(GLO)- Hơn 25 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Tăng Văn Thành-Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) đã có nhiều đóng góp cho lĩnh vực y tế. Năm 2020, bác sĩ Thành là 1 trong 2 bác sĩ của tỉnh được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú vì những cống hiến trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Không ngừng nghiên cứu, học hỏi
Sinh ra và lớn lên tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nhưng bác sĩ Tăng Văn Thành lại chọn Gia Lai làm quê hương thứ hai. Tốt nghiệp Đại học Y dược Huế, năm 1996, ông lên Pleiku xin việc và được nhận vào làm việc tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Công tác tại Khoa Khám bệnh rồi Khoa Ngoại sản, rồi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Ngoại-Liên chuyên khoa Mắt-Răng hàm mặt-Tai mũi họng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp. Trên cương vị nào, bác sĩ Thành cũng đều nỗ lực, tận tụy, hết lòng chăm sóc, cứu chữa người bệnh.
Thầy thuốc Ưu tú Tăng Văn Thành. Ảnh: Như Nguyện |
Gắn bó với Trung tâm Y tế TP. Pleiku ngay từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, bác sĩ Thành luôn trăn trở tìm cách nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người bệnh. Đó cũng là yêu cầu ông tự đặt ra để không ngừng học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng thành công và hiệu quả các kỹ thuật mới trong khám-chữa bệnh. Những năm 2007-2009, bác sĩ Thành theo học chương trình bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình tại Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Với kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được, bác sĩ đã chữa trị thành công nhiều ca bệnh khó, phức tạp mảng chấn thương chỉnh hình; trong đó có không ít kỹ thuật dành cho tuyến tỉnh, tuyến trung ương theo phân tuyến bệnh viện.
Ngoài ra, nhiều đề tài nghiên cứu của ông và cộng sự được ứng dụng hiệu quả trong công tác khám-chữa bệnh như: nghiên cứu ứng dụng hệ thống hút chân không (VAC) tự chế trong điều trị vết thương (2011); đánh giá hiệu quả điều trị các trường hợp gãy kín xương dài bằng phương pháp phẫu thuật kết hợp xương dưới màn tăng sáng tại Bệnh viện TP. Pleiku (2012-2015); đánh giá kết quả điều trị khuyết hổng mô mềm đầu ngón tay và đầu mỏm cụt ngón tay bằng các vạt da có cảm giác tại Bệnh viện TP. Pleiku (2016); báo cáo ca lâm sàng dập nát bàn tay ở em bé 3 tuổi được điều trị tại Bệnh viện TP. Pleiku (2017); kỹ thuật mới che phủ đầu mỏm cụt ngón tay: vạt da mặt lưng 2 cuống (2018); kỹ thuật lạnh trong ghép lại đầu ngón tay cắt cụt tại Bệnh viện TP. Pleiku (2020)… Đặc biệt, đề tài Kỹ thuật mới che phủ đầu mỏm cụt ngón tay: vạt da mặt lưng 2 cuống báo cáo tại hội nghị mạng lưới chấn thương chỉnh hình lần thứ 21 do Bệnh viện Chấn thương-Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức ở Đak Lak năm 2018 được đánh giá cao và đạt giải nhì. Đề tài Kỹ thuật lạnh trong ghép lại đầu ngón tay cắt cụt tại Bệnh viện TP. Pleiku (2020) báo cáo tại hội nghị mạng lưới chấn thương chỉnh hình lần thứ 24 tổ chức ở Quy Nhơn ngày 23-4 vừa qua đạt giải nhất.
Nỗ lực chăm sóc, cứu chữa người bệnh
Với nỗ lực không ngừng của bác sĩ Thành và các đồng nghiệp, công tác khám, điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp nói riêng, Trung tâm Y tế TP. Pleiku nói chung không ngừng được nâng cao, nhiều ca bệnh nặng được chữa trị thành công không phải chuyển lên tuyến trên, mang lại niềm vui cho bệnh nhân và gia đình người bệnh. Mới đây, bác sĩ Thành đã triển khai thành công kỹ thuật lạnh trong ghép lại đầu ngón tay cắt cụt. Đây là phương pháp điều trị mới, phức tạp và bước đầu đánh giá hiệu quả qua loạt 14 ca bệnh được điều trị thành công.
Thầy thuốc Ưu tú Tăng Văn Thành luôn nỗ lực trong chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh. Ảnh: Như Nguyện |
Bác sĩ Nguyễn Tự Tín-Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku: “Bác sĩ Thành luôn nhiệt tình, tận tâm, tận tụy, hết lòng vì người bệnh, được mọi người đánh giá cao về chuyên môn và y đức. Bản thân bác sĩ Thành không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiều đề tài cấp cơ sở, cấp tỉnh được nghiệm thu và đưa vào áp dụng trong thực tiễn khám-chữa bệnh hiệu quả. Với những nỗ lực, cống hiến, bác sĩ Thành đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú”. |
Nói về cảm nhận khi có người thân được bác sĩ Thành cứu chữa, chị Vũ Thị Minh Thúy (làng Ia Mang, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) chia sẻ: Một lần nghịch ngợm, con trai chị cho bàn tay phải vào nhông xích xe máy đang hoạt động khiến hai ngón tay bị đứt lìa. Gia đình liền mang phần ngón tay bị đứt, đưa cháu lên bệnh viện và được bác sĩ Thành cùng đồng nghiệp nối lại thành công. Cùng hoàn cảnh, chị Rơ Lan HLinh (làng D, xã Gào, TP. Pleiku) thổ lộ: “Con tôi 44 tháng. Cháu nghịch dao nên làm đứt lìa hai ngón tay. Nhờ bác sĩ Thành nối lại mà nay cháu không bị ảnh hưởng gì, gia đình tôi biết ơn nhiều lắm!”.
Hơn 25 năm công tác, bác sĩ Thành luôn được bệnh nhân và người nhà yêu thương, quý mến, đồng nghiệp đánh giá cao. Mỗi ngày, dù phải tiến hành bình quân 5 ca phẫu thuật, có ngày cao điểm tới 10 ca nhưng bác sĩ Thành vẫn luôn dành thời gian cho việc nghiên cứu, học hỏi để triển khai những kỹ thuật mới trong điều trị, góp phần nâng cao chất lượng điều trị tại chỗ cho bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên.
NHƯ NGUYỆN