăn do chưa tìm được đơn vị tiếp nhận bảo quản và vận hành.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh đang triển khai các bước chuẩn bị kê biên, cưỡng chế tài sản thu hồi nợ ngân hàng đối với Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê. Ảnh: M.P

Cục Thi hành án dân sự tỉnh đang triển khai các bước chuẩn bị kê biên, cưỡng chế tài sản thu hồi nợ ngân hàng đối với Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê. Ảnh: M.P

“Cục đã chủ động phương án nếu trong quá trình kê biên tài sản mà Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê không tiếp nhận việc bảo quản và tiếp tục vận hành thì chúng tôi sẽ thuê đơn vị khác vào bảo quản, vận hành. Để tháo gỡ vướng mắc này, Cục đã liên hệ với một số đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội để tiến hành khảo sát, xây dựng phương án bảo quản, vận hành nhà máy nước trong quá trình kê biên tài sản nhằm đảm bảo việc cấp nước cho dân không bị gián đoạn”-ông Hưng nêu giải pháp.

Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết thêm: Nhà máy nước có hệ thống đường ống nước ngầm dưới lòng đất cấp nước đến các xã, thị trấn nên cần đo đạc, thống kê, xác định về quy cách, chất lượng nhưng không thể đào đường ống lên để thống kê, đo đếm.

Trong khi đó, phía Công ty không hợp tác nên dù có hồ sơ thiết kế đường ống cấp nước nhưng nếu kê biên không đúng với thực tế thì sau này sẽ xảy ra khiếu kiện. Cục đang thuê đơn vị tư vấn độc lập có chuyên môn xác định đối với phần tài sản này để tiến hành kê biên theo đúng quy định của pháp luật.

“Để không ảnh hưởng đến đời sống người dân trong quá trình kê biên, cưỡng chế đối với Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị được thuê bảo quản, vận hành đảm bảo việc tiếp tục duy trì hoạt động bình thường của nhà máy nước để cấp nước liên tục cho người dân”-Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.