Tây Nguyên: Mỗi năm có 180.000ha cà phê già cỗi cần tái canh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiện nay, có khoảng 30% diện tích cây cà phê già cỗi ở Tây Nguyên cần tái canh, tương ứng khoảng 180.000 ha cà phê (trong tổng số hơn 603.000 ha cà phê đang cho thu hoạch), nhưng các nguồn lực dành cho tái canh vườn cà phê già cỗi hiện nay rất ít.

Đó là trăn trở của ông Phạm Phú Ngọc, trưởng Đại diện Nestlé Việt Nam tại Tây Nguyên, cũng là một nông dân trồng cà phê chính hiệu tại Đắk Lắk.

Ông Ngọc cho biết: "Có đi sát vào đời sống của người nông dân trồng cà phê, mới thấy được mong muốn của họ về việc sớm được tái canh vườn cà phê già cỗi là thế nào. Thế nhưng, việc tiếp cận các nguồn lực để tái canh vườn cà phê hiện nay là rất khó…".


 

Nông dân Đắk Lắk canh tác cà phê vụ mùa 2019-2020 (Ảnh: Quốc Hải)
Nông dân Đắk Lắk canh tác cà phê vụ mùa 2019-2020 (Ảnh: Quốc Hải)



Diện tích cà phê già cỗi cần tái canh rất lớn

Khảo sát của Nestlé Việt Nam tại các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, niên vụ 2019-2020, diện tích trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đạt khoảng 603.500ha (chỉ tính diện tích cà phê đang cho thu hoạch), sản lượng đạt hơn 1,64 triệu tấn, với năng suất bình quân là 2,74 tấn/ha; giải quyết 1 triệu việc làm và mang lại thu nhập hơn 3,4 tỷ USD cho nền kinh tế.

Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất với 210 nghìn ha, kế đến là Lâm Đồng 162 nghìn ha; Đắk Nông 135 nghìn ha; hai tỉnh còn lại là Gia Lai và Kon Tum, diện tích trồng lần lượt là 82,5 nghìn ha và 14 nghìn ha. Tuy nhiên, diện tích vườn cà phê già cỗi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang ngày càng tăng lên.

"Trước đây, dự báo của ngành cà phê thì có khoảng 20% diện tích cà phê già cỗi cần tái canh. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát từ chúng tôi, hiện nay diện tích cần tái canh đã tăng lên 30%, nếu tính con số này trong tổng số hơn 600 nghìn ha cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên, thì mỗi năm phải cần tái canh tới trên dưới 180 nghìn ha cà phê" - ông Ngọc tính toán.

Cũng theo ông Ngọc, trước đây có nghe đến gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ nông dân tái canh vườn cà phê già cỗi, nhưng sau đó theo tìm hiểu thì đây là tính luôn tiền của doanh nghiệp và của chính nông dân, còn thực tế, tiền giải ngân đến nông dân rất khó do phần lớn nông dân đã từng vay trước đây thông qua các chương trình khác, nên không đủ điều kiện để vay từ các ngân hàng chỉ định của chương trình tái canh…

Đồng quan điểm, ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam nhận định, mục tiêu tái canh cho các diện tích vườn cà phê già cỗi ở Việt Nam hiện nay còn khá xa.

"Sau 10 năm triển khai chương trình Nescafé Plan ở Việt Nam, chúng tôi mới chỉ hỗ trợ phân phối khoảng 46 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân, giúp tái canh khoảng 46.000 ha diện tích cà phê già cỗi. Việc làm này cũng chỉ như "muối bỏ biển" khi mỗi năm diện tích cà phê cần tái canh sẽ càng tăng thêm.

Dù vậy, chúng tôi vẫn tự hào là đã triển khai tập huấn cho hơn 260 nghìn lượt nông dân kỹ thuật canh tác bền vững, giúp 21.059 nông hộ đạt chứng chỉ quốc tế 4C; đặc biệt, giúp hỗ trợ và xây dựng công cụ quản lý Nhật ký nông hộ dựa trên công nghệ số nhằm thay thế việc quản lý bằng giấy tờ" - ông Binu Jacob cho hay.

 Nông dân canh tác cà phê ở Tây Nguyên
Nông dân canh tác cà phê ở Tây Nguyên


Là người trực tiếp hướng dẫn nông dân trồng cà phê triển khai Nhật ký nông hộ, ông Phạm Phú Ngọc, trưởng Đại diện Nestlé Việt Nam tại Tây Nguyên, cho biết thông qua việc nhập dữ liệu đầu vào của nông dân trong quá trình canh tác qua ứng dụng trên điện thoại di động, một bức tranh rõ ràng về hiện trạng vườn cà phê của nông dân hiện ra ngay trước mắt. Nhờ đó, cán bộ kỹ thuật có thể kịp thời cảnh báo về việc sử dụng phân thuốc ngoài danh mục, hay dùng quá nhiều phân bón hóa học... để tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục.

"Thông qua phần mềm này, nông dân cũng dễ dàng tìm thấy các thông tin về chi phí mùa vụ và giá thành sản xuất một cách trực quan và nhanh chóng nhất, thay vì tù mù hay ước tính như trước kia. Đặc biệt, các thông tin về quy trình canh tác, ngày công lao động, vật tư đầu vào... đều được cập nhật vào phần mềm. Tới khi bán cà phê, phần mềm tính toán toàn bộ chi phí mùa vụ để đưa ra giá thành sản xuất của vụ đó cho người nông dân" - ông Ngọc chia sẻ thêm.

Trăn trở việc nâng cao giá trị cà phê Việt

Ông Nguyễn Hắc Hiển - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho hay, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk rất ấn tượng với các chương trình tái canh cà phê bền vững, trong đó có dự án Nescafé Plan, bởi quá trình tái canh đã chứng minh, nông dân tham gia dự án có thể tiết kiệm tới 40% lượng nước tưới hàng năm, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu so với lối canh tác trước đây, nhưng đồng thời lại giúp gia tăng trên 30% thu nhập cho người nông dân.

"Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới sẽ cố gắng quy hoạch lại diện tích không phù hợp trồng cà phê (thiếu nước, độ dốc cao…) để chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị, phù hợp hơn. Đồng thời, với diện tích vườn già cỗi, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ cố gắng để giúp nông dân tiếp cận các chương trình vay vốn tái canh, các dự án thích hợp để tái canh vườn cà phê", ông Hiển nói.

Còn ông Phạm Phú Ngọc, trưởng Đại diện Nestlé Việt Nam tại Tây Nguyên, trăn trở: "Là người nông dân trực tiếp tham gia dự án Nescafé Plan, tôi cung muốn triển khai quy mô lớn, giới thiệu dự án này đến tất cả bà con nông dân trồng cà phê, nhưng trên thực tế thì việc này khá khó khăn do khó kiểm soát các tiêu chí 4C (Bộ Quy tắc chung cho cộng đồng cà phê - Common Code for the Coffee Community hay là CoC cho cà phê; gồm: Common - Chung, Code - Bộ qui tắc, Coffee - Cà phê, Community - Cộng đồng)".

Đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc cà phê từ nông dân, đến các đại lý và các nhà buôn bán lớn, do trong quá trình chế biến cà phê đã bị trộn lẫn, nên khó trong việc khắc phục các lỗi trong quá trình kiểm tra, thử nếm, nếu phát hiện thì không biết từ ai để đề xuất các biện pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng cà phê ngay từ vườn, nhà kho và trong quá trình chế biến trước khi đưa về nhà máy hoặc xuất khẩu.

Theo ông Ngọc, trong khuôn khổ chương trình Nescafé Plan thì Nestlé đã làm rất tốt việc kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc cà phê từ vườn đến nhà máy dễ dàng hơn, do tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị cà phê đều dưới sự quản lý của đơn vị 4C của Nestle.

Nhờ áp dụng các tiêu chí 4C, cà phê vùng Tây Nguyên đã được thế giới công nhận. Bằng chứng là các sản phẩm cà phê sau khi thu hoạch, được Nestlé Việt Nam thu mua, chế biến và xuất khẩu sang 25 quốc gia, được người tiêu dùng thế giới đón nhận.

"Năm nay, thông qua kết quả báo cáo năm 2019 của Tổ chức Cà phê toàn cầu GCP (Global Coffee Platform) tôi được biết là Nestlé Việt Nam đã thu mua hơn 800 nghìn tấn cà phê của niên vụ 2019-2020, đóng góp cho kinh tế Việt Nam khoảng 1 tỷ USD", ông Ngọc nói.

Ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, khẳng định, hằng năm Nestlé thu mua từ 20-25% sản lượng cà phê Việt Nam, duy trì vị trí là nhà thu mua lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của Nestlé là tạo tác động tích cực đến sự phát triển bền vững ngành cà phê, nâng cao đời sống nông dân, đóng góp vào tăng cường liên kết chuỗi, gia tăng giá trị và chất lượng, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới.

 

https://danviet.vn/tay-nguyen-moi-nam-co-180000ha-ca-phe-gia-coi-can-tai-canh-20201002142939556.htm

Theo QUỐC HẢI (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm