Hiện, hai tỉnh lớn nhất vùng Tây Nguyên là Gia Lai và Đắk Lắk đang có gần 900.000 học sinh các cấp từ mầm non đến THPT. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành giáo dục 2 địa phương đã chuẩn bị các phương án linh hoạt để các em bám sát chương trình học năm 2021-2022.
|
Trong mùa dịch COVID-19, ngành giáo dục 2 tỉnh lớn nhất vùng Tây Nguyên là Gia Lai và Đắk Lắk đã xây dựng nhiều kịch bản để học sinh bước vào năm học mới thuận lợi. Ảnh minh hoạ: Bảo Trung |
Ngày 28.8, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Đắk Lắk thông tin, sẽ không tổ chức đón học sinh tựu trường vào ngày 1.9 tới. Tuy nhiên, từ nay đến trước khai giảng năm học mới, lãnh đạo các trường chủ động trong chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức khai giảng và dạy học; chỉ đạo giáo viên liên hệ, nắm tình hình học sinh của nhà trường đầu năm học; thông báo để học sinh và phụ huynh biết thông tin về kế hoạch giáo dục trong năm.
Về khai giảng năm học 2021-2022 vào ngày 5.9, các đơn vị chỉ tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến nếu có điều kiện nhưng phải làm ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa, đảm bảo an toàn.
|
Một trường THPT ở huyện vùng biên Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung |
Những trường không đủ điều kiện để tổ chức khai giảng theo hình thức trực tuyến cần báo cáo chính quyền địa phương để có sự chỉ đạo, hỗ trợ. Cụ thể, nhà trường phối hợp với các cơ quan phát thanh, truyền hình địa phương tổ chức tuyên truyền, thông tin những nội dung chính về khai giảng năm học mới tới phụ huynh và học sinh.
Sau ngày khai giảng năm học mới, các đơn vị tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến hoặc bằng hình thức khác phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và điều kiện sẵn có, ông Khoa nhấn mạnh.
Tỉnh Đắk Lắk không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non mà tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp…
Còn tại Gia Lai, ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh - thông tin Sở đang chỉ đạo các trường phổ thông trực thuộc tiến hành khảo sát, thống kê tỉ lệ học sinh không có khả năng học trực tuyến trong năm học để đưa ra các giải pháp sớm khắc phục.
Trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nếu các trường không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Khi dịch COVID-19 mới được kiểm soát được một số địa phương trong tỉnh thì các nhà trường phải tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế và thực hiện theo kịch bản mà sở đã xây dựng.
Cụ thể, đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên ở những địa phương được đánh giá mức độ vùng nguy cơ lây nhiễm thấp (phải áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15) thì tổ chức cho học sinh học tập trực tiếp trong trạng thái bình thường mới. Số lượng học sinh/lớp phù hợp (chia đôi lớp) kết hợp linh hoạt với học trực tuyến và các hình thức khác.
Những địa phương được đánh giá mức độ vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao phải áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16. Sở yêu cầu các trường tổ chức cho học sinh học tập trực tuyến ở những nơi đủ điều kiện dạy học trực tuyến.
BẢO TRUNG (LĐO)