Tây Nguyên: Nghịch lý tinh giản biên chế và bài toán thiếu hàng nghìn GV

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thông tư 06 quy định rõ định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Tuy nhiên, nhiều tỉnh Tây Nguyên chưa triển khai bởi còn nhiều bất cập. Ảnh: P.V
Thông tư 06 quy định rõ định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Tuy nhiên, nhiều tỉnh Tây Nguyên chưa triển khai bởi còn nhiều bất cập. Ảnh: P.V
Trong năm học 2018 - 2019, nhiều địa phương tại Tây Nguyên đang thiếu hàng nghìn giáo viên, đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học. Nguyên nhân của tình trạng này là do quá trình gia tăng dân số quá nhanh và những bất cập trong việc triển khai quy định của Nhà nước. Dù thực tế là thiếu giáo viên nhưng những địa phương này vẫn phải thực hiện tinh giản bộ máy biên chế nhà nước… Đây là điều nghịch lý cần tháo gỡ!
Thiếu giáo viên, học trò chịu thiệt
Báo cáo chưa đầy đủ của Sở Nội vụ Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện thiếu hơn 1.000 giáo viên (GV), phần lớn là GV bậc mầm non. Nguyên nhân được cho là theo Thông tư liên tịch 06/2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (gọi tắt là Thông tư 06) quy định đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ ngày bố trí tối đa là 2,2 GV/lớp thì trường thiếu đến 12 GV. Trong khi đó, cơ chế để tuyển GV biên chế, nhất là ở bậc mầm non vẫn còn nhiều bất cập.
Tại Trường Mẫu giáo Bông Sen trên địa bàn xã Cư Né (huyện Krông Búk), hiện đang thiếu 2 GV biên chế. Lãnh đạo nhà trường cho biết, nếu căn cứ theo Thông tư 06 thì trường phải là 13 GV nhưng thực tế hiện chỉ có 10 GV. Việc thiếu GV khiến công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn.
“Năm nay trường nhận 191 học sinh nhưng việc thiếu GV, nhà trường đã có văn bản trình Phòng GDĐT huyện để xin thêm biên chế. Tôi mong các cấp, các ngành xem xét, sớm bố trí biên chế cho các GV hợp đồng nhà trường để thầy cô an tâm công tác” - đại diện lãnh đạo Trường Mẫu giáo Bông Sen nói.
Nếu như ở Đắk Lắk, việc thiếu GV được lý giải bởi những bất cập trong việc triển khai Thông tư 06 thì ở Đắk Nông, việc thiếu GV lại xuất phát từ tình trạng gia tăng dân số đột biến. Điển hình như ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông) trong năm học 2018-2019, huyện này thiếu khoảng 113-117 GV các cấp, trong đó thiếu nhiều nhất là GV bậc mầm non. Theo ông Nguyễn Xuân Đan - Trưởng phòng GDĐT huyện Tuy Đức, nguyên nhân của tình trạng thiếu GV nhiều năm liền là việc gia tăng dân số tự nhiên cao; dân di cư tự do, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc vào Đắk Nông rất lớn. Dân số tăng cao nhưng số GV biên chế, GV hợp đồng được phân bổ về địa phương hạn chế, không đáp ứng kịp nhu cầu dạy học.
Hay trong năm học 2018-2019, huyện Đắk G’Long có khoảng 542 lớp với 17.627 học sinh ở các cấp học, tăng 18 lớp và 850 học sinh so với năm học 2017-2018. Đây cũng là huyện thiếu nhiều GV nhất tỉnh Đắk Nông, tức phải cần khoảng 290 GV nữa để đáp ứng nhu cầu dạy học. Trong số đó, thiếu nhiều nhất vẫn là GV bậc học mầm non với khoảng 208 GV.
Thiếu vẫn thiếu, nhưng không thể thêm (?!)
Ông Hà Văn Đại - Trưởng phòng Cán bộ tổ chức, Sở GDĐT Đắk Nông - thừa nhận đối với GV ở bậc học mầm non và cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh hiện đang thiếu nhiều. Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, nhu cầu biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh là 562 biên chế trong năm học này.
Hiện Sở GDĐT Đắk Nông đang tiến hành rà soát, xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông nhiều cấp học và Đề án sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học.
Sau khi rà soát, xây dựng và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các đề án nói trên, Sở GDĐT phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện/thị xã tiến hành điều chuyển GV từ các đơn vị, địa phương thừa biên chế sang các đơn vị, địa phương thiếu biên chế. “Để đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong năm học 2018-2019, Sở GDĐT phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đồng ý chủ trương cho hợp đồng 385 GV mầm non” - ông Đại thông tin.
Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GDĐT Đắk Lắk - thừa nhận, tình trạng thiếu GV mầm non đã xảy ra từ những năm học trước. Nguyên nhân là bởi vướng trong quá trình triển khai Thông tư 06 và các Nghị quyết tinh giản biên chế của Trung ương.
Hữu Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.