(GLO)- Những người Bahnar ở huyện Kông Chro (Gia Lai) có một quan niệm khá thú vị về ngày Tết. Với họ, việc tổ chức Tết không phải là để tiễn đưa năm cũ, chào đón một năm mới an lành, tốt đẹp hơn, mà đây là một nghi thức bắt buộc để dân làng sau đó được phép tiến hành việc nương rẫy của vụ mùa mới.
Những người phụ nữ gùi ghè rượu ngon nhất của gia đình ra khu vực nhà Rông chuẩn bị Tết. |
Chính vì quan niệm như thế nên đối với họ, Tết là ngày lễ quan trọng nhất trong một năm, thời điểm mà lũ làng có cơ hội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đến với Yàng Atâu (ông bà, tổ tiên) và các đấng tối thượng khác. Theo lịch của người Bahnar, một năm được gọi là một mùa rẫy (bắt đầu từ tháng Giêng-thời điểm gieo trồng và kết thúc vào tháng 11 Âm lịch khi nông sản được thu hoạch về kho).
Theo phong tục, sau khi mùa màng được thu hoạch tươm tất, mọi người dân trong làng đều không được làm bất kỳ việc gì liên quan đến rẫy nương khi chưa diễn ra lễ Smăh Cơ Cham (cúng đầu năm, còn gọi là Tết).
Trước thời điểm này, người dân hầu như chỉ quanh quẩn trong làng để chuẩn bị rượu cần, heo, gà… phục vụ lễ cúng. Khi già làng chọn được một ngày bất kỳ được cho là đẹp trong tháng Giêng, dân làng sẽ ngồi lại với nhau họp bàn về kế hoạch tổ chức Tết. Tết ở đây không nhất thiết phải là các ngày mùng Một, mùng Hai, mùng Ba tháng Giêng mà là những ngày phù hợp với điều kiện của từng làng. Do đó, chuyện mỗi làng đều có ngày Tết riêng không có gì là lạ và Tết to hay Tết nhỏ còn phụ thuộc vào kết quả thu hoạch của mùa vụ. Tết của người Bahnar còn độc đáo ở chỗ không phải của riêng ai, mà là của cả cộng đồng. Khi đã chọn được ngày ưng ý, tất cả mọi thành viên trong làng đều tập trung tại nhà Rông để cùng vui chơi, ca hát nhảy múa và thưởng thức Tết. Lũ làng được về nhà khi và chỉ khi ngày thứ 3 của lễ hội kết thúc.
Khi những vật cúng tế đã chuẩn bị xong xuôi, già làng sẽ gióng những hồi trống báo hiệu thời khắc thiêng liêng của dân làng bắt đầu. |
Từng may mắn được thưởng thức một cái Tết tại làng Bro (ngôi làng có chừng 100 hộ thuộc xã An Trung, huyện Kông Chro), P.V được già làng Đinh Văn Tui (sinh năm 1932) hào hứng khoe về phong tục đặc sắc của quê hương mình. Già Tui nói rằng, để chuẩn bị cho ngày Tết, mỗi gia đình trong làng phải góp 1 ghè rượu, 100.000 đồng mua heo, gà… Khi Tết bắt đầu, những người đàn ông khỏe mạnh trong làng sẽ tiến hành mổ heo để lấy máu vẽ lên cây nêu, đầu con vật được treo gần cây nêu cúng Yàng Atâu. Về phần những người phụ nữ, họ sẽ gùi ghè rượu nhon nhất của gia đình ra khu vực nhà Rông, xếp theo từng cặp thẳng hàng. Khi những vật cúng tế đã chuẩn bị xong xuôi, già làng sẽ gióng những hồi trống báo hiệu thời khắc thiêng liêng của dân làng bắt đầu. Tiếp theo đó là tiếng cồng, tiếng chiêng hùng hồn ngân lên, vang dội khắp núi rừng, những người phụ nữ Bahnar trong trang phục truyền thống mới nhất siết tay nhau bên những điệu xoang (nhảy múa) mê hoặc. Lúc này, già làng và những vị chức sắc có uy tín sẽ đứng trước cây nêu cúng Yàng Atâu và các vị thần, họ báo cáo tình hình trong làng, cầu mong các vị thần phù hộ, ban cho họ một mùa màng bội thu, lũ làng luôn khỏe mạnh, không bị con ma bệnh tật quấy nhiễu… Song song với lời khấn vái của các vị chức sắc, 4 người đàn ông trung niên có uy tín khác sẽ ngồi trước những ghè rượu đặt cạnh cây nêu, họ cùng nói chuyện, gọi mời những hồn ma về ăn Tết với lũ làng.
Các nghi lễ cúng Smăh Cơ Cham (cúng đầu năm, còn gọi là Tết). |
Nghi thức này kéo dài chừng 15 phút, những người tham gia cúng tế sẽ uống những ghè rượu cần đặt tại cây nêu, kế đến, họ lần lượt thưởng thức từng ghè rượu ngon nhất do mỗi gia đình trong làng đóng góp. Khi những chức sắc có uy tín vít cần tất cả các ghè rượu thì những người khác mới bắt đầu được đánh chén. Mọi người đều say sưa quây quần bên nhà Rông trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã. Người nào say gục thì được dìu ra tạm nghỉ, tỉnh lại thì tiếp tục tham gia ăn uống, cứ như vậy liên tục 3 ngày trời. Nếu trong những ngày Tết diễn ra, trời ban cho một cơn mưa thì dân làng càng phấn khởi, bởi đây là một điềm may mắn, báo hiệu một vụ mùa bội thu. Và như thế, cái Tết năm sau làng sẽ tổ chức lớn hơn, có cả lễ đâm trâu hiến tế tạ ơn. Theo trí nhớ của già Tui, cách đây 5 mùa rẫy, trong lúc đang tổ chức Tết thì trời đổ mưa và vụ mùa năm đó được bội thu nên dân làng Bro sau đó đã tổ chức lễ đâm trâu rất lớn để cúng Yàng tạ ơn.
Một trong những nét độc đáo, thú vị của cái Tết ở đây chính là, trong 3 ngày trên, để tỏ lòng thành kính của mình lên các thần linh, người dân không được đi ra khỏi làng. Theo giải thích của già Tui, quy định này nói lên rằng, dân làng luôn thể hiện tấm lòng kính cẩn đối với các vị thần. Khi nào kết thúc 3 ngày Tết, lũ làng mới được tự do lên nương, lên rẫy. Ai dám trái lời sẽ bị Yàng Atâu phạt, dân làng bắt vạ.
Tuy nhiên, quy định này mấy năm nay đã có chút thay đổi để tạo điều kiện cho con cháu trong làng vừa có thể hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước, đồng thời không quên phong tục tốt đẹp của dân tộc mình. “Mấy năm nay, làng cũng đã cải cách một số quy định cho phù hợp với xu thế. Đơn cử, thời điểm diễn ra lễ Tết, học sinh phải đi học, cán bộ đã đến cơ quan làm việc, anh bộ đội phải vững chắc tay súng bảo vệ đất nước… Những người này hầu như không cầm cuốc nên các vị thần sẽ không trừng phạt”-Già Tui tự hào kể về suy nghĩ cách tân của làng mình.
Ảnh: Ngọc Linh |
Ngọc Linh