Sản vật Tết - thú ăn, chơi tao nhã của người Việt các vùng miền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ xa xưa, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, người Việt lại có thú vui tìm chọn các loại sản vật thơm ngon, quý hiếm, trước là để dâng cúng tổ tiên, sau là cả gia đình sum vầy thưởng thức.

Thú vui ấy lâu ngày biến thành một nét văn hóa mang tính truyền thống khá thú vị, bởi nó không chỉ phản ánh cái thú ăn, thú chơi tao nhã của người Việt, mà qua đó còn phản ánh được bản sắc văn hóa Tết của từng vùng miền.

 

Hoa sen giấy Thanh Tiên (Huế) dùng để trang hoàng trên bàn thờ ngày Tết
Hoa sen giấy Thanh Tiên (Huế) dùng để trang hoàng trên bàn thờ ngày Tết

Thời phong kiến, sản vật ngày Tết dành cho vua chúa và những gia đình quyền quý là những thứ của ngon vật lạ ở trên rừng dưới bể như ba ba, đồi mồi, sâm cầm, tổ yến, gà chín cựa…

Còn những món dân dã như “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thì nhà nào cũng có, không phân biệt sang hèn.

Cái thú sưu tầm những của ngon, món lạ vào ngày Tết của người Việt cũng phát triển theo thời gian. Xưa chỉ cần bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ là đã có vị Tết. Ngày nay, ngoài những món trên, người Việt còn có thêm nhiều thứ của ngon vật lạ khác như gà Đông Tảo, bưởi Diễn, đào Nhật Tân, Phật thủ, chuối Đại Hoàng…. (miền Bắc); hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, các món ăn cung đình… (miền Trung); hoa mai, bưởi Tân Hồng, bánh tét, gà kỳ lân… (miền Nam).

Thậm chí, khi cuộc sống đủ đầy, nhiều người còn săn tìm cả những sản vật quý hiếm, đắt tiền như tổ yến, cá anh vũ, cá lăng, gà chín cựa… tức những thứ xa xỉ xưa chỉ dành cho vua chúa, để ăn và chơi Tết. Thế mới biết, đất nước phát triển, người dân ăn Tết chả kém gì vua chúa ngày xưa là mấy.

 

Chợ chữ ngày Xuân
Chợ chữ ngày Xuân

Ngày Tết, người Việt khắp mọi miền Tổ quốc thường có lệ tự tay làm hoặc chế biến các món ngon, cầu kì, bắt mắt, mang đặc trưng riêng của từng vùng miền.

Ví dụ như vùng đất châu thổ sông Hồng từ xa xưa đã hình thành nên những làng nghề nổi tiếng chuyên làm nên các món ngon cho ngày Tết như làng bánh chưng, giò chả Ước Lễ ở Hà Nội, bánh mứt Xuân Đỉnh ở Hà Nội, cá kho Đại Hoàng ở Nam Định…

Còn ở miền Trung, xứ Huế, nơi từng là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, hiện vẫn còn lưu giữ khá nhiều phong tục, tập quán Tết xưa, đó là Tết dân gian và Tết cung đình. Ngày nay, cùng với những đổi thay của lịch sử, hình thức ăn Tết cung đình đã hòa quyện vào hình thức ăn Tết dân gian.

 

Mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả ngày Tết

Với các bà, các chị ở Huế, Tết là dịp để họ trổ tài nữ công gia chánh. Tết Huế có hàng trăm món ăn, mặn thì có bánh tét, dưa món, thịt bò dầm nước mắm, giò heo bó, chả thủ, nem, tré, kiệu chua…; ngọt thì đủ loại mứt bánh như mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai lang, mứt bí đao, mứt hạt sen, mứt me, mứt cóc, mứt xoài, bánh in, bánh thuẫn, chè xanh đánh, chè đông sương, chè khoai tía....

Ngoài ra, Huế còn nổi tiếng với các món cỗ chay và hầu hết các bà nội trợ đất Thần kinh ngày nay đều biết nấu được một, hai món chay đặc sắc.

Ngày Tết, trên mâm cúng, bàn ăn hay trong cuộc rượu lai rai của người dân miền Nam có khá nhiều món ăn ngon được chế biến như bánh tét, thịt kho tàu, chả giò, khổ qua dồi thịt, thịt quay, cà ri, lạp xưởng...

Các món này trước dùng cúng ông bà, sau là ăn ba ngày Tết. Cũng như người miền Bắc có bánh chưng trong ngày Tết thì với người miền Nam có bánh tét.

Bánh tét tượng trưng cho sự no ấm từ đời này qua đời khác. Người Nam bộ có nhiều cách chế biến loại bánh này như bánh tét mặn, bánh tét nhân thập cẩm, bánh tét ngọt, bánh tét chay không nhân…

Vào ngày Tết, người Việt thường làm các loại bánh, mứt đặc biệt thơm ngon như: mứt sen, mứt gừng, mứt dừa, bánh bác... để thành kính dâng tổ tiên và tiếp đãi khách đến chơi nhà.

Ngoài những sản vật tự tay chế biến, Tết của người Việt còn có sự góp mặt của nhiều sản vật đặc biệt khác. Ví dụ như đào Nhật Tân, bưởi Diễn (Hà Nội), gà Đông Tảo (Hưng Yên), chuối Đại Hoàng (Hà Nam), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh làng Sình (Huế)...

Cách sử dụng và thưởng thức các sản vật ngày Tết giữa các vùng miền cũng có nét khác nhau khá thú vị. Chẳng hạn người Huế có sở thích dùng tranh làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên để trang trí cho ngày Tết.

 

Đặc sản cá kho Đại Hoàng (Lý Nhân, Nam Định)
Đặc sản cá kho Đại Hoàng (Lý Nhân, Nam Định)

Người dân Nam bộ lại thích chọn các thứ trái cây có sẵn ở xứ miệt vườn để chưng lên bàn thờ tổ tiên. Thông thường, người Nam bộ thường chọn những loại quả như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài để chưng. Bởi theo cách phát âm của người miền Nam thì tên của 4 loại trái cây này đồng âm với 4 chữ “cầu, vừa, đủ, xài”, ý chỉ sự cầu mong tài lộc nhưng cũng chỉ ở mức vừa đủ chứ không tham nhiều.

Ngoài ra, người dân Nam bộ quan niệm hoa mai đồng nghĩa với sự may mắn. Vì thế, vào ngày Tết nhà nào cũng có một cành mai vàng trưng trong nhà. Một cành mai nở hoa vàng rực vào những ngày đầu năm là niềm vui lớn cho cả nhà, báo hiệu điều tốt lành cho cả năm.

Người Việt coi trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn nên thường tặng nhau sản vật ngày Tết. Xưa kia, trò tặng thầy con gà quý thể hiện sự tôn sư trọng đạo; con biếu bố mẹ tấm lụa, cành đào, chậu mai thể hiện ơn nghĩa sinh thành; người tri âm, tri kỷ tặng nhau câu đối, bức tranh để tình bang giao bằng hữu thêm mặn nồng, khăng khít...

Ngày Tết, người Việt thường có tục mời nhau đến nhà ăn Tết, chúc Xuân. Mâm cỗ ngày Tết bao giờ cũng đủ đầy các món ngon, nhà cửa thì trưng bày nhiều thứ đẹp mắt.

Ngày đầu Xuân, khách và gia chủ nhấp chén rượu quý, nhấm nháp mấy món ăn ngon, ngắm cành hoa đẹp, thưởng thức câu đối hay... thế là thấy cái không khí Tết đã đong đầy. Văn hóa ấy cứ thế lan truyền từ đời nọ sang đời kia, thể hiện cái cội rễ tình làng nghĩa xóm bền vững của người Việt.

GLO (st)

Có thể bạn quan tâm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép tiễn ông Táo

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép tiễn ông Táo

Chiều 26/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng đông đảo kiều bào về dự chương trình Xuân quê hương 2019, đã thực hiện nghi thức thả cá chép tại Hồ Gươm, theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhân dịp Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp hàng năm), cầu cho quốc thái dân an, đất nước thái bình, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Hoài niệm Tết

Hoài niệm Tết

(GLO)- Thế là tôi đã có gần 40 cái Tết với Pleiku rồi. Không biết như thế là dài hay ngắn nhỉ? Dài ngắn chả biết nhưng đã có đến 3 thế hệ nhà tôi ăn Tết ở đây. Thế hệ đầu tiên là tôi, tất nhiên. Ăn 3 cái Tết cô đơn ở Pleiku thì… lấy vợ.
Món ăn ba miền đậm nét văn hóa ngày Tết cổ truyền

Món ăn ba miền đậm nét văn hóa ngày Tết cổ truyền

Đối với người Việt, Tết cổ truyền không chỉ là thời khắc được quay quần bên gia đình, người thân, bạn bè mà còn là nét văn hóa truyền thống đã có từ hàng ngàn năm nay. Dù cuộc sống có bộn bề, thiếu thốn thì mỗi gia đình người Việt Nam đều cố gắng chuẩn bị một cái Tết thật vui vẻ, tươm tất nhất có thể.
Rộn ràng chuẩn bị đón năm mới

Rộn ràng chuẩn bị đón năm mới

(GLO)- Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2018. Năm nay, dù kinh tế còn khó khăn nhưng người dân trên địa bàn tỉnh vẫn cố gắng chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đủ đầy, ấm áp.
Áo dài xuống phố

Áo dài xuống phố

Vài năm gần đây, xu hướng người trẻ mặc áo dài tại các sự kiện như lễ, tết, sinh nhật… trở nên phổ biến.
Tết gần kề, ký ức ùa về

Tết gần kề, ký ức ùa về

Fountain Valley, nơi tôi định cư trong những năm qua, mỗi khi Tết đến là những ký ức lại hiện về.Ba cái Tết rồi xa nhà, nhịp sống những ngày đầu năm mới âm lịch dường như
Phong vị Tết cổ truyền

Phong vị Tết cổ truyền

(GLO)- Tết cổ truyền là lúc sum vầy, đoàn tụ, cũng là dịp để người dân có cơ hội thưởng thức phong vị, phong tục độc đáo trong đời sống văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là ở xã Tơ Tung (huyện Kbang)-nơi tụ cư của 13 dân tộc anh em.
Tết sum vầy!

Tết sum vầy!

(GLO)- Năm nay, thời gian nghỉ tết Đinh Dậu 2017 kéo dài 7 ngày. Nhờ làm tốt tác chăm lo Tết cho nhân dân và trực sẵn sàng chiến đấu một cách chu đáo của các ngành, các cấp nên không khí vui Tết đón xuân thật đầm ấm; tình hình an ninh ở các địa phương cơ bản được giữ vững.
Chữ nghĩa ngày xuân biểu tượng tâm hồn Việt

Chữ nghĩa ngày xuân biểu tượng tâm hồn Việt

Dân tộc ta vốn nền văn hiến đã lâu, yêu cái chữ, trọng nhân nghĩa, học hành. Trong nhà nhiều khi không có của cải đáng kể, song ở phòng khách hay nơi làm việc lại luôn thấy những bức tranh chữ, câu đối, thơ phú với vô vàn lời hay - ý đẹp.