Thanh tra Chính phủ yêu cầu Đắk Lắk thu hồi hàng trăm tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý về kinh tế với tổng số tiền 535,6 tỷ đồng. Trong đó, đôn đốc, thu hồi vào ngân sách Nhà nước của các tổ chức, cá nhân còn nợ đọng tiền đất, tiền tạm ứng và các khoản thu nộp tính đến 31/3/2022, số tiền gần 381 tỷ đồng.
Cho doanh nghiệp tạm ứng hơn 55 tỷ đồng, nguy cơ mất
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố thông báo kết luận thanh tra (KLTT) trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng và quản lý, sử dụng đất đai.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Theo KLTT này, đối với dự án Trồng cây nông nghiệp, cây dược liệu và khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng; dự án Nhà máy Điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp), việc phê duyệt quy hoạch, chủ trương đầu tư, tổ chức thực hiện, gia hạn dự án có nhiều bất cập.
Theo TTCP, từ năm 2017-2020, báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk cho thấy, diện tích rừng tự nhiên tỉnh này suy giảm 27.460 ha.
Đối với dự án nhà máy điện gió ở huyện Ea H’leo, theo TTCP, dù chưa có quyết định thu hồi và bàn giao ký hợp đồng thuê đất, hoàn thiện thủ tục đất đai, xây dựng nhưng chủ đầu tư đã thi công xây dựng trụ móng tuabine, nhà điều hành, trạm biến áp, vi phạm khoản 2 Điều 7 Thông tư 02/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương; vi phạm Luật Đầu tư 2014 và Luật Đất đai 2013; ảnh hưởng đến hoạt động canh tác nông nghiệp và người dân địa phương.
“Đến nay báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk cho thấy đã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện trình tự, thủ tục của dự án để đưa vào vận hành, phát điện theo quy định nhưng những sai phạm, tồn tại cần được kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, TTCP đề nghị.
Theo TTCP, tại dự án Đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt ở thôn 8, xã Ea Lai (huyện M'Drắk), UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trương tạm ứng số tiền hơn 55 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ chủ đầu tư đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư chưa thống nhất hoàn trả, dẫn đến nguy cơ mất tiền ngân sách nhà nước (NSNN). Ngoài ra, trong công tác quản lý rừng tự nhiên, chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, bảo vệ 71,5 ha rừng tự nhiên, nhưng hiện nay chỉ còn lại 20,27 ha, suy giảm 51,23 ha so với diện tích ban đầu nhưng UBND tỉnh chưa làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý.
Yêu cầu thu hồi hàng trăm tỷ đồng, chủ yếu nợ đọng tiền đất
Liên quan đến tình trạng để các doanh nghiệp xây dựng công trình điện mặt trời trái phép trên trang trại đất nông nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk, theo TTCP có trách nhiệm của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và trực tiếp là Giám đốc Cty Điện lực Đắk Lắk.
Tính đến 31/12/2020, tỉnh Đắk Lắk có tới hơn 400 công trình điện áp mái, tổng công suất khoảng 50MW không kịp đấu nối vào hệ thống điện. Ngoài ra, toàn tỉnh có tới 411 công trình đã đấu nối, bán điện nhưng chưa bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định.
TTCP yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý về kinh tế với tổng số tiền 535,6 tỷ đồng. Trong đó, đôn đốc, thu hồi vào NSNN của các tổ chức, cá nhân còn nợ đọng tiền đất, tiền tạm ứng và các khoản thu nộp tính đến 31/3/2022, số tiền 380,8 tỷ đồng.
Đồng thời, thu hồi vào Quỹ phát triển rừng số tiền 44,3 tỷ đồng của 8 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế. TTCP cũng đề nghị tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các chủ dự án nộp tiền ký quỹ tính đến 15/4/2022 số tiền gần 109 tỷ đồng…
“Trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm, vi phạm về quản lý sử dụng đất đai và việc thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất ở trên trước hết thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực; Giám đốc các sở: KH&ĐT, TN&MT, Xây dựng, NN&PTNT, Công Thương, Tài chính; Trưởng ban Quản lý Khu Công nghiệp; Cục trưởng Cục Thuế; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; chủ đầu tư các dự án có sai phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan”, TTCP nêu rõ.
Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của UBND tỉnh và các tổ chức, cá nhân về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan.
Trao đổi với Tiền Phong, chủ đầu tư nhà máy điện gió ở Ea Hleo, cho biết, trong thời gian thực hiện dự án, với phạm vi ranh dự án hơn 6.000 ha trải dài qua 3 xã, khâu giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù mất rất nhiều thời gian và công sức. Công ty đã đưa ra nhiều phương án để thực hiện việc này ngay sau khi có chủ trương xây dựng nhà máy.
Với phần vi phạm theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư cho biết đã hoàn thành việc nộp phạt và hoàn thành thủ tục đất đai ngay tại thời điểm đó. Đến thời điểm này dự án đã đi vào vận hành hơn 1 năm và vẫn tiếp tục đóng góp vào ngân sách của tỉnh.
Theo Nhóm PV Tây Nguyên (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.