Tây Nguyên nỗ lực chống hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ở các tỉnh Tây Nguyên diễn biến phức tạp không theo quy luật, nhất là mùa khô hạn kéo dài và ngày càng khốc liệt.
 
Vườn cà-phê héo khô ở xã Đạ Sal, huyện Đam Rông, Lâm Đồng.
Thực tế đó khiến cho hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời, cuộc sống và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, các địa phương cần thực thi những giải pháp căn cơ, bền vững trong bảo đảm nguồn nước cũng như tìm kiếm phương thức thích ứng điều kiện khí hậu...
Bài 1: Qua những vùng khô khát
Dưới cái nắng gay gắt giữa những ngày cao điểm mùa khô, nhóm phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Tây Nguyên đã tìm về những địa phương đang bị ảnh hưởng nặng bởi khô hạn. Ghi nhận ban đầu của chúng tôi là những cơn khát đang làm cho cây trồng héo hắt và người dân mệt mỏi, tắt dần niềm hy vọng về một vụ mùa bội thu…
Vừa đặt chân đến cánh đồng lúa Ea Pren ở buôn Bhung (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Ðắk Lắk), đập vào mắt chúng tôi là cảnh khô khốc, đất nứt toác, lúa chết khô. Một vài đám lúa trổ bông nhưng do thiếu nước nên lép hạt, giờ trở thành thức ăn của bò. Ông Ðỗ Anh Trung ra thăm đồng với nét mặt héo hắt. Gia đình ông canh tác ở cánh đồng này đã nhiều năm nhưng chưa có năm nào lúa mất trắng như vậy. Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết: "Vụ đông xuân này, toàn xã gieo trồng 230 ha lúa, tuy nhiên đến nay đã có hơn 100 ha cháy khô, số diện tích còn lại giảm năng suất 50%. Ngoài lúa, xã còn có 20 ha ngô, 270 ha sắn, 1.100 ha cà-phê cũng đang thiếu nước nghiêm trọng". Ông Tâm cho biết, trước tình hình hạn hán khốc liệt, xã đã chi 300 triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng, cùng gần 100 triệu đồng của người dân đóng góp, kéo đường điện ba pha dài nhiều ki-lô-mét giúp người dân bơm nước sông lên tưới. Ngoài ra, xã hỗ trợ các hộ có diện tích cây trồng gặp hạn, mỗi hộ một triệu đồng…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Ðắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, toàn tỉnh có tổng số 782 công trình thủy lợi. Qua kiểm tra cho thấy, đến nay lượng nước trữ các hồ chứa nhỏ phổ biến còn khoảng dưới 35% dung tích thiết kế, trong đó 64 hồ cạn trơ đáy; các hồ chứa vừa và lớn phổ biến từ 40 đến 60% dung tích thiết kế. Mực nước sông, suối, nước ngầm thấp; lượng dòng chảy mặt thiếu hụt khoảng 50 đến 70% so với trung bình nhiều năm. Mực nước sông Krông Nô xuống quá thấp; một số vùng do tình trạng khoan giếng để khai thác nước tầng sâu kéo dài đã làm cho lượng nước ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn. Theo ông Dương, đến giữa tháng 4, trên địa bàn tỉnh đã có 8.949 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 3.761 ha lúa, 2.011 ha cây hoa màu, 3.176 ha cây lâu năm. Nắng nóng và khô hạn kéo dài làm hơn 1.260 hộ dân trong tỉnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, dự kiến đến cuối vụ sản xuất đông xuân, toàn tỉnh có khoảng 30.000 ha cây trồng thiếu nước, gồm 5.000 ha lúa, 5.000 ha hoa màu và 20.000 ha cây lâu năm; trong đó diện tích bị mất trắng khoảng 2.000 ha và khoảng 2.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Ngược lên huyện Ea Kar (Ðắk Lắk), hàng nghìn héc-ta cây trồng cũng đang thiếu nước, trong đó, nhiều diện tích lúa mất trắng, hàng chục héc-ta cây công nghiệp bị chết. Tại cánh đồng của Công ty TNHH MTV cà-phê 716, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - nông nghiệp Hoàng Văn Mười cho biết: Vụ này, công ty gieo cấy 500 ha lúa, trong đó có 90 ha lúa giống. Hiện tại, nước đã cạn kiệt, các trạm bơm, giếng khoan đều đã khô khiến 20 ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó có 5 ha khô cháy, diện tích còn lại giảm năng suất khoảng 20%. Bên cạnh đó, công ty có gần 150 ha cà-phê, nhưng có 7 ha đã chết, không thể phục hồi, số còn lại năng suất dự kiến cũng sẽ giảm 30 đến 40%. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô Vũ Thị Sen thông tin: Hàng chục năm lại đây, chưa năm nào hạn hán khốc liệt như vậy. Ðến thời điểm hiện tại, xã có gần 70 ha lúa mất trắng, 17 ha cà-phê và 10,7 ha tiêu, 41,7 ha điều, 2,5 ha cây ăn quả bị chết khô. Không chỉ thiếu nước tưới cho cây trồng mà nhiều giếng đào, giếng khoan của người dân cũng cạn khô…
Tại tỉnh Gia Lai, Ðăk Pơ là một trong những vùng nguyên liệu mía lớn với diện tích 5.381 ha. Ông Ðinh Văn Tương, Trưởng thôn Bút (xã An Thành) cho biết: "Từ cuối năm 2019 tới giờ, trên địa bàn không có cơn mưa nào thật sự lớn, không đủ độ ẩm cho đất. Mía không phát triển được, cây thấp lè tè, chưa có lóng, nhiều đám bắt đầu khô cháy". Theo tính toán của người dân, chắc chắn năng suất giảm hơn 50%. Trên địa bàn Gia Lai có 344 công trình thủy lợi với tổng năng lực tưới theo thiết kế là 54.944 ha, tuy nhiên, do năm nay lượng mưa giảm, cùng với nắng nóng kéo dài đã làm cho lượng nước thiếu hụt từ 50 đến 80% so với trung bình hằng năm. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Gia Lai Ðoàn Ngọc Có cho biết: Ðến nay, toàn tỉnh có hơn 1.400 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, chủ yếu là lúa. Các loại cây công nghiệp như cà-phê, hồ tiêu đang là thời điểm cần nước tưới nhưng có nguy cơ bị chết.
Cũng tại khu vực bắc Tây Nguyên, tình hình hạn hán ở Kon Tum ngày càng khốc liệt, với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp bị hạn là 761,85 ha. Chị Y Van (xã Ngọc Bay, TP Kon Tum) nói: "Nhà mình trồng ba sào lúa. Khi lúa vừa trổ bông thì bị hạn, đồng ruộng khô khốc, buộc phải cắt lúa cho bò ăn". Về nước sinh hoạt, hiện có bảy công trình và 877 giếng nước bị khô, ảnh hưởng tới 1.518 hộ dân. Thời gian tới, nếu không có mưa, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng lên đến 1.340 ha; 26 công trình nước sinh hoạt và 1.250 giếng có khả năng khô nước, làm 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng…
Ở phía nam Tây Nguyên, tình hình khô hạn cũng diễn biến phức tạp. Từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều hồ và đập thủy lợi tại tỉnh Lâm Ðồng sụt giảm nguồn nước, nhiều hồ chứa đã ở mực nước chết, nguy cơ hạn hán diễn ra trên diện rộng. Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng lúa, bà Ma Vương Nai Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hine (huyện Ðức Trọng) cho biết, nếu không có phương án điều tiết nước tưới phù hợp, cánh đồng hơn 60 ha này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ðã gần giữa trưa, nhiều cán bộ khuyến nông của xã cùng người dân vẫn tất bật khơi mương dẫn nước về đồng. Trong những con mương nhỏ, mực nước rất thấp. Anh K’Tiến lo lắng: "Vụ này, gia đình mình canh tác hai sào lúa, cùng với 1 ha cà-phê.
Ðể tưới cà-phê, mình đã đào thêm ao; còn ruộng lúa, may nhờ chính quyền hỗ trợ tăng cường máy bơm, không thì coi như mất trắng". Cả huyện Ðức Trọng có sáu đập dâng, 33 hồ thủy lợi, sáu trạm bơm, nhưng hiện mực nước tại nhiều hồ chứa thấp hơn mức trung bình khá lớn, khiến hơn 30.000 ha cây trồng hằng năm và hơn 20.000 cây lâu năm bị ảnh hưởng. Còn tại huyện Ðam Rông (Lâm Ðồng), Phòng NN và PTNT huyện cho biết, hiện địa phương có 80 công trình thủy lợi. Nguồn nước tại các công trình, ao, hồ nhỏ đáp ứng nguồn nước tưới cho 8.000 ha và nguồn nước từ sông, suối đáp ứng được gần 5.000 ha cây trồng. Thế nhưng, do nắng hạn kéo dài khiến mực nước xuống thấp, nhiều công trình thủy lợi bị xuống cấp. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ xảy ra hạn hán cục bộ, thiếu nguồn nước tưới cho hơn 1.400 ha cây trồng.
Tỉnh Ðắk Nông có 238 hồ chứa, với tổng dung tích thiết kế khoảng 135 triệu m3. Do mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm nên lưu lượng nước về các hồ chứa nhỏ, dung tích chứa ít, nhiều công trình chưa tích đủ nước so với dung tích thiết kế. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 260 ha cây trồng nằm ngoài phạm vi phục vụ nước tưới của các công trình thủy lợi bị hạn, mức độ thiệt hại từ 30 đến 70%. Hơn 700 ha cây trồng nằm trong phạm vi nước tưới của 15 công trình, khu tưới trên địa bàn bị hạn, không có khả năng bổ sung nguồn nước. Ngoài các diện tích cây trồng đang được bơm tưới tận dụng từ các ao, hồ nhỏ, giếng khoan, còn khoảng 13.000 ha cây trồng do nguồn nước ngầm suy giảm nên không bảo đảm nguồn tưới. Chi cục trưởng Thủy lợi Ðắk Nông Lê Trung Kiên cho biết: Nếu từ nay đến cuối vụ, thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi thì tình trạng hạn hán có nguy cơ diễn ra trên toàn tỉnh với hơn 19.000 ha bị ảnh hưởng, có khoảng 58 công trình thủy lợi cạn kiệt nguồn nước. Chủ tịch Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Ðắk Nông Lê Viết Thuận cung cấp thêm: Hiện đơn vị đang quản lý, khai thác 252 công trình thủy lợi, trong đó có 20 hồ chứa. Ðến thời điểm này có 31 công trình thủy lợi, khu tưới hạn hán, thiếu nước, làm ảnh hưởng gần 3.300 ha cây trồng các loại, trong đó diện tích có nguy cơ giảm năng suất hoặc mất trắng là gần 600 ha.
Tại huyện Krông Nô (Ðắk Nông), từ tháng 11-2019 đến nay chưa hề có mưa, nắng nóng kéo dài, tình hình khô hạn ngày càng gay gắt. Trong số 45 công trình thủy lợi, trạm bơm của huyện, đã có nhiều công trình nước không còn khả năng bơm tưới hoặc nằm dưới mực nước chết, các hồ chứa còn lại chỉ còn dưới 40% dung tích thiết kế. Ðến nay, Krông Nô có gần 3.200 ha cây công nghiệp dài ngày bị ảnh hưởng, trong đó có 55 ha bị hạn nặng với mức độ thiệt hại từ 30 đến 70%. Thời gian tới, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, diện tích cây trồng bị thiệt hại sẽ lên đến khoảng 5.000 ha…
(Còn nữa)
BIỂU LÝ HÒA VÀ YÊN BẢO THẮNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.