(GLO)- Hình ảnh các fan Việt không giấu nổi xúc động đã ôm mặt khóc nức nở khi đón các thần tượng là các ngôi sao Hàn Quốc như nhóm nhạc: SHINee, Sistar, EXO hay Apink ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) gần đây đã nhận được hàng trăm ý kiến bày tỏ nỗi thất vọng, bức xúc khi thấy giới trẻ ngày nay có những hành động bộc lộ cảm xúc thái quá.
Hiện tượng cuồng thần tượng hiện nay khá phổ biến ở giới trẻ Việt Nam. Thường tình trạng này hay xuất hiện ở những trẻ thiếu tự tin, dễ bị cuốn hút bởi những thứ hào nhoáng bên ngoài. Bố mẹ quá nuông chiều nhưng lại ít dành thời gian tìm hiểu, quan tâm đến con, đồng thời không đủ làm thần tượng của con, không khiến con cảm thấy tin tưởng và có thể chia sẻ. Trong khi đó, các ngôi sao âm nhạc, điện ảnh thường được đánh bóng hình ảnh, xuất hiện với vẻ đẹp hào nhoáng, cuốn hút... khiến trẻ yêu thích, rồi say mê. Khi đó, nếu bị người lớn chê trách, phê phán, trẻ cảm tính, chưa điều khiển được cảm xúc, dễ có những câu nói, hành động chống đối...
Ảnh minh họa |
Sự biểu hiện của “fan cuồng” thể hiện bên ngoài theo hình thức khác nhau. Nhẹ thì khóc lóc thảm thiết, nặng thì bất chấp tất cả, thậm chí đánh đổi cả giá trị bản thân mong có được dịp nhìn thấy hình ảnh của thần tượng bằng xương bằng thịt. Nhiều bạn trẻ có thể ngồi hàng chục tiếng đồng hồ trên Youtube xem đi xem lại mấy video của các em chân dài để tăng lượt view (số lượng người xem), một ông bố Trung Quốc giết con gái 13 tuổi vì nó mê nhóm nhạc Hàn Quốc tới bỏ học, nhiều teen Việt cũng cuồng Kpop tới mức hôn ghế của thần tượng... với họ thần tượng là lẽ sống, là tình yêu, là niềm tin, khát vọng.
Thần tượng là nhất, là tất cả, không gì có thể so sánh được. Điều đó gióng lên hồi chuông báo động về sự lệch lạc trong giới trẻ khi “văn hóa fan cuồng” ngày càng phát triển và có nguy cơ trở thành vấn nạn khi đám trẻ không biết điểm dừng. Tin một ban nhạc hay ca sĩ nổi tiếng nào đó ở nước ngoài sắp đến Việt Nam biểu diễn, ngay lập tức nó được lan truyền và dấy lên một cơn sốt hừng hực trong giới fan hâm mộ. Các fan rầm rập kéo nhau đi mua vé, nô nức chuẩn bị băng rôn, biểu ngữ, đèn nháy, đồng phục, gấu bông, hoa, quà để chuẩn bị đón chào sự xuất hiện của sao. Để có được một tấm vé xem thần tượng biểu diễn không ít bạn trẻ đã phải xoay xở đủ mọi cách, cắt xén tiền học thêm, vay mượn bạn bè, “cắm” cả xe đạp, điện thoại, đồ dùng gia đình để lấy tiền mua vé...
Hiện tượng giới trẻ cuồng một thần tượng nào đó là cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Vì vậy, bố mẹ có thể nhận ra và xử lý sớm. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, một số trường hợp cuồng thần tượng tới mức khủng hoảng tâm lý, trầm cảm… Trong những cách “phòng bệnh”, quan trọng nhất là bố mẹ phải sống làm sao để con cái nể phục, thương yêu, tôn trọng và tốt nhất là trở thành thần tượng của con, nếu không, ít nhất cũng là người để trẻ tin tưởng, có thể mở lòng chia sẻ mọi thứ về cuộc sống của mình.
Việc biểu hiện sự ái mộ đối với thần tượng là tâm lý bình thường của các bạn trẻ. Bởi, trong giai đoạn hình thành nhân cách, các em thường tìm cho mình một hình mẫu để học tập, noi theo. Các thần tượng âm nhạc nói chung cũng như tất cả những người làm nghệ thuật khác đều mong muốn được khán giả yêu mến, có nhiều fan hâm mộ nhưng chắc chắn không ai muốn vì mình mà người khác bị tổn thương dù vô tình hay hữu ý. Chính vì thế, nếu các bạn yêu mến thần tượng của mình thì chỉ cần có một tình cảm chân thành, nồng nhiệt. Tình cảm đó không cần thể hiện quá mức, quá đà như một số fan cuồng hiện nay bởi đôi khi, họ không yêu thần tượng nhiều như họ đã thể hiện mà chỉ đơn giản là a dua theo phong trào hoặc thích thể hiện mình mà thôi.
Võ Thanh Thảo