Thâm nhập điểm nóng phá rừng giáp Gia Lai - Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Gần đây, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô (Ea Kar, Đắk Lắk) thành “miếng mồi ngon” cho lâm tặc xà xẻo.
Khu BTTN Ea Sô nằm giáp ranh 2 tỉnh Gia Lai, Phú Yên. Muốn tiếp cận hiện trường phá rừng, chúng tôi men theo con đường độc đạo đi từ Đắk Lắk sang địa phận Phú Yên, qua huyện Krông Pa (Gia Lai).
Đến đoạn đường dẫn vào khu rừng giáp ranh Gia Lai-Đắk Lắk do Công ty MDF Vinafor Gia Lai (Công ty MDF) mở đường phục vụ khai thác rừng trồng, chúng tôi tận thấy nhiều người tụ tập, bên cạnh những chiếc xe độ chế chở nhiều lóng gỗ đã được cưa xẻ.
Phá rừng bảo tồn
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô, cho biết quanh khu vực này chủ yếu rừng thuộc Khu BTTN Ea Sô, một ít rừng tự nhiên thuộc quản lý huyện Krông Pa, còn lại là rừng trồng của Công ty MDF (chỉ trồng bạch đàn và keo lai). Địa phận này thuộc quản lý huyện Krông Pa, tổ tuần tra Khu BTTN Ea Sô không thể tác nghiệp. Tuy nhiên, theo quan sát, số gỗ trên không phải gỗ rừng trồng.
Khu vực rừng giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với huyện Krông Pa dài hơn 20 cây số. Trước đây, chỉ có 1 lối mòn dẫn vào rừng. Năm 2018, Công ty MDF san ủi lối mòn thành đường rộng, xe tải trọng lớn di chuyển dễ dàng, các đầu nậu lợi dụng chở gỗ lậu.
“Đất này thuộc huyện Krông Pa, chúng tôi chỉ dựng lán tạm để ở. Ban quản lý Khu BTTN Ea Sô cắt cử 4 kiểm lâm, 4 người dân tham gia bảo vệ rừng vào chốt trực. Hàng tuần lại thay đội khác, đoạn đường xa gần 100 cây số không thể trở tay khi lâm tặc đột nhập”, ông Hùng nói.
Chúng tôi tới lán tạm khi mặt trời đứng bóng, đúng lúc tổ tuần tra cơ động của Khu BTTN Ea Sô quay về nghỉ trưa. Anh Vi Văn Thiếm, tổ trưởng tổ tuần tra chia sẻ: “Gần tuần nay, anh em bám rừng cả đêm lẫn ngày”. Ăn xong cơm trưa, nhóm chúng tôi nhanh chóng vào rừng. Vừa tới cửa rừng, hình ảnh những cây to vừa bị cắt hạ, chưa kịp khô nhựa đập ngay vào mắt.
Càng đi sâu vào trong, cảnh tượng cây bị “trảm” nằm la liệt. Có cây lâm tặc đã kịp cưa xẻ, lấy đi phần thân, bỏ lại những thân cây nhỏ, bìa gỗ; có cây mới bị cắt thành từng khúc nằm bất động giữa đại ngàn. Sau 3 giờ thâm nhập vào tiểu khu 617 thuộc Khu BTTN Ea Sô, chúng tôi tận thấy trên 20 cây gỗ chủ yếu Bằng lăng, có đường kính to, cả vòng tay người ôm không hết bị cắt hạ.
 
Hiện trường một vụ phá rừng tại khu vực giáp ranh Gia Lai - Đắk Lắk.
Lâm tặc sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng
Anh Bùi Thanh Tính, nhân viên bảo vệ rừng Khu BTTN Ea Sô, cho hay lâm tặc rất gian manh. Họ dùng đủ cách hạn chế tiếng máy cưa, xẻ cây thành những khúc nhỏ, dùng xe độ chế vận chuyển ra ngoài.
“Chúng thường đi theo nhóm, mỗi nhóm 5-7 người đột nhập vào rừng rất nhanh. Nếu bị phát hiện, những người này sẵn sàng chống cự, giải vây cho nhau. Bản thân tôi đã từng nhiều lần đụng độ, đấu nhau với lâm tặc”, anh Tính kể.
Theo tìm hiểu, các đối tượng đầu nậu thu mua gỗ “kết nạp” thanh niên dân tộc thiểu số sống gần khu vực giáp ranh rừng tham gia đội quân khai thác gỗ lậu. Họ đầu tư xe độ chế, máy cưa, thậm chí cả thiết bị định vị GPS để đánh dấu vị trí cắt gỗ, canh thời cơ thích hợp vận chuyển ra ngoài tập kết.
Không chỉ mua gỗ quý hiếm như giáng hương, cà te, cẩm lai… bằng ký tươi, các ông trùm gỗ lậu mua cả loại thông thường như căm xe, bằng lăng, gáo vàng, ké, sao… với giá 1.200 đồng/kg tươi khiến tình trạng xâm phạm rừng gia tăng.
Ông Kiều Thanh Hà, Phó chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, thông tin tình trạng lâm tặc xâm phạm rừng giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với huyện Krông Pa (Gia Lai) diễn ra nhiều năm nay. Thời điểm nóng như năm 2018, lâm tặc dùng súng, kéo cả 80-100 người đổ bộ vào rừng khai thác gỗ.
Các ban ngành chức năng Đắk Lắk, Gia Lai tổ chức truy quét nhưng một thời gian sau họ lại tái diễn vi phạm. Từ đầu năm nay, lợi dụng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, cùng với việc Công ty MDF mở rộng đường khai thác rừng trồng, lâm tặc trà trộn vào, tìm cách tiếp cận, đột nhập vào rừng thuộc Khu BTTN Ea Sô.
Dân Việt (Huỳnh Thủy-Vũ Long/Tiền Phong)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.