Thế hệ “mười ngón tay”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đấy là cách ví von của nhà thơ Hữu Thỉnh về thế hệ nhà văn trẻ hôm nay. Ngày xưa, cha ông viết từ bút lông đến bút sắt, bút bi, bút mực thì hôm nay các nhà văn gõ máy tính bằng mười đầu ngón tay và điều ấy dứt khoát có ảnh hưởng nhất định đến phong cách viết và cả thói quen đọc hôm nay.
115 tác giả trẻ đến từ mọi miền đất nước đã dự một hội nghị nghiêm túc, cởi mở, văn hóa và tràn đầy sức trẻ có tên gọi là “Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII”. Ban tổ chức đã bố trí một lịch trình hợp lý khi di chuyển từ Hà Nội lên Phú Thọ dâng hương Quốc tổ, rồi lên Tuyên Quang- thủ đô kháng chiến, từ đó lại xuôi Thái Nguyên để về Hà Nội. Vừa nghị vừa hội, vừa di chuyển tham quan vừa giao lưu biển đảo với lực lượng Hải quân, các tác giả trẻ được dự một ngày hội văn chương đúng nghĩa.
Hai tác giả trẻ nhất hội nghị. Ảnh: V.C.H
Hai tác giả trẻ nhất hội nghị. Ảnh: V.C.H
Cứ 5 năm một lần, Hội Nhà văn Việt Nam lại tổ chức Hội nghị viết văn trẻ như một cách điểm danh những cây bút dưới 35 tuổi, chuẩn bị cho một thế hệ nhà văn mới và phần lớn sau các cuộc hội nghị như thế, các cây bút trẻ đều trở thành các nhà văn nổi tiếng, thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các nhà văn, nhà thơ trẻ đang nổi bây giờ Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú... trưởng thành từ hội nghị viết văn trẻ lần trước tại Hội An là một ví dụ.
Lần này, Gia Lai có đến bốn tác giả trẻ được mời dự là một sự đánh giá khá xác đáng của Hội Nhà văn đối với lực lượng kế cận của Gia Lai, là tỉnh có số lượng đông thứ 3, chỉ sau đoàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đó là Ngô Thị Thanh Vân với 2 đầu sách đã in và giải thưởng văn học của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai (Giải thưởng 5 năm một lần); Hoàng Thanh Hương với 3 đầu sách và cũng giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, của UBND tỉnh Gia Lai và của Hội Văn học-Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; Lê Vi Thủy với rất nhiều tác phẩm thơ đã in trên báo Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội và Miên Di cũng thế-anh đang rất sung sức với rất nhiều tác phẩm cả thơ, truyện và phê bình. Chuyến đi này, Miên Di còn đến gặp nhà văn lão thành Tô Hoài để xin phép ông cho anh tiếp tục sử dụng con dế mèn đã làm say mê hàng triệu trẻ em ở nhiều thế hệ, thành một hình tượng dế mèn mới, hiện đại, nhập vào đời sống đương đại. Nhà văn Tô Hoài đã rất vui vẻ đồng ý và ông tỏ vẻ tin tưởng vào lớp trẻ hôm nay. Cuốn sách sắp in của Miên Di là “Tân dế mèn phiêu lưu ký” hứa hẹn sẽ có bạn đọc.
Họ mang gì đến hội nghị? Trước hết là tài năng thật sự. Rất nhiều tác giả đã có sách riêng, có các giải thưởng quốc gia, họ mang đến một trình độ học vấn khá cao, một phông văn hóa khá rộng và trên hết là trách nhiệm của người viết trước Tổ quốc và nhân dân, trước những gì đang xảy ra trong đời sống hôm nay.
Một ngày tham luận tại hội trường, sau đó là một buổi hội thảo tại hai tổ văn và thơ đã thực sự là cuộc trao đổi thẳng thắn và bổ ích cả về thái độ văn chương và nghề nghiệp văn chương. Các ý kiến khá quyết liệt và nhiều năng lượng. Có thể nói những người viết trẻ sẽ trưởng thành lên nhiều từ những giao lưu cọ xát như thế, trong đó quan trọng là sự nhận thức được vai trò cá nhân giữa dàn đồng ca, ý thức cá nhân trong ý thức cộng đồng...
Miên Di đọc một tham luận ngay buổi đầu tiên được dư luận khá chú ý, nhiều báo trích dẫn là “Nhà văn dậy thì và trách nhiệm xã hội”, Hoàng Thanh Hương, Ngô Thị Thanh Vân có phát biểu khá hay trong hội thảo, cuốn “12 tháng 6” của Vân được chuyền tay khá nhiều, Lê Vi Thủy cũng được chú ý khi là một trong 18 tác giả được chọn đọc thơ trong đêm giao lưu với lực lượng Hải quân. Nhìn chung đoàn Gia Lai đã chứng minh rằng, số lượng và chất lượng tỷ lệ thuận với nhau. Nó chứng tỏ Gia Lai đang có một thế hệ người viết trẻ có tài thật sự, đang dần chiếm lĩnh văn đàn. Trong mấy ấn phẩm báo chí phát hành trong hội nghị là báo Văn Nghệ, Văn Nghệ trẻ, Văn nghệ Quân đội, thì tờ nào cũng có tác giả Gia Lai, tờ Văn Nghệ trẻ có cả 4 tác giả Gia Lai xuất hiện. Thế mà, vẫn còn một loạt những cái tên nữa đang nhấp nhú khiến chúng ta có thể tin tưởng rằng, tương lai văn học đang dần thuộc về họ. Và cũng qua hội nghị này, mới thấy rằng, tuy là một tỉnh lẻ nhưng văn chương Gia Lai đã có tiếng vang khá xa và rộng trên diễn đàn văn chương cả nước...
Hoàng Hương Giang

Có thể bạn quan tâm