Tây Nguyên: Mời gọi bằng tiền chưa chắc thu hút đủ nhân lực ngành Y

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khu vực Tây Nguyên vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng các bác sĩ có chuyên môn ở các cơ sở y tế trọng điểm. Nếu các tỉnh trong vùng không sớm có cơ chế mở để thu hút nhân tài thì rất dễ kéo theo nhiều hệ lụy - đó là sự xuống cấp về chất lượng và không đủ nhân lực để ứng phó với các loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát trong tương lai gần...

Vùng Tây Nguyên đang thiếu hụt nhân tài ngành Y để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ảnh: Bảo Trung
Vùng Tây Nguyên đang thiếu hụt nhân tài ngành Y để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ảnh: Bảo Trung
Tuyển dụng đạt thấp
Ít tuần trước, tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông, một nhóm đối tượng say xỉn giữa đêm khuya lao vào đe dọa hành hung bác sĩ ngay trong khu vực cấp cứu. Điều dưỡng Nguyễn Đình Cường (Khoa Chấn thương, bỏng) đến can ngăn. Lê Đạt (SN 1997) và Nguyễn Anh Quý (SN 1999) lập tức dùng tay đấm liên tiếp vào đầu, mặt điều dưỡng Cường. Hậu quả, điều dưỡng Cường chấn thương vùng đầu, mặt và gãy 2 răng cửa. Sự việc trên xảy ra khiến rất nhiều y, bác sĩ trong bệnh viện cảm thấy bất an, thấp thỏm âu lo.
Ông Nguyễn Đại Phong - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) - cho biết, đơn vị đang là cơ sở điều trị trọng điểm của vùng nhưng lại đang thiếu hụt một lượng lớn bác sĩ chuyên khoa phân bổ khắp các phòng chuyên môn. Sự thiếu hụt này xảy ra bởi nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là do lương quá thấp và nhiều bác sĩ còn chủ động xin nghỉ việc vì sợ người nhà bệnh nhân hành hung, chửi bới. Họ nghỉ việc rồi vào làm ở các bệnh viện tư nhân - nơi chi trả chế độ lương thưởng với mức cao, môi trường làm việc an toàn, ít xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
Gia Lai có 6 bệnh viện lớn và nhiều trung tâm y tế tuyến huyện. Toàn tỉnh đang có tất cả 1.170 bác sĩ với hơn 4.000 giường bệnh. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Y tế huyện K’Bang chỉ mới tiếp nhận được 4 bác sĩ và còn thiếu 37 người so với chỉ tiêu biên chế được giao. Gần 4 năm qua, Trung tâm Y tế huyện Mang Yang chỉ mới tiếp nhận được thêm 2 bác sĩ và vẫn đang thiếu 52 người so với chỉ tiêu nhân sự được giao...
Thực tế, tỉ lệ tuyển dụng bác sĩ ở Gia Lai qua các năm đạt rất thấp so với nhu cầu. Đơn cử, năm 2017, tỉnh chỉ tuyển được 57 bác sĩ trong khi nhu cầu cần tuyển dụng là gần 190 người. Đến năm 2019, địa phương tuyển được 7 bác sĩ trong khi nhu cầu thực tế lên đến 225 người. Đáng chú ý, năm 2019, tổng biên chế bác sĩ ở trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này còn thiếu đến gần 500 người so với chỉ tiêu được giao. Riêng năm 2020, Gia Lai cũng mới chỉ bổ sung thêm được 71 bác sĩ trong khi nhu cầu cần tuyển dụng thực tế là hơn 200 người.
Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho hay, việc tuyển dụng được đội ngũ bác sĩ đang ở tỉ lệ rất thấp so với nhu cầu, chỉ tiêu được giao. Có trung tâm y tế huyện nhiều năm liền không tuyển được bác sĩ. Có bác sĩ hệ chính quy trúng tuyển nhưng đã quyết dứt áo ra đi, tìm đến làm việc tại các vùng có điều kiện thuận lợi hơn hay những thành phố lớn.
Khó lấp đầy khoảng trống
Hiện, hàng loạt bệnh viện công ở Tây Nguyên đều đang thiếu hụt trầm trọng các bác sĩ có chuyên môn, tay nghề giỏi. Các cử nhân ngành Y ở địa phương học tập xong phần lớn đều ‘’di tản’’ đi các thành phố lớn để tìm kiếm một mức thù lao hấp dẫn. Số khác thì ‘’đầu quân’’ cho các bệnh viện tư bất chấp những lời mời gọi ‘’có cánh’’ từ các Sở Y tế. Đáng buồn hơn, có trường hợp đã công tác lâu năm ở cơ sở y tế nhà nước chấp nhận nộp đơn xin nghỉ vì không chịu nổi áp lực từ nhiều phía.
Ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai - nói rằng, đơn vị đã kiến nghị lên Bộ Y tế xin sớm ban hành chính sách đãi ngộ tốt hơn để thu hút bác sĩ về công tác tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Sở cũng đề xuất với UBND tỉnh Gia Lai ban hành chính sách hỗ trợ để thu hút bác sĩ về địa phương công tác; kết hợp xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Y và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở các địa phương. Bởi, một khi đủ đội ngũ bác sĩ có chuyên môn thì tỉnh mới đủ năng lực ngăn chặn dịch bệnh xảy ra và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày tăng càng cao của người dân trên địa bàn.
UBND tỉnh Đắk Nông cũng vừa ban hành kế hoạch thu hút các cử nhân ngành Y và các bác sĩ sau đại học về công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài lương và các chế độ đãi ngộ theo quy định, các tiến sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa II khi về cống hiến cho tỉnh sẽ được hỗ trợ một lần số tiền 300 triệu đồng/người. Thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa I, nội trú được hỗ trợ 250 triệu đồng/người. Bác sĩ, dược sĩ đại học tốt nghiệp loại giỏi được hỗ trợ 220 triệu đồng/người; bác sĩ, dược sĩ đại học tốt nghiệp loại khá 180 triệu đồng/người.
Hiện, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên vẫn thiếu từ 15-20 bác sĩ. Trước tình hình trên, để giữ chân những nhân sự còn lại, lãnh đạo bệnh viện đã tiến hành cách làm ‘’độc đáo’’ - đó là hỗ trợ thêm cho những người đang làm việc ở khoa cấp cứu ban đầu 1 triệu đồng/tháng; khen thưởng đột xuất cho êkíp thực hiện những ca mổ khó với số tiền từ 5-10 triệu đồng... Ngoài ra, những người đi học chuyên khoa hoặc kỹ thuật cao về đơn vị tiếp tục cống hiến sẽ được đơn vị hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/tháng. Nhưng tất cả vẫn chỉ là giải pháp tình thế.
THANH TUẤN - BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm