Khai bút đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khai bút là một nét văn hóa đẹp của các nước Á Đông. Không rõ mỹ tục này đã có từ bao giờ, chỉ biết các bậc tao nhân mặc khách ngày xưa thường khai bút đầu năm. Ngày nay, một số ít nhà thơ, nhà văn, nhà báo cũng còn giữ lệ ấy mỗi khi Tết đến Xuân về.
Khai bút đầu năm. Ảnh: Vĩnh Xuân
Khai bút đầu năm. Ảnh: Vĩnh Xuân
Ngày xưa, các cụ khai bút rất cầu kỳ, trang trọng. Tôi còn nhớ thuở bé đọc tiểu thuyết “Thanh đạm” của nhà văn Nguyễn Công Hoan có đoạn tả cảnh khai bút ở một huyện đường như sau: “Giữa công đường bày một cái sập, trên trải chiếu cạp điều, phủ thêm khăn gấm. Mé ngoài bày một đỉnh trầm và đôi đèn sáp ong thắp sáng; mé trong bộ tam sự, lọ sứ cắm cây chuối có gài vài bông giấy đỏ. Đối diện với lộc bình là tấm gương mờ đặt trên giá gỗ. Quan huyện mặc áo thụng, bước vào giữa chiếu trải dưới đất, cúi lạy lễ vọng Hoàng thượng (vua) 5 lạy rồi lui ra cho các thầy đề, thầy thông vào lễ. Xong, quan huyện ra ngồi ở ghế ngựa kê ở gian bên sau chiếc án thư trùm nhiễu đỏ, có để sẵn giấy hồng điều. Quan khai bút bốn chữ “Vạn niên an lạc”, rồi đóng ấn son niên hiệu nhà vua ở phía trên. Thầy đề bắc thang leo lên bóc tờ hoa niên năm ngoái đã bạc màu, dán tờ tân xuân khai bút mới, màu đỏ tươi lên giữa xà nhà công đường…”.
Thế đấy, lễ khai bút ngày xưa rất cầu kỳ, trang trọng như là một “tín ngưỡng”. Nó được duy trì liên tục suốt một thời gian dài Hán học và có lẽ thưa dần vào thời tân học, tức thời thuộc Pháp, học chữ quốc ngữ?
Vào cái thuở giao thời ấy, các cụ nhà ta vẫn giữ nếp khai bút, như ông Tú thành Nam Trần Tế Xương viết về việc mình khai bút đầu xuân rồi khoe với vợ:
“Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt”!
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng: Dốt hay hay?
Thưa rằng: Hay thực là hay
Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài!...
Nhà thơ trào phúng trứ danh Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) cũng “luận” về cái sự khai bút:
Là văn sĩ lẽ nào không khai bút
Chẳng hay ho cũng nắn nót một bài
Ngót hai năm xổng bút mỉa mai đời
Thì Tết đến cũng phải có bài thơ rắc rối
Rót thêm mực, thay ngòi bút mới
Thảo mấy dòng cảm khái sau đây…
Thú chơi tao nhã này sánh ngang hàng với thư pháp. Các kiểu chơi chữ, cho chữ, xin chữ, rước chữ cũng từ đấy mà ra.
Khai bút có thể là một chữ, một câu, một đoạn hoặc cả bài.
Những chữ thường viết nhất vào ngày Tết là: Phúc, Đức, Tài, Lộc, Ân, Nghĩa, Thần, Thọ, Tâm, Nhân, Nhẫn, Đại cát, An khang, Thịnh vượng…
Ngày xưa viết bằng chữ Hán, các cụ thường dùng các kiểu viết để thể hiện biệt tài “phượng múa rồng bay” của mình, như: cổ lệ, đại triện, chân phương, chân thảo, khải thư…
Ngày nay dùng chữ quốc ngữ với ký tự La-tinh, các nhà thư pháp cũng vung bút tùy thích theo ngẫu hứng của mình, thậm chí có chữ… không tài nào đọc ra! Có người còn tách, ngắt chữ quốc ngữ, khuôn theo kiểu chữ vuông như Hán tự cho có vẻ… cổ điển!
Chữ và nghĩa của những câu từ khai bút thường biểu lộ tâm trạng và tư duy của người viết. Nét chữ thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ, tự tin hoặc bay bướm, tài hoa, khí phách theo nghĩa hướng tới cái đẹp, cái đạt, cái hay. Là cũng bởi các cụ quan niệm nếu nói cái xấu, cái dở, cái xúi quẩy thì có khi nó “vận” vào mình, khó thoát!
Tuy nhiên, tùy tâm trạng và tình cảnh hiện tại của người viết, cũng có khi thể hiện cái sầu, cái hận, cái khổ, cái chí riêng. Ví dụ tương truyền những ngày “lăn lóc” đất phương Nam, vào một Tết nọ, “nhà thơ đồng quê” Nguyễn Bính có khai bút bài thơ tứ tuyệt rồi đem dán trước cổng ngõ căn nhà đang ở trọ:
Từ độ về đây sống kiếp nghèo
Bạn bè còn có gió trăng theo
Những thằng bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu!
Có người hiểu thoáng qua, cho rằng Nguyễn Bính “khoe” cái nghèo của mình, nhưng thật ra là nhằm “hạ bệ” bọn bất nghĩa bất nghì, để tụng ca cái đẹp, cái tốt đấy! Tết nhất mà lị, ai lại nói cái dở, cái xấu ra làm gì!
Kẻ hậu sinh này, có lúc cuộc sống rơi vào khoảng “thất chí, sầu đời” cũng bắt chước các cụ viết đôi bài khai bút. Ví dụ Giao thừa năm 35 tuổi, do cứ quẩn quanh ngẫm nghĩ câu thơ kinh điển của Đỗ Phủ, bèn có bài khai bút, lấy nhan đề Kính tặng ông Đỗ Phủ:
“Nhân sinh thất thập cổ lai hy”!
Mới sống nửa câu thơ mà đã đuối!
Cứ lây lất mỗi năm thêm một tuổi,
Biết có còn nửa nữa để… nhân đôi?
Tưởng nó sẽ “vận” vào mình mà chết yểu, hóa ra cứ sờ sờ, đến nay đã sắp bằng cái số tuổi trong thơ Đỗ Phủ rồi! Có “đuối” đấy nhưng… chả sao cả!
Một tí tản mạn trên đây, vừa chơi vui, vừa cũng là để hoài niệm lại một nét đẹp xưa nay đã hao mòn.
Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép tiễn ông Táo

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép tiễn ông Táo

Chiều 26/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng đông đảo kiều bào về dự chương trình Xuân quê hương 2019, đã thực hiện nghi thức thả cá chép tại Hồ Gươm, theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhân dịp Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp hàng năm), cầu cho quốc thái dân an, đất nước thái bình, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Hoài niệm Tết

Hoài niệm Tết

(GLO)- Thế là tôi đã có gần 40 cái Tết với Pleiku rồi. Không biết như thế là dài hay ngắn nhỉ? Dài ngắn chả biết nhưng đã có đến 3 thế hệ nhà tôi ăn Tết ở đây. Thế hệ đầu tiên là tôi, tất nhiên. Ăn 3 cái Tết cô đơn ở Pleiku thì… lấy vợ.
Món ăn ba miền đậm nét văn hóa ngày Tết cổ truyền

Món ăn ba miền đậm nét văn hóa ngày Tết cổ truyền

Đối với người Việt, Tết cổ truyền không chỉ là thời khắc được quay quần bên gia đình, người thân, bạn bè mà còn là nét văn hóa truyền thống đã có từ hàng ngàn năm nay. Dù cuộc sống có bộn bề, thiếu thốn thì mỗi gia đình người Việt Nam đều cố gắng chuẩn bị một cái Tết thật vui vẻ, tươm tất nhất có thể.
Rộn ràng chuẩn bị đón năm mới

Rộn ràng chuẩn bị đón năm mới

(GLO)- Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2018. Năm nay, dù kinh tế còn khó khăn nhưng người dân trên địa bàn tỉnh vẫn cố gắng chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đủ đầy, ấm áp.
Áo dài xuống phố

Áo dài xuống phố

Vài năm gần đây, xu hướng người trẻ mặc áo dài tại các sự kiện như lễ, tết, sinh nhật… trở nên phổ biến.
Tết gần kề, ký ức ùa về

Tết gần kề, ký ức ùa về

Fountain Valley, nơi tôi định cư trong những năm qua, mỗi khi Tết đến là những ký ức lại hiện về.Ba cái Tết rồi xa nhà, nhịp sống những ngày đầu năm mới âm lịch dường như
Phong vị Tết cổ truyền

Phong vị Tết cổ truyền

(GLO)- Tết cổ truyền là lúc sum vầy, đoàn tụ, cũng là dịp để người dân có cơ hội thưởng thức phong vị, phong tục độc đáo trong đời sống văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là ở xã Tơ Tung (huyện Kbang)-nơi tụ cư của 13 dân tộc anh em.
Tết sum vầy!

Tết sum vầy!

(GLO)- Năm nay, thời gian nghỉ tết Đinh Dậu 2017 kéo dài 7 ngày. Nhờ làm tốt tác chăm lo Tết cho nhân dân và trực sẵn sàng chiến đấu một cách chu đáo của các ngành, các cấp nên không khí vui Tết đón xuân thật đầm ấm; tình hình an ninh ở các địa phương cơ bản được giữ vững.
Chữ nghĩa ngày xuân biểu tượng tâm hồn Việt

Chữ nghĩa ngày xuân biểu tượng tâm hồn Việt

Dân tộc ta vốn nền văn hiến đã lâu, yêu cái chữ, trọng nhân nghĩa, học hành. Trong nhà nhiều khi không có của cải đáng kể, song ở phòng khách hay nơi làm việc lại luôn thấy những bức tranh chữ, câu đối, thơ phú với vô vàn lời hay - ý đẹp.