(GLO)- Năm 2013, lần đầu tiên khu vực phía Nam có học sinh đạt huy chương vàng kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Năm 2014, khu vực này lại tiếp tục có huy chương vàng. Một trong những người đã dẫn dắt học sinh đến với những giải thưởng cao nhất của kỳ thi mang tầm quốc tế này là thầy Nguyễn Trọng Tuấn-giáo viên Toán tại Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).
Chuyên môn giỏi là vậy, nhưng Ths. Nguyễn Trọng Tuấn lại là người sống khá giản dị và kín đáo, ít thích nói về mình. Thầy nhận trả lời phỏng vấn chuyên mục Tôi-người Gia Lai bởi một lý do: “Cả tuổi thanh xuân của tôi, cả một quãng đời rất dài tôi đã gắn bó với Gia Lai…”.
“Nghề” đào tạo học sinh giỏi
Có thâm niên giảng dạy lâu năm tại Gia Lai, từ năm 1986 đến 2007, thầy Nguyễn Trọng Tuấn từng công tác ở nhiều đơn vị trường học: THPT Pleiku, THPT Phan Bội Châu, THPT Chuyên Hùng Vương với nhiệm vụ giảng dạy môn Toán-Tin và bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhưng, “ở lâu một chỗ riết nên mình lại muốn thay đổi. Cùng lúc đó, Trường Phổ thông Năng khiếu TP. Hồ Chí Minh nhận mình, vậy là quyết định chuyển công tác luôn”.
Thầy Nguyễn Trọng Tuấn (phải) và em Phạm Tuấn Huy. |
Tại Trường Phổ thông Năng khiếu TP. Hồ Chí Minh, ngôi trường có tiếng về đào tạo học sinh giỏi, thầy Tuấn trở về cái “gốc” là dạy Toán. Thầy cho biết, chương trình giảng dạy ở Trường Phổ thông Năng khiếu ngoài việc đảm bảo theo chương trình của Bộ Giáo dục-Đào tạo còn có nhiều điểm khác biệt so với các trường phổ thông khác, trong đó có việc không quá phụ thuộc vào khuôn khổ chương trình sách giáo khoa, và người thầy chủ yếu đóng vai trò dẫn dắt, gợi mở để học sinh phát huy tính độc lập, sáng tạo. “Muốn vậy, người thầy phải học hỏi không ngừng, nếu không sẽ không theo kịp học trò”-thầy Tuấn trao đổi về kinh nghiệm giảng dạy học sinh năng khiếu trong điều kiện các kênh thông tin và các diễn đàn hết sức rộng mở như hiện nay.
Với sự tận tình dìu dắt của thầy Tuấn và nhiều thầy cô khác trong trường, năm 2013, lần đầu tiên học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu xuất sắc đạt 2 huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 54 tổ chức tại Colombia-Nam Mỹ. Trong kỳ thi tiếp theo tại Cape Town (Nam Phi), học sinh của trường tiếp tục đạt được 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc. Cả 2 học sinh đem về những tấm huy chương danh giá cho Toán học Việt Nam đều từng là học sinh do thầy Tuấn làm chủ nhiệm và được thầy cùng các giáo viên bộ môn Toán trực tiếp bồi dưỡng suốt 3 năm liền.
“Học từ học trò”
Gần 30 năm gắn bó với nghề cũng như tham gia đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, Ths. Nguyễn Trọng Tuấn chia sẻ giản dị: “Nghề nào cũng có những đặc trưng riêng, những lo toan và vất vả riêng của nó. Đối với nghề giáo thì những vui, buồn đều liên quan đến học trò. Học trò ngoan và thành đạt là niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy”. Thầy cũng dí dỏm và thẳng thắn cho hay: “Đối với việc giảng dạy cho học sinh giỏi, đôi khi tôi còn học được ở học trò nhiều điều hay từ cách giải những bài toán khó. Nhiều em giải bài còn nhanh hơn thầy. Hoặc có bài mình “bí” mà học trò vẫn giải ra. Rất mừng và đó cũng là điều hết sức thú vị trong nghề”.
Ngược lại, em Phạm Tuấn Huy-học sinh liên tiếp 2 năm đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế, hiện là du học sinh tại Đại học Standfort (Mỹ) xúc động kể lại, em cũng học được ở thầy Tuấn rất nhiều điều trong những năm tháng ở Trường Phổ thông Năng khiếu. “Thầy là người liên tục sáng tạo, nghĩ ra những ý tưởng, bài toán mới, mặc dù đôi khi điều đó dẫn tới việc chúng em phải thử sức với những bài toán rất khó mà chưa rõ có lời giải hay không. Thầy là người làm toán nhưng cũng vô cùng yêu thích văn thơ. Có một quyển thơ nhỏ thầy tặng cho đội tuyển đã trở thành một trong những quyển sách yêu thích nhất của em. Đôi khi, thầy còn bàn về cuộc sống, đam mê... Với thầy, “sáng tạo, viết bài để cảm thấy đó là một niềm hạnh phúc thực sự trong cuộc sống nhiều thay đổi”, điều này khiến em cảm thấy rất khâm phục. Thầy là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất có lẽ không chỉ với em mà còn với nhiều bạn trong lớp và nhiều thế hệ khác nữa”.
Trò chuyện với P.V xung quanh việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi ở nước ta hiện nay, Ths. Nguyễn Trọng Tuấn nhận định những mặt thuận lợi như: Học sinh ham học, chịu khó; nhà trường và xã hội rất quan tâm đến việc đào tạo học sinh năng khiếu; môi trường học tập ở các trường chuyên tốt và khá đầy đủ tiện nghi… Tuy vậy, khi nói về nghề, thầy cũng có không ít những trăn trở. Thực trạng dễ thấy là ngành Giáo dục đang chịu nhiều áp lực về thành tích, nặng tính “hơn-thua”. Đối với các kỳ thi như Olympic Toán quốc tế, trong khi nhiều nước xem như là một cuộc giao lưu thì Việt Nam lại quá đặt nặng, gần như cả xã hội vào cuộc. Nhiều học sinh cũng chỉ chuyên tâm học mỗi một môn chuyên của mình để tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi. Điều này khiến cho các em khó có thể phát triển một cách toàn diện. “Vì vậy, bên cạnh việc trang bị kiến thức môn năng khiếu, điều cần làm là phải giáo dục học sinh một cách toàn diện hơn ở các bộ môn khác”-thầy Tuấn bày tỏ.
Phương Duyên